Lượng heo về các nhà máy giết mổ công nghiệp giảm dần

Chí Nhân
Chí Nhân
09/04/2023 14:47 GMT+7

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp ở TP.HCM vẫn chưa hoạt động ổn định, số lượng heo đưa về các nhà máy thấp hơn trước đó trên 1.000 con.

Từ 1.4, trên địa bàn TP.HCM, hoạt động giết mổ gia súc theo hình thức thủ công cơ bản chấm dứt hoàn toàn để chuyển sang mô hình công nghiệp. Tuy nhiên, đến 9.4, tình hình hoạt động của các nhà máy công nghiệp vẫn chưa ổn định.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, số lượng heo thương lái đưa về các nhà máy luôn thấp hơn nhiều so với trước kia. Cụ thể, ngày cuối cùng trước khi chuyển sang mô hình công nghiệp, lượng heo đưa về các lò ở TP.HCM là 6.984 con. Trong ngày đầu tiên chuyển sang công nghiệp lượng heo còn 5.935 con.

Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài, đến 5.4 khi chỉ còn 5.156 con. Trong những ngày tiếp theo, số lượng tăng giảm càng bất thường hơn. Chẳng hạn, ngày 7.4 chỉ còn 4.957 con nhưng ngay sau đó một ngày đã vọt lên 5.828 con và trong ngày hôm nay là 5.642 con.

Vì sao các nhà máy giết mổ công nghiệp hoạt động chưa ổn định? - Ảnh 1.

Sản lượng heo đưa về các nhà máy giết mổ công nghiệp vẫn còn ít

C.N

Như vậy, có thể thấy, lượng heo đưa về các nhà máy công nghiệp trong những ngày qua đều thấp hơn ngày đầu tiên áp dụng và thấp hơn bình thường trước đó hơn 1.000 con.

Trước 1.4, đại diện các nhà máy công nghiệp đã cảnh báo về tình trạng thương lái đưa heo về các tỉnh giết mổ thủ công rồi vận chuyển sản phẩm thịt ngược về TP.HCM tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ, đơn vị vận hành nhà máy giết mổ công nghiệp lớn nhất TP.HCM cho biết: Chỉ hoạt động khoảng 60% công suất (công suất thiết kế nhà máy 3.200 con/ngày) với mức phí cho mỗi con heo bằng với mức phí của lò thủ công trước đó. Với mức phí và công suất hiện tại, nhà máy lỗ khoảng 2 tỉ đồng/tháng.

Đại diện một số nhà máy công nghiệp khác cho rằng, vấn đề chi phí chênh lệch chỉ là một phần nhỏ. Thương lái vẫn thích mô hình giết mổ truyền thống hơn vì hoạt động kiểm tra thú y, chất lượng heo đầu vào thông thoáng hơn. Chính vì vậy, muốn hoạt động giết mổ công nghiệp hiệu quả cần có sự phối hợp đồng bộ giữa TP.HCM và các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần xây dựng kế hoạch giết mổ công nghiệp đồng bộ trên cả nước.

Để hỗ trợ các nhà máy giết mổ công nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, lãnh đạo TP.HCM đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan kiến nghị xin đóng tiền thuê đất 1 lần trong suốt thời gian thuê đối với Công ty TNHH dịch vụ An Hạ.

Bên cạnh đó, chấp nhận cho nhà máy Xuân Thới Thượng thuộc Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn đưa vào hoạt động nhà xưởng số 1 giết mổ công nghiệp từ ngày 1.4 trong thời gian khắc phục, hoàn chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ của dây chuyền giết mổ công nghiệp theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Với nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (Sagri), giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan có ý kiến về các hạng mục điều chỉnh của so với thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật, về dây chuyền giết mổ công nghiệp, quy trình kiểm soát...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.