Lúa trời

22/10/2022 15:00 GMT+7

Có dịp đi sưu tầm chuyện dân gian về cây lúa ở miền Tây, tôi ngạc nhiên rằng, không thấy có câu chuyện nào giải thích rằng những lưu dân đi mở cõi đã mang hạt giống từ miền Bắc – cái nôi của nền văn minh lúa nước Việt Nam vào nơi đây; hay nơi đây ngay từ thời xa xưa đã có nhiều giống lúa bản địa?

Tìm đến một lão nông ở Tràm Chim, ông kể rằng, có lẽ từ xưa thiên nhiên đã gói ghém hạt lúa ngay trong lòng những cánh rừng hoang vu bạt ngàn, chờ con người đến khai mở và đánh thức để hóa thành những cánh đồng lúa bạt ngàn trĩu hạt. Minh chứng cho điều đó, là cho đến nay ven những cánh rừng ngập mặn nguyên thủy hay dọc lác đác nhiều nơi ở miền Tây vẫn còn đó giống lúa hoang (lúa rừng) bản địa, thường hay được gọi là cây lúa trời hoặc cây lúa ma…

Có lẽ từ xưa thiên nhiên đã gói ghém hạt lúa ngay trong lòng những cánh rừng hoang vu bạt ngàn, chờ con người đến khai mở và đánh thức để hóa thành những cánh đồng lúa bạt ngàn trĩu hạt

CÔNG HÂN

Với tôi, thì lại thích gọi đây là cây lúa trời hơn là lúa ma, bởi lẽ giống lúa này mọc tự nhiên, tự sống hồn nhiên theo ven các ao đìa, đồng bãi và cả rừng ngập mặn. Nó có một sức sống mãnh liệt vô cùng, bất kể thử thách nắng mưa hay nước lũ, phèn chua đất mặn, lúa trời vẫn mạnh mẽ vươn lên và trĩu hạt. Để rồi những hạt lúa không ai thu hoạch ấy, vẫn tiếp tục tự rụng xuống đất, nước đẩy đưa trôi dạt, tự ủ mình như giấc ngủ dài cho đến lúc thuận lợi thì tấp vào đâu đó mặc kệ, lên xanh và lặng lẽ trổ bông truyền kiếp…

Giống lúa thật lạ! Như đứa con trời sinh, trời nuôi và chúng tự lớn khôn, lặng lẽ và cô độc từng chòm nhỏ, năng suất thấp nhưng vẫn lên xanh ven những cánh đồng lúa bạt ngàn trĩu hạt no tròn.

Người già quanh tôi kể rằng, cứ vào khoảng giữa tháng 3 âm lịch hằng năm, khi mùa xuân vừa sắp chuyển giao qua mùa hè và trên đồng lất phất sa mưa thì hạt lúa ma trôi dạt cũng bắt đầu uống những giọt mưa đầu mùa mà tách vỏ đâm chồi, nảy mầm xanh như rạ. Không cần phân bón hay cấy tỉa, chúng vẫn mọc lên cao. Có lẽ là đứa con hoang của thiên nhiên không người chăm sóc, nên lúa trời tự biết thân phận mình mà mọc lên cao, thân cứng cáp, vươn lá bản to và đâm rễ sâu, từng chùm rất chắc. Cũng chính nhờ bộ rễ mạnh mẽ này mà lúa trời đã hút được tối đa dưỡng chất trong đất để nuôi lấy một cơ thể khỏe khoắn, giàu đề kháng có thể chống lại sâu rầy và chịu được độ phèn chua đất mặn cao, mà bao loài lúa khác hằng mong ước…

Sinh trưởng phất phơ với gió sương suốt hơn nửa năm, bất chấp con nước nổi có dâng cao đến đâu thì cây lúa trời cũng vươn cao đến đó. Tôi từng chứng kiến một cây lúa trời cao ba bốn mét ở nhà một lão nông trong Đồng Tháp Mười. Ấy là cây lúa trời trong đám lúa thiên nhiên còn sót lại giữa cánh đồng ngập trắng hồi đỉnh lũ năm 2000, cũng là đám lúa trời hoang vu đã nuôi lấy gia đình ông trong lúc khắp cả cánh đồng lúa bao la đều mất trắng… Mọi thứ bị nhấn chìm, cây lúa cũng chết trong đỉnh lũ, chỉ mỗi lúa trời là sau một đêm đã có thể cao hơn ba bốn gan tay, vươn lên ánh nắng!

Đến độ tháng 10, khi con nước bắt đầu rút, dần dà đến đầu tháng tháng Chạp thì cây lúa trời vào vụ trổ đòng đơm bông. Bông lúa trời cũng lạ, chúng to, dài và thẳng hơn lúa thường. Tuy nhiên mỗi bông rất thưa hạt. Mỗi hạt có cỏ trấu màu vàng đen và chiếc đuôi hạt rất dài. Cũng chính vì có chiếc đuôi dài mà các loài chim chuột trên đồng không dám đụng đến, vì chúng biết ăn hạt lúa trời thì không thể tiêu hóa được, mà sẽ dễ bị nghẹn chết.

