Sẽ có thêm hơn chục tỉ cổ phiếu
Theo ước tính, chỉ riêng khối ngân hàng (NH) đang niêm yết và giao dịch trên UPCoM thì trong năm nay sẽ có khoảng 7,3 tỉ cổ phiếu (CP) mới được phát hành.
Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa chia CP thưởng theo tỷ lệ 40% cho cổ đông hiện hữu, tương ứng phát hành hơn 443,7 triệu CP mới. Điều này nâng vốn điều lệ của VIB từ 11.094 tỉ lên 15.551 tỉ đồng. Hay Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng mới thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn lên hơn 27.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành 540 triệu CP mới để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%.
Còn Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trong tháng 5 đã hoàn thành việc phát hành hơn 250 triệu CP trả cổ tức năm 2019. Chưa dừng lại ở đó, SHB cũng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua với việc phát hành gần 370 triệu CP mới để trả cổ tức năm 2020 và chào bán cho cổ đông hiện hữu...
Không chỉ có các nhà băng, câu chuyện phát hành thêm CP mới còn diễn ra ở hàng loạt nhóm ngành khác. Theo thống kê của Công ty dữ liệu tài chính Fiin Group, có khoảng 20 doanh nghiệp (DN) bất động sản lên kế hoạch tăng vốn trong năm nay với khối lượng phát hành gần 1,7 tỉ CP. Kế đến là nhóm ngành chứng khoán với ước tính có 14 công ty đã thông báo kế hoạch chào bán 1,25 tỉ CP, bao gồm phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, nhiều công ty tăng vốn gấp đôi như Công ty chứng khoán Bản Việt, Công ty chứng khoán VNDirect, Công ty chứng khoán Tiên Phong hay thậm chí Công ty chứng khoán Hòa Bình dự kiến tăng vốn gấp 4 lần hiện tại...
Fiin Group đánh giá hình thức huy động vốn cổ phần được các DN ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Ngân hàng và bất động sản là hai nhóm ngành dự kiến sẽ phát hành tăng vốn nhiều nhất. Các NH cần đẩy mạnh cho vay khách hàng và tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, trong khi DN bất động sản cần nâng cao năng lực tài chính để phát triển các dự án quy mô lớn. Nếu các DN thực hiện thành công kế hoạch phát hành, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các DN niêm yết.
Rủi ro pha loãng
Việc hàng loạt DN huy động vốn trên thị trường chứng khoán được đánh giá khá tích cực cho thấy đây là kênh tài chính dài hạn, phát triển ổn định cho nền kinh tế.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Phân tích - Công ty chứng khoán Mirae Asset, cho rằng việc phát hành thêm CP để huy động vốn là hợp lý và dễ thành công, nhất là khi thị trường đang giao dịch sôi động, thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư (NĐT) mới. Ngành ngân hàng đẩy nhanh tốc độ tăng vốn trong năm nay do áp lực từ việc phải đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Còn các công ty chứng khoán là do thị trường tăng mạnh, nhu cầu vay margin (cầm cố CP) của NĐT tăng cao nhưng việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khá hạn chế.
Vì vậy, giải pháp phát hành CP để huy động vốn là thuận lợi nhất. Quan trọng hơn là báo cáo kết quả lợi nhuận năm 2020 và dự kiến 6 tháng đầu năm nay nhiều DN đều có mức tăng trưởng khá cao, từ 30 - 50% nên có “của để dành” để tăng vốn. Tỷ lệ pha loãng CP chắc chắn sẽ có, nhưng tùy thuộc vào nội lực của từng công ty. Nếu DN nào vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận từ 20 - 40% trong năm nay sẽ có thể bù đắp phần nào mức độ pha loãng này. Đồng thời thị trường chứng khoán cũng được dự báo tiếp tục tăng trưởng từ nay đến cuối năm nên giá CP cũng có cơ hội tăng sẽ mang lại lợi nhuận cho cổ đông.
Báo cáo từ Fiin Group cũng nhận định yếu tố rủi ro pha loãng CP là khá lớn. Chẳng hạn, nhóm CP công ty chứng khoán từ đầu năm đến hết tháng 5 đã tăng hơn 58%. Điều này cho thấy triển vọng lợi nhuận của năm 2021 (dự báo tăng 27%) đã được phản ánh vào giá và đưa CP chứng khoán lên một mặt bằng định giá mới với chỉ số P/B (giá/giá trị sổ sách) ở mức 2,1x, cao hơn gần gấp đôi so với P/B trung bình 3 năm ở mức 1,2x... Vì vậy có thể sẽ tạo ra rủi ro cho NĐT nếu lao vào mua bất kể CP nào.
|
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích thêm: Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh giúp tất cả thành viên thị trường đều hưởng lợi. Trong đó, các công ty sản xuất kinh doanh nếu phát hành thêm CP mới để huy động vốn với giá hợp lý, thấp hơn giá đang giao dịch thì các NĐT cũng có cơ hội để nắm giữ lâu dài. Trường hợp DN đó có kế hoạch kinh doanh ổn định, sử dụng nguồn vốn huy động thêm tạo ra giá trị mới thì giá CP cũng sẽ gia tăng trong tương lai và NĐT càng gia tăng lợi nhuận. Bản thân DN tăng vốn có được thặng dư đồng thời có dòng vốn giá rẻ để hoạt động kinh doanh.
Dù vậy, chuyên gia này cũng khuyến cáo NĐT cần xem xét kỹ kế hoạch phát hành, chia CP mới của từng DN trước khi muốn đầu tư. Khi DN phát hành thêm CP thì giá trên sàn đã được điều chỉnh tương ứng. Trong khi đó nếu công ty chỉ lấy tiền, mà không có kế hoạch sử dụng cụ thể, không đưa vào các dự án đầu tư mở rộng mà chỉ để trả nợ, cơ cấu lại nguồn tiền... thì giá trị công ty không tăng tương ứng với số lượng CP được phát hành ra. Khi đó về lâu dài giá CP cũng khó tăng trở lại thì bản thân NĐT sẽ thiệt hại và đó chỉ là việc DN chia giấy không có giá trị.
Bình luận (0)