Thế nên, rất nhiều người được hỏi cho rằng thay vì tăng lương, hãy giảm thuế