Lưỡng hội và tầm nhìn Trung Quốc

Ngọc Mai
Ngọc Mai
07/03/2021 08:32 GMT+7

Lưỡng hội Trung Quốc đang diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh sẽ hoạch định chiến lược phát triển quan trọng của nước này trong 5 năm tới và xa hơn thế.

Hơn 5.000 nghị sĩ và cố vấn chính trị đang tề tựu tại thủ đô Bắc Kinh trong Lưỡng hội - kỳ họp thường niên quan trọng của Trung Quốc. Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân (Chính hiệp, tức Mặt trận) và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại, tức Quốc hội) đều sẽ họp tới ngày 10.3 để thảo luận và quyết định các vấn đề phát triển tương lai của Trung Quốc không chỉ trong năm 2021 mà về trung và dài hạn, thông qua các văn kiện như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) và tầm nhìn đến năm 2035.

Tham vọng toàn diện

Ngay trong ngày khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu của chính phủ là đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2021 khiêm tốn

Cùng với đó, dự thảo đề cương Kế hoạch 5 năm được trình lên nêu bật hàng loạt mục tiêu đầy tham vọng của nước này. Theo South China Morning Post, Trung Quốc có kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh toàn cầu với mục tiêu thành siêu cường sản xuất vào năm 2025. Để làm được điều này, Bắc Kinh tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gồm đất hiếm và các vật liệu đặc biệt, robot, động cơ máy bay, phương tiện năng lượng mới và ô tô thông minh, thiết bị y tế cao cấp và sáng tạo y học như vắc xin, máy móc nông nghiệp, thiết bị chính sử dụng trong đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc, các ứng dụng công nghiệp của hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu.
Đặc biệt, Trung Quốc sẽ chú trọng thu hút nhân tài khoa học từ nước ngoài vào nước này làm việc. Nhấn mạnh mục tiêu trở thành cường quốc công nghệ, dự thảo Kế hoạch 5 năm còn vạch rõ Trung Quốc sẽ chi hơn 7% GDP mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc sẽ bám sát chiến lược phát triển theo hướng đổi mới và xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại. Bắc Kinh cũng sẽ nỗ lực thu hút và tận dụng đầu tư nước ngoài.
Về quốc phòng, Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo là lực lượng quân đội mạnh hiện đại hoàn toàn vào năm 2027, bao gồm nâng cấp khí tài và công nghệ đột phá. Trong báo cáo của chính phủ, Thủ tướng Lý cũng công bố ngân sách quốc phòng 2021 tăng 6,8%, tập trung vào huấn luyện quân đội với năng lực sẵn sàng chiến đấu.
Đáng chú ý về đối ngoại, Trung Quốc muốn tiếp tục thúc đẩy sáng kiến “Vành đai, Con đường”, “chủ động xem xét” việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thách thức

Lưỡng hội năm nay của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Đây không chỉ là kỳ họp thường niên mà còn là mở đầu cho một giai đoạn mới của Bắc Kinh. 2021 cũng đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, theo Tân Hoa xã, các nhà lập pháp và cố vấn chính trị lần này mong muốn tạo cú hích khởi đầu tốt đẹp, đồng thời chứng minh với thế giới về sức mạnh và thành công của Trung Quốc bất chấp tình hình thế giới có nhiều biến động do đại dịch Covid-19.

Trung Quốc là nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới

Ngay trước thềm Lưỡng hội, Trung Quốc tự hào là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, đồng thời công bố chiến thắng cuộc chiến chống đói nghèo và đạt thành tựu trong việc kiểm soát đại dịch. Thông điệp của Trung Quốc khá rõ ràng khi nói thế giới đang bất ổn và phức tạp nhưng con đường của Bắc Kinh là đúng hướng.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đằng sau cánh cửa đóng kín, các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc vẫn băn khoăn về nhiều thách thức. Trước hết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% được xem là con số thận trọng với sự tính toán kỹ lưỡng dựa trên tình hình nội tại. Dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc về cơ bản được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro như các đợt bùng phát gần đây tại tỉnh Hà Bắc. Trung Quốc cũng đối mặt sự già hóa dân số có thể tác động lớn đến mục tiêu về sản xuất lẫn tỷ lệ việc làm cũng như sự phình to các khoản phúc lợi.
Trung Quốc chú trọng mục tiêu về công nghệ nhưng đây cũng chính là thách thức khi nước này đang đối diện sự nghi kỵ từ Mỹ và phương Tây. Chưa kể đến việc các vấn đề như Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương hay cả Biển Đông đều đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt lưu tâm và sẽ là những bài toán lớn trong tham vọng của Trung Quốc thời gian tới.
Hồng Kông vẫn là điểm nóng
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua lên án việc Trung Quốc thay đổi hệ thống bầu cử ở Hồng Kông là sự tấn công trực tiếp vào tiến trình dân chủ của đặc khu. Phản ứng được Mỹ đưa ra sau khi Nhân đại Trung Quốc công bố dự thảo luật cho phép Bắc Kinh thay đổi cách thành lập ủy ban bầu cử của Hồng Kông và trao cho ủy ban này quyền mới về Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo). Theo đó, ủy ban bầu cử sẽ có thể đề cử các ứng viên vào LegCo và bầu chọn phần lớn các thành viên của LegCo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.