'Luật rừng có hại, nhưng một rừng luật chất lượng kém thiệt hại còn nhiều hơn'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/05/2022 11:30 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, công tác xây dựng thể chế có hiệu quả thấp đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

"Lợi sẽ bất cập hại"

Sáng 24.5, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình năm 2022.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường sáng 24.5

gia hân

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ đồng tình với các đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác lập pháp trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông đề nghị Quốc hội bổ sung một nguyên tắc yêu cầu các tổ chức, cơ quan đề xuất phải có có bản đối chiếu, phân tích và đánh giá hai cực “phí tổn và lợi ích” của dự án luật.

Đại biểu Nghĩa phân tích, khi làm mới hay bổ sung, sửa đổi một đạo luật, có rất nhiều loại phí tổn từ xây dựng đề án cho tới soạn thảo và thực hiện.

"Phí tổn phát sinh dưới nhiều dạng, ở nhiều khu vực, cả của ngân sách lẫn khu vực tư, của xã hội, của người dân, mà loại phí tổn này thường không được quan tâm đầy đủ", ông Nghĩa nhận định và cho rằng, có cả những phí tổn không đo được bằng tiền hay không nhìn thấy được.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: "Luật rừng có hại, nhưng một rừng luật chất lượng kém thiệt hại còn nhiều hơn"

Đại biểu TP.HCM cũng đề nghị Quốc hội cần yêu cầu tổ chức, cơ quan trình sáng kiến lập pháp hay trình dự án luật phải cung cấp các thông tin được lượng hóa, tiêu chí hóa, mô hình hóa, có phân tích, tổng hợp, đánh giá nhiều chiều một cách khách quan, khoa học, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa dự án luật ấy vào chương trình xây dựng luật hay có thông qua dự thảo luật hay không.

Các cơ quan của Quốc hội cũng cần mời các chuyên gia phản biện chuyên môn, chuyên sâu, nhất là về so sánh phí tổn - lợi ích.

Đại biểu Nghĩa cho biết đề nghị như vậy vì các sáng kiến lập pháp hay dự án luật, trong phần đánh giá tác động, thông tin về phí tổn thường bị xem nhẹ, không đánh giá hết, hoặc đánh giá rất chung chung, chủ yếu nói đến cái lợi, mà cũng chỉ nói một chiều, rất khó để các đại biểu, nhất là các đại biểu không chuyên ngành, có thông đủ thông tin để đánh giá hay phản biện.

"Có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng rất bất tiện cho người dân. Có đạo luật bị rơi vào quên lãng, hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách, hay biện pháp hành chính, không phải là một đạo luật đúng nghĩa. Có những lĩnh vực cần pháp điển hóa, nghĩa là làm chung một đạo luật đầy đủ các bộ phận liên quan nhau để tránh chồng chéo, xung đột và để thuận tiện cho người dân thì không nên chia cắt thành nhiều luật, lợi sẽ bất cập hại", ông Nghĩa nói và cho rằng những đạo luật như vậy gây ra lãng phí công sức, tiền của nhà nước, của xã hội và của nhân dân.

Xây dựng thể chế hiệu quả thấp

Theo đại biểu Nghĩa, có chuyên gia nhận xét rằng, Việt Nam tăng trưởng kinh tế khá cao, xuất khẩu nhiều, thu hút đầu tư nhiều, quy mô kinh tế lớn hơn nhiều nước ASEAN, thậm chí lớn hơn Singapore là nước phát triển nhất trong ASEAN, nhưng dân ta vẫn nghèo hơn họ rất nhiều.

Đại biểu Nghĩa cho rằng, công tác xây dựng thể chế có hiệu quả thấp đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân

gia hân

"Theo tôi một trong những nguyên nhân là do nhà nước, doanh nghiệp và người dân chúng ta phải chịu phí tổn quá nhiều, và quá nhiều loại phí tổn, trong đó có phí tổn của công tác lập pháp, lập quy, ban hành chính sách, quy định, hay nói rộng hơn, là phí tổn do công tác xây dựng thể chế có hiệu quả thấp", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Dẫn lời của Lê-nin nói rằng: chế độ xã hội này thắng chế độ xã hội kia là do năng suất lao động cao hơn, nghĩa là do hiệu năng cao hơn; cũng như lời dạy của Bác Hồ: "Cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, có hại cho dân thì hết sức tránh", ông Nghĩa nhấn mạnh: "Luật rừng là có hại, nhưng một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn".

Từ đó, đại biểu Nghĩa nói và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vận dụng các di huấn này khi xem xét các sáng kiến lập pháp và các dự án luật.

"Làm như vậy, công tác lập pháp của Quốc hội sẽ vất vả hơn, nhưng chất lượng và hiệu quả sẽ cao hơn, nhân dân ta và doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ hài lòng hơn", ông Nghĩa nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.