Câu hỏi đặt ra là liệu các trò lừa đảo khiến rất nhiều người sập bẫy, mất tiền thời gian qua trên ứng dụng này có giảm bớt?
Telegram vừa lợi, vừa hại
Với nhiều tính năng nổi trội hơn so với các ứng dụng khác, người dùng tại VN ngày càng dịch chuyển dần sang Telegram, với hơn 31,5% người dùng internet ở độ tuổi 16 - 64 sử dụng ứng dụng này. Người dùng tăng lên, đi kèm theo là tỷ lệ tội phạm lợi dụng nền tảng này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang có chiều hướng gia tăng.
Từ cuối năm 2023 đến nay, cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng Telegram để lừa đảo. Cụ thể, vào tháng 5.2024, Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố hai đối tượng lập hơn 50 nhóm chat trên Telegram với khoảng hơn 25.000 thành viên tham gia để môi giới mại dâm rồi lừa đảo, chiếm đoạt tiền chuyển khoản đặt cọc lên tới hàng tỉ đồng.
Mới đây, vụ án gây chấn động do Nguyễn Hữu Đạt (25 tuổi, quê Bình Định, ngụ TP.HCM) cùng đồng phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản lên đến hàng chục tỉ đồng, đã được TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra xét xử nhưng vẫn chưa thể tuyên án vì còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Cụ thể, các bị cáo đã lập hơn 10.000 nhóm Telegram để dẫn dụ đầu tư và lừa đảo với số bị hại lên đến 100 người, gây thiệt hại hơn 35 tỉ đồng nhưng chỉ thu hồi được 3 tỉ đồng. Các bị hại đều khai không biết vì sao tài khoản của mình được đưa vào nhóm Telegram đầu tư.
Ban đầu họ đều không quan tâm đến những tin nhắn qua lại về việc đầu tư, trả tiền trên đó, nhưng sau khi các đối tượng nhắn tin với họ, hỏi han, chia sẻ và gọi để mời tham gia với những mức lãi suất khủng gấp gần 10 lần lãi suất nếu gửi ngân hàng, thì họ quyết định đầu tư. Trong khoảng 3 ngày đầu, các nạn nhân được chuyển tiền trả đúng hẹn. Nhiều người tin tưởng, bị cuốn vào rồi vay mượn người thân, bạn bè để đầu tư bởi tâm lý lo ngại "xuống tiền nhanh nếu không sẽ không kịp".
Các bị hại đều thừa nhận họ không hiểu biết sâu về việc đầu tư. Do tham tiền lãi nên dù không biết các đối tượng đầu tư là ai, họ vẫn tin tưởng chuyển tiền qua các tài khoản ngân hàng mà nhóm này đưa ra. Thời gian sau, nhiều bị hại vẫn ngần ngại không đi tố cáo vì nhóm đối tượng vẫn gọi, nhắn tin an ủi, chia sẻ, động viên họ sẽ lấy lại được tiền nên các bị hại hy vọng và ráng chờ. Chỉ đến khi công an thông báo về vụ án, các bị hại mới vỡ lẽ đã bị lừa mất tiền. Nhiều bị hại chia sẻ sau vụ việc này có người gia đình lục đục tan vỡ; có người đã tính đến kết cục tiêu cực khi thiếu nợ, vì lo sợ mất danh dự.
Một trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản nổi tiếng qua nền tảng Telegram như "việc nhẹ lương cao", lừa đảo tuyển dụng, làm nhiệm vụ nhận tiền, kêu gọi đầu tư…Theo đó, kẻ lừa đảo tự ý thêm người dùng Telegram vào một group chat, sau đó họ cho rằng mình đang cần người làm nhiệm vụ này, nhiệm vụ kia rất đơn giản, dễ dàng, chỉ cần "nạp tiền vào là nhận nhiệm vụ" và chỉ làm trên điện thoại là được nhận khoản lời lớn. Khi con mồi tin tưởng nạp cho họ một khoản tiền để chấp nhận làm nhiệm vụ, các đối tượng sẽ tạo ra một cộng đồng "người nhà" trong group chat, để cùng nhau tạo những hình ảnh giả là đã nhận được tiền nhằm tạo được niềm tin cho "con lừa" vào bẫy.
Vài lần đầu, các đối tượng lừa đảo giữ đúng lời hứa là đưa tiền lãi cho "con mồi", đây là một thủ đoạn được cho là "thả con tép, bắt con tôm" nhằm đánh vào lòng tham của những người ưa thích việc nhẹ lương cao. Khi số tiền nạp ngày càng nhiều, người tham gia sẽ không rút được tiền về tài khoản. Lúc này, các đối tượng yêu cầu người tham gia nộp thêm tiền vào thì mới rút được tiền về tài khoản, nhưng càng nộp tiền thì nạn nhân càng bị mất thêm tiền.
