|
Từ đó, luật sư Schifferli trở thành một địa chỉ thân quen của Việt Nam tại Thụy Sĩ. Ông hỗ trợ các chuyến thăm của nhiều phái đoàn hai nước, giúp Việt Nam trong một số vấn đề pháp lý quốc tế “nho nhỏ”, kết nối nhiều nhà đầu tư và hoạt động giao thương giữa hai nước. Nhiều lãnh đạo cao cấp trong nước đến thăm Thụy Sĩ cũng tranh thủ gặp ông, thậm chí đến nhà ông ăn tối. Ông là một trong những người hỗ trợ Hãng hàng không quốc gia Thụy Sĩ Swiss Air mở đường bay trực tiếp đến TP.HCM năm 1997.
Duyên tình với kiều nữ Việt
“Tôi bắt đầu quan tâm và đọc nhiều sách về Việt Nam từ năm 16 - 17 tuổi. Vậy nên, ở tuổi 20 - 21, tôi dễ dàng kết thân với những du học sinh Việt Nam. Thời đó, Việt Nam đang chiến tranh, nam giới bị bắt đi lính. Chỉ những gia đình giàu có, thế lực lắm mới đưa được con trai ra nước ngoài. Con gái thì dễ đi hơn, nên các đại học ở Genève, Lausanne, Fribourg… đầy nữ sinh Việt. Mà trời ơi, họ đẹp lắm!”, ông Schifferli hồi tưởng.
Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Genève năm 1971, chàng cử nhân luật Pierre có cha mẹ đều là bác sĩ đã đến sứ quán Việt Nam Cộng hòa ngỏ lời muốn sang Việt Nam tác nghiệp báo chí. Khi đó, anh cộng tác với tờ Tribune de Genève, nhật báo của tiểu bang Valais và Đài phát thanh - truyền hình Thụy Sĩ. Tạp chí Quân đội nước này cũng nhận lời đăng bài nếu anh đến được Sài Gòn.
Chuyến đi 2 tháng không chỉ đưa chàng trai 23 tuổi đến khắp các mặt trận ở miền Nam Việt Nam và Đông Dương, mà còn cơ hội phỏng vấn luật sư nổi tiếng Trần Ngọc Liễng và làm bạn với ái nữ của ông là Trần Ngọc Mai đang học ở Genève.
Về nước mang theo món quà của luật sư Liễng gửi con gái, Pierre hăm hở đến gặp cô. Và họ đã yêu nhau. Ngọc Mai khi ấy ở chung với Ngọc, em họ của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Nhờ vậy mà Pierre có chuyến đi thứ hai đến Sài Gòn năm 1972, gặp ông Thiệu nhiều lần với tư cách một phóng viên, khiêu vũ cùng các kiều nữ tại dạ tiệc ở Dinh Độc Lập, gặp gỡ những ca sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Thanh Thúy, Thanh Lan…
Đầu năm 1975, Pierre trở lại Sài Gòn lần thứ ba, mang theo bức thư của thân phụ gửi luật sư Trần Ngọc Liễng, xin cưới Ngọc Mai làm con dâu. Trớ trêu thay, luật sư Liễng lắc đầu vì không muốn con gái “lấy một ông Tây”. Pierre về nước một mình sau sự kiện 30.4.1975. Cuộc tình với Ngọc Mai đứt đoạn.
Tháng 12.1976, trong một bữa tiệc tại Genève, Pierre gặp người đẹp Huỳnh Thị Hồng Đào, khi ấy đang học ngành kinh tế lượng (Econometrics) tại Đại học Fribourg. Họ nhanh chóng phải lòng nhau. Năm 1978, Hồng Đào dọn về Genève cùng Pierre, và họ cưới nhau năm 1979. Bốn người con họ liên tiếp ra đời và được đặt những cái tên Việt trữ tình: Thanh Trúc, Thiên Thơ, Kim (con trai) và Mỹ Linh.
Nặng lòng vì sóng Biển Đông
Xen giữa những chuyến đi Sài Gòn từ 1971 - 1975, Pierre Schifferli tham gia dạy các môn luật tố tụng dân sự, luật thừa kế và luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Genève. Sau thời gian thực tập ở 2 công ty và vượt qua kỳ thi sát hạch, ông được cấp chứng chỉ hành nghề tháng 12.1974. Năm 1981, ông cùng đồng nghiệp lập Công ty luật PIRENNE PYTHON SCHIFFERLI PETER & Partners và phụ trách mảng án dân sự và thương mại. SCHIFFERLI Avocats được ông sáng lập năm 2007, tham gia từ án thương mại, dân sự, đến hành chính và hình sự.
Hơn 20 năm qua, luật sư Schifferli tham gia nhiều phiên tòa trọng tài quốc tế. Mảng chuyên sâu của ông là thủ tục tương trợ quốc tế trong các vụ án dân sự và hình sự liên quan đến tội phạm tài chính và rửa tiền. Ông từng đại diện chính phủ nhiều nước và có mặt trong nhiều phiên tòa từ châu Âu, châu Mỹ, đến châu Á, Trung Đông và châu Phi.
Tháng 7.2014, Schifferli đến Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) tham gia hội thảo Biển Đông sau vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam. Chưa hết, ông còn tổ chức hai hội thảo về Biển Đông tại Genève vào tháng 12.2016 và 6.2019, quy tụ nhiều giáo sư, chuyên gia nổi tiếng tại châu Âu. “Tôi không thuộc chuyên ngành này, nhưng nếu Việt Nam muốn đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế, tôi sẵn sàng hỗ trợ mời các luật sư giỏi để bảo vệ những lý lẽ của Việt Nam”, vị luật sư 72 tuổi khẳng định.
Làm “trạng sư” ở Sài Gòn “Điều quái gở nhất trong đời luật sư của tôi là chính thức làm thầy cãi lần đầu tiên tại tòa án ở Sài Gòn”, Pierre Schifferli kể. Chả là trong chuyến đi “cầu hôn” Ngọc Mai vào đầu năm 1975, ông được một người quen ở phố Catinat (nay là đường Đồng Khởi) nhờ giúp cô bạn ra tòa ly hôn. Với chứng chỉ hành nghề mới cứng từ Genève, nói tiếng Pháp và một chút tiếng Việt, luật sư Pierre Schifferli đã được Chánh tòa Sài Gòn đóng mộc cho phép làm “thầy cãi” tại phiên tòa ở đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Ông đã biện hộ thành công, giúp “thân chủ” thoát khỏi cuộc hôn nhân đổ vỡ đã nhiều năm.
|
Bình luận (0)