Luật sư bị hại phân tích thêm về tội danh của Nguyễn Thái Luyện

Luật sư bị hại phân tích thêm về tội danh của Nguyễn Thái Luyện

20/12/2022 21:58 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty CP địa ốc Alibaba) kêu oan. Luật sư bào chữa cho Luyện không đồng ý tội danh mà Viện KSND TP.HCM truy tố bị cáo...

Chiều 20.12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) tiếp tục với phần các luật sư bào chữa đối với các bị cáo còn lại; phần luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), bảo vệ cho người bị hại là ông Phạm Văn Tưởng, trình bày thân chủ của ông đã bỏ ra hơn 8,2 tỉ đồng mua 9 đất nền đất ở tại 2 dự án của Công ty Alibaba.

Luật sư Trương Anh Tú bảo vệ cho bị hại, phân tích thêm hành vi phạm tội của Nguyễn Thái Luyện

NHẬT THỊNH

Song theo kết quả xác minh tại cơ quan chức năng, 2 dự án mà ông Tưởng tham gia đầu tư không được Công ty Alibaba làm thủ tục xin cấp phép đầu tư dự án. Như vậy “dự án” là không có thật và đây là thủ đoạn gian dối của Luyện và đồng phạm đã lừa ông Tưởng.

Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Công ty Alibaba, các cá nhân liên quan phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ông Tưởng.

"Có đất không làm mất đi yếu tố gian dối trong thủ đoạn lừa đảo của Luyện"

Phân tích thêm về hành vi của Nguyễn Thái Luyện có phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không, luật sư Trương Anh Tú nêu, các thửa đất của Công ty Alibaba là có đất thật nhưng mục đích sử dụng của các thửa đất này chỉ là đất nông nghiệp, chưa đảm bảo được các điều kiện quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở (đảm bảo các yếu tố về chiều sâu thửa đất, cạnh tiếp giáp đường…), điều kiện về diện tích tối thiểu được phép tách thửa.

Như vậy, trên thực tế, Luyện có đất nông nghiệp nhưng Công ty Alibaba và các Công ty con lại ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở, trên đó thể hiện rõ mục đích sử dụng đất là đất ở, diện tích khoảng 100 - 140 m2 khi chưa đáp ứng được các thủ tục để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa theo quy định của pháp luật và cũng sẽ không hoàn thành được việc chuyển mục đích, tách thửa do không có các căn cứ pháp lý.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị Viện KSND TP.HCM đề nghị tù chung thân vì lừa đảo hơn 2.400 tỉ đồng của 4.550 người bị hại, khi gian dối rao bán 58 dự án "ma"

NHẬT THỊNH

Theo luật sư Trương Anh Tú, vì thế, việc có đất không làm mất đi yếu tố gian dối trong thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm.

Đang áp dụng nguyên tắc có lợi cho Nguyễn Thái Luyện

Về tội danh của Nguyễn Thái Luyện, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, cáo trạng truy tố bị cáo Luyện tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đang áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo.

Theo luật sư, Luyện và đồng phạm đã thực hiện một chuỗi các hành vi gian dối, từng hành vi đủ yếu tố cấu thành một số tội phạm khác. Đơn cử như hành vi vi phạm các quy định về sử dụng đất đai của Luyện và đồng phạm đã từng bị xử phạt hành chính nhưng lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm. Do đó, có đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định quản lý, sử dụng đất đai.

Luật sư Tú cho rằng, trường hợp người thực hiện 1 hành vi nhưng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn; trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm (theo Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 1.10.2019 về việc trao đổi nghiệp vụ)

Do đó, theo nguyên tắc áp dụng có lợi cho bị can, bị cáo, luật sư Tú nhìn nhận việc chỉ truy tố Luyện và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tội nặng nhất) mà không truy tố thêm các tội danh khác như tội vi phạm quy định quản lý đất đai, tội lừa dối khách hàng… trên cơ sở thu hút hành vi, thu hút tội danh như hướng dẫn tại Công văn 233 là phù hợp, có căn cứ pháp luật.

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00
Tài sản trong két sắt, ngân hàng trong vụ Alibaba có đủ đền bù cho bị hại?

Ngày mai (21.12), đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa sẽ đối đáp trở lại các quan điểm của luật sư và phần tự bào chữa của 23 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.