Vì sao Telegram là mảnh đất màu mỡ của tội phạm?

25/08/2024 12:15 GMT+7

Thông tin tỉ phú Pavel Durov, nhà sáng lập và là CEO của ứng dụng Telegram, vừa bị bắt tại Pháp liên quan cáo buộc thiếu kiểm soát dẫn đến hoạt động của tội phạm trên ứng dụng thu hút sự quan tâm của khá nhiều người, trong đó có rất đông người sử dụng tại Việt Nam.

Có thể ẩn danh, xóa vết

Ngày 25.8, nhiều kênh truyền thông quốc tế đưa tin tỉ phú Pavel Durov (40 tuổi), nhà sáng lập và là CEO của ứng dụng nhắn tin Telegram, vừa bị bắt ở sân bay Bourget (Pháp). Trên thế giới, Telegram là ứng dụng đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ, được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Telegram đặt mục tiêu đạt một tỉ người dùng trong năm tới.

Vì sao Telegram là mảnh đất màu mỡ của tội phạm?- Ảnh 1.

Các hoạt động tội phạm như mua bán chất cấm, mua bán thông tin cá nhân, môi giới mại dâm... đang hoạt động rầm rộ trên ứng dụng Telegram

Q.T

Tại Việt Nam, với nhiều tính năng nổi trội hơn so với các ứng dụng khác, người dùng ngày càng dịch chuyển dần sang Telegram với hơn 31,5% người dùng internet tại Việt Nam ở độ tuổi 16-64 sử dụng ứng dụng mạng xã hội này. Người dùng tăng lên, đi kèm theo đó là tỉ lệ tội phạm lợi dụng nền tảng này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang có chiều hướng gia tăng.

Đứng trước các vấn nạn mua bán data người dùng, tuyển dụng việc nhẹ lương cao hay theo dõi đường dây lừa đảo dẫn dụ nạp tiền làm nhiệm vụ để lựa chọn nhân viên massage… PV Thanh Niên đều được các đối tượng hướng dẫn đăng nhập vào ứng dụng Telegram để trao đổi thông tin. Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng video call giả mạo để dẫn dụ và tạo niềm tin cho con mồi.

Từ cuối năm 2023 đến nay, cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo tình trạng các tổ chức, cá nhân lợi dụng ứng dụng Telegram để lừa đảo. Cụ thể, Công an tỉnh Nam Định khởi tố hai đối tượng lập hơn 50 nhóm chat trên ứng dụng Telegram với khoảng hơn 25.000 thành viên tham gia để môi giới mại dâm rồi lừa đảo, chiếm đoạt tiền chuyển khoản đặt cọc lên tới hàng tỉ đồng. Nhiều nạn nhân đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua nền tảng Telegram như "việc nhẹ lương cao", lừa đảo tuyển dụng, làm nhiệm vụ nhận tiền, kêu gọi đầu tư… với thủ đoạn quen thuộc: Đối tượng gọi điện mời gọi, sau đó hướng dẫn nạn nhân tham gia vào các group Telegram để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Pháp bắt giữ CEO Telegram

Sẽ không còn công khai thách thức?

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu phân tích: Telegram cung cấp tính năng mã hóa đầu cuối cho các cuộc trò chuyện bí mật, mức độ bảo mật cao, giúp bảo vệ nội dung trò chuyện khỏi việc bị theo dõi hoặc đánh cắp. Người dùng Telegram có thể tạo tài khoản chỉ với một số điện thoại, không cần cung cấp nhiều thông tin cá nhân. Điều này giúp các đối tượng lừa đảo dễ dàng ẩn danh. Hoặc có thể dùng tiền ảo TON của Telegram để mua số ảo dùng để đăng ký tài khoản. Telegram còn cho phép người dùng thiết lập thời gian tự hủy tin nhắn sau một khoảng thời gian nhất định, giúp xóa dấu vết các cuộc trò chuyện nhạy cảm. Ngoài ra, Telegram hỗ trợ các nhóm và kênh có số lượng thành viên lớn, chia sẻ các tệp tin lớn, cho phép các đối tượng lừa đảo dễ dàng tiếp cận và lôi kéo nhiều người cùng lúc.

Còn theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn An ninh mạng Athena, với mã nguồn mở, các đối tượng lừa đảo có thể tạo nhiều tài khoản ảo, cò mồi, tham gia tung hứng, đưa thông tin giả, khiến người tham gia cảm giác "nhóm làm ăn" luôn sôi động, có nhiều người kiếm được tiền hoặc giải thưởng nên dễ rơi vào bẫy lừa. Với thủ đoạn quen thuộc: Đối tượng gọi điện mời gọi, sau đó hướng nạn nhân tham gia vào các group Telegram để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ứng dụng này đang dần trở thành công cụ đắc lực đối với tội phạm mạng.

Các chuyên gia an ninh mạng đánh giá, sự xuất hiện của tiền mã hoá cũng là một trong những lý do để các tội phạm mạng chọn Telegram để hoạt động. Đối tượng chỉ cần viết ra một con bot để bán hàng, mọi thứ đều được thực hiện tự động. Người dùng muốn mua các dữ liệu cá nhân hay các phần mềm phát tán mã độc, chỉ cần gõ các dòng lệnh là hoạt động mua bán sẽ diễn ra. Bên cạnh đó, các giao dịch này được trả bằng tiền mã hoá như Bitcoin hay USDT, nên việc để tìm ra các đối tượng này đối với các cơ quan chức năng là một điều vô cùng khó.

Đối với thông tin CEO của Telegram bị bắt, ông Võ Đỗ Thắng nhận định: Trước mắt, thông tin này có thể chưa gây tác động đến người sử dụng ứng dụng này tại Việt Nam bởi vì cơ chế quản lý của các tập đoàn đa quốc gia rất chặt chẽ và được phân công nhân sự đầy đủ. Tuy nhiên, sau sự việc này thì chính sách của Telegram có thể phải thay đổi, tích cực hợp tác quốc tế nhiều hơn trong nỗ lực ngăn ngừa tội phạm mạng. Đối với các đối tượng đang sử dụng Telegram làm công cụ lừa đảo tại Việt Nam hiện nay cũng không còn ngang nhiên, công khai hoạt động thách thức pháp luật như hiện nay.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.