Pháp bắt giữ CEO Telegram
Cảnh giác biến tướng
Chia sẻ về thông tin CEO của Telegram bị bắt, ông Võ Đỗ Thắng nhận định: "Hiện tại hậu quả của vụ việc có thể chưa gây tác động đến người sử dụng ứng dụng này tại VN, bởi vì cơ chế quản lý của các tập đoàn đa quốc gia rất chặt chẽ và được phân công nhân sự đầy đủ. Tuy nhiên, sau sự việc này thì chính sách của Telegram có thể phải thay đổi, tích cực hợp tác quốc tế nhiều hơn trong nỗ lực ngăn ngừa tội phạm mạng. Trước đây, cơ quan công an tại nhiều quốc gia, trong đó có VN, đã liên hệ với Telegram để yêu cầu hợp tác điều tra tội phạm nhưng đều gặp khó khăn. Điều này có thể sẽ phải thay đổi. Đối với các đối tượng đang sử dụng Telegram làm công cụ lừa đảo tại VN cũng sẽ không còn ngang nhiên, công khai hoạt động thách thức pháp luật như hiện nay".
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (thuộc dự án Chongluadao.vn) phân tích: "Sau vụ CEO của Telegram bị bắt, một số nhóm tội phạm mạng đã bắt đầu chuyển dịch các kênh giao tiếp của họ sang các nền tảng khác như Signal và Matrix. Đây là một động thái nhằm đảm bảo sự bảo mật và riêng tư cho các hoạt động của họ, khi họ lo ngại rằng Telegram có thể bị giám sát chặt chẽ hơn hoặc bị siết chặt theo pháp lý".
Dự báo diễn biến sắp tới, ông Ngô Minh Hiếu cho rằng các nhóm tội phạm có khả năng sẽ tiếp tục tìm kiếm và sử dụng các nền tảng giao tiếp an toàn và ít bị giám sát hơn. "Việc Telegram bị giám sát có thể dẫn đến các thay đổi chiến thuật trong cách thức các nhóm tội phạm tổ chức và tiến hành các hoạt động bất hợp pháp. Signal và Matrix hiện tại là các lựa chọn phổ biến nhờ vào khả năng mã hóa cao và bảo vệ quyền riêng tư. Các nhóm này có thể tăng cường sử dụng các công cụ bảo mật khác như VPN, TOR, và các hình thức giao tiếp phi tập trung để tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng", ông Ngô Minh Hiếu nhận định và cho biết thêm: "Khi cảm thấy bị đe dọa, các nhóm này có thể phản ứng bằng cách tăng cường các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là nhằm vào các cơ quan chính phủ hoặc các nền tảng công nghệ, nhằm tạo sức ép hoặc làm phân tâm các cơ quan chức năng".
Tiền ảo của Telegram giảm giá mạnh
Theo dữ liệu của Coinmarketcap, mã tiền số TON (Toncoin) của Telegram giao dịch ổn định ở mức 6,8 USD nhiều ngày trước khi giảm mạnh xuống 5,44 USD và hồi phục nhẹ lên mức 5,7 - 5,8 USD sáng 26.8. Vốn hóa tiền số này hiện "bốc hơi" khoảng 2 tỉ USD, từ mức 16,6 tỉ USD xuống 14,44 tỉ USD sau khi thông tin CEO của Telegram bị bắt giữ tại Pháp.
Các dự án blockchain khác được xây dựng trên hệ sinh thái này cũng chứng kiến mức giảm gần tương tự. GameFi dạng Tap-to-Earn Notcoin (NOT) chạy trên TON cũng giảm 18%, trong khi memecoin theo hình ảnh của Pavel Durov, tên mã Durev, cũng giảm khoảng 20%.
Toncoin là tiền điện tử được xây dựng dựa trên blockchain của Telegram. Tuy nhiên năm 2020, công ty phải dừng dự án sau khi đối mặt với các áp lực từ Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC).
Sau khi Telegram bỏ dự án TON, một nhóm nhà phát triển vẫn tiếp tục công việc và đổi tên thành The Open Network, còn Gram thành Toncoin. Thực tế, dự án vẫn có mối liên hệ mật thiết với nền tảng nhắn tin Telegram của Durov khi phục vụ nhiều chức năng trong hệ sinh thái, bao gồm cả phí giao dịch và quản trị.
Bình luận (0)