Mỗi lần lúa trời chín, chúng chỉ chín vài ba hạt chứ không rộ cả bông. Từ lúc vào hạt đến chín khoảng mười ngày, trong mười ngày ấy người ta nếu muốn thu hoạch lúa trời thì phải tranh thủ vào ban đêm, vì mặt trời lên, gặp ánh sáng là lúa chín sẽ tự nhiên rụng. Có một thời dân ta đói khổ, đã sống nhờ cây lúa trời.

Trời nhá nhem tối, nhà nhà căng tấm đệm ở giữa chiếc xuồng rồi chống xuồng ra ruộng mênh mông nước, tìm đến những đám lúa trời, lấy cái dầm rung cho hạt lúa rơi vào xuồng. Đi thu hoạch lúa trời thường phải đi ít nhất hai người, một người chống xuồng và một người cầm hai cây tre dài khoảng 2 mét, gọi là cây cần câu. Cầm hai cây cần câu dọc theo hai bên bụng xuồng mà đi vào đám lúa trời rồi đập cho bông rơi vào xuồng. Tuy nhiên bởi mỗi bông lúa chỉ chín cùng lúc một vài hạt, nên phải mất từ tối đến tận sáng mới mong thu hoạch được đầy xuồng lúa…

Lúa trời sau khi thu hoạch về, được người dân đem ngâm trong nước suốt ba ngày rồi mang ra phơi để hạt rụng đuôi. Khi đuôi của hạt đã rụng, người ta mới đem vào cối giã tách vỏ trấu, để được những hạt gạo có màu hồng nhạt. Thuở xưa, đời sống còn nhiều thiếu thốn, gần gũi mật thiết với thiên nhiên, do vậy mà dân miền Tây thường để gạo lúa trời vào nồi đất, đậy lại bằng một tấm lá sen cho kín trước khi úp vung lên nồi. Củi lửa bấy giờ chủ yếu là rơm, vậy mà hương vị của lúa trời thơm lừng ngây ngất; cơm lúa trời có hương vị ngọt béo, thơm và dẻo… lại có rất nhiều dưỡng chất... Mãi sau này khi đã có nhiều điều kiện hơn, nhưng không chất liệu nào nấu gạo lúa trời ngon bằng nồi đất, cũng như nấu cơm lúa trời bằng bếp điện, bếp ga thì cơm chẳng thể nào “đúng điệu”.

Lang thang ở đồng bằng, dễ dàng nghe nhiều nơi gọi lúa trời là lúa ma. Tò mò, tôi hỏi thăm nhiều nơi thì được biết, bởi vì đặc tính ẩn hiện khắp nơi của lúa trời, lẫn lộn với lúa cỏ khó nhận ra; mùa nước lũ dâng cao trắng đồng, mới hồi chiều thấy ngập phẳng lì mà sáng ra đã thấy lúa trời vươn lên xanh mướt, “như ma”, cộng thêm tính khí rất lạ, là chỉ chịu rụng bông vào ban đêm, sức sống mạnh mẽ đến cả sâu bọ, chim chuột và nước mặn đất phèn cũng phải chịu thua, nên người ta gọi lúa trời là lúa ma. Tuy nhiên, dẫu là lúa trời hay lúa ma đi nữa thì sự thơm ngon và bổ dưỡng của hạt gạo này là điều không thể chối cãi. Chính vì tiếng lành đồn xa nên trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, đã có đoạn nhắc đến lúa trời và gọi đây là loài “quỷ cốc”. Dân gian vùng Đồng Tháp Mười truyền nhau câu chuyện rằng, những ngày bôn tẩu ở phương Nam, có lúc chúa Nguyễn Ánh đã dựa vào cây lúa trời (lúa ma) mà sống. Sau này khi đã thống nhất giang sơn, Nguyễn Ánh vẫn nhớ cái hương vị thơm ngon của cây lúa hoang dại này nên cho người cung tiến về kinh, xếp vào loại nông sản quý hiếm cao cấp của triều đình, dùng trong những ngày đại lễ, cúng tế và làm đặc sản tiếp đãi “thượng khách”.

Nhiều lúc ngồi chiêm nghiệm, tôi nhận ra rằng tính cách và lối sống của cây lúa trời cũng có phần giống với tính cách cư dân miền Tây. Sống lẫn với thiên nhiên, mạnh mẽ vươn lên, đẹp một cách bình dị, ẩn sâu trong mình bao vốn quý lặng lẽ dâng cho đời không chỉ để nhận lại câu khen hay lời cảm tạ! Lúa trời, giọt sữa đầu của mẹ thiên nhiên, thứ sữa giàu dinh dưỡng bồi đắp tâm hồn và sức sống cho những đứa con từ thuở khai hoang vẫn còn lưu lại đến bây giờ bằng một sức sống lặng lẽ trường tồn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.