Xót xa là bởi, câu chuyện được chị Thương chia sẻ trong Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam 2020. Chị Thương là đồng tác giả của một đăng ký độc quyền sáng chế quốc tế năm 2018, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cấp. Nhà khoa học trẻ này còn là tác giả chính và đồng tác giả của nhiều công bố uy tín quốc tế khác. Song, điều đó không làm thay đổi mức lương bình quân hơn 3 triệu đồng của chị.
Trường hợp của chị Thương không phải là cá biệt. Hàng triệu giáo viên, nhà khoa học - những người chúng ta vẫn gọi là “người nhà nước”, cũng đang hưởng một bảng lương như chị Thương bất kể tài năng của họ khác nhau ra sao. Mức lương của họ được tăng theo thời gian công tác, thường sau mỗi 3 năm. Và nếu cố gắng phấn đấu, không bị kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ mỗi năm thì sau khoảng 20 - 25 năm nữa, khi sắp về hưu, mức lương của những cán bộ như chị Thương sẽ vào khoảng 9 - 10 triệu đồng/tháng.
Một giáo sư đầu ngành, về hưu từ lâu, khi trao đổi với người viết về vấn đề phát triển nguồn nhân lực của đất nước vẫn đau đáu, rằng sai lầm lớn nhất của chúng ta là xếp lương theo bậc và tăng lương theo thâm niên công tác chứ không dựa trên kết quả công việc. Đó là hệ quả của lối tư duy cào bằng, bình quân chủ nghĩa rất sai lầm mà cho tới nay vẫn chưa thể khắc phục được.
Khoa học, giáo dục luôn được khẳng định là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển đất nước. Song tới nay, sau 4 đợt cải cách tiền lương từ năm 1960 tới nay, chế độ tiền lương của giáo viên, nhà khoa học - những người nằm ở trung tâm của “quốc sách” ấy, dường như vẫn không thay đổi gì nhiều. Mức lương mà họ nhận được mỗi tháng vẫn không đủ nuôi sống bản thân, chứ chưa nói tới việc báo hiếu cha mẹ như chị Thương nói trên mong muốn.
Lương không đủ sống có lẽ là lý do chính khiến các giáo viên, nhà khoa học tìm đủ mọi cách để kiếm tiền từ bên ngoài, từ việc dạy thêm cho tới chạy xe ôm. Và đó cũng là lý do rất nhiều người trẻ tìm cách ở lại nước ngoài khi có cơ hội. Rất nhiều tài năng rời bỏ khu vực nhà nước để ra làm cho tư nhân.
Một đề án cải cách tiền lương với tư tưởng chính là trả lương theo vị trí việc làm; cắt bỏ những khoản phụ cấp, bồi dưỡng họp hành để bù vào lương - nghĩa là trả lương theo cách mà khu vực tư nhân vẫn làm lâu nay - song vẫn chưa biết tới khi nào mới thực hiện được.
Một người có tài năng thật sự chắc không đòi hỏi bậc lương của họ phải được xếp cao nhất trong hệ thống. Song một chế độ tiền lương đủ sống, xứng đáng với công sức, năng lực và những cống hiến của họ cho công việc chắc chắn sẽ là “quốc sách” giải quyết những câu chuyện xót xa như của chị Thương.
Có lẽ, đã đến lúc những “động lực”, “quốc sách” không thể chỉ nằm yên trong những nghị quyết, chủ trương chung chung.
Bình luận (0)