Mỗi khi nhắc đến nợ công, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn, lấy nguồn tiền đâu để trả nợ... Nhưng có một khía cạnh không kém phần quan trọng trong vấn đề nợ công mà ít người nói đến, đó là nợ công tăng khiến tâm lý các doanh nghiệp tư nhân, là nguồn lực đầu tư bền vững và hiệu quả, cảm thấy chán nản, thậm chí muốn thoái lui khỏi thị trường.
Theo lý giải của TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, điều quan trọng nhất của nợ công là tạo hiệu ứng lan tỏa chứ không phải sự lời lãi tính trực tiếp trên mỗi đồng vốn vay bỏ ra. Nếu các dự án công hiệu quả sẽ tạo động lực cho nền kinh tế, tạo ra môi trường thuận lợi để các thành phần doanh nghiệp (DN) cùng tham gia, cùng đóng góp vào tăng trưởng. Và trong bối cảnh đó, vay nợ nhiều hay ít, tỷ lệ nợ công bao nhiêu sẽ không còn là vấn đề phải lôi ra tranh cãi khi tới thời điểm công bố nợ công hằng năm. Chỉ tiếc rằng, đầu tư công của VN vốn “nổi tiếng” về sự chậm trễ, đầu tư tràn lan, lãng phí dẫn đến tổng mức đầu tư tăng, hiệu quả đầu tư kém và khả năng trả nợ thấp. Và tất nhiên, đầu tư kiểu này thì lấy đâu ra sự "lan tỏa" để kéo đầu tư tư nhân vào cuộc?
Hơn nữa lâu nay, mọi nguồn lực đều rót vào khối DN nhà nước nên khối DN tư nhân bị bỏ quên. Như nói trên, đây là nguồn lực đầu tư bền vững và hiệu quả. Đóng góp của khối DN tư nhân đang tăng lên và chiếm tới 49% GDP. Vì vậy, việc lơ là đầu tư cho khối này là chúng ta tự đánh mất cơ hội tạo ra thu nhập, tạo ra tăng trưởng và phát triển. Ngoài ra, việc Chính phủ đứng ra vay rồi cho DN nhà nước vay cũng tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường đầu tư, khiến cho các DN tư nhân chán nản. Cộng với bối cảnh khó khăn kéo dài, rất có thể khiến không ít DN chọn cách thoái lui khỏi thị trường. Vì vậy theo nhiều chuyên gia, đầu tư công chỉ nên tập trung vào lĩnh vực hạ tầng cơ sở, giao thông để cộng đồng DN cùng hưởng lợi, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh và tạo hiệu ứng lan tỏa để thu hút cả đầu tư trong và ngoài nước.
Còn hiện tại, tốc độ nợ công tăng cao nên chúng ta đang phải vay để trả nợ; nợ ngắn hạn nhiều nên áp lực trả nợ ngày càng căng thẳng; năng lực trả nợ giảm sút vì nghĩa vụ trả nợ đã vượt quá 25% tổng thu ngân sách. Chưa kể nguồn ngoại tệ của chúng ta hiện chủ yếu là xuất khẩu, trong đó xuất khẩu dầu thô chiếm phần lớn nhưng giá dầu thô đã và đang có nguy cơ giảm, sẽ ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ trả nợ.
Trong khi chúng ta đau đầu với các vấn đề này, cái gốc của vấn đề vẫn là phải quyết liệt giảm nợ công và tăng hiệu quả đầu tư công lại chưa thấy kế hoạch cụ thể.
Bình luận (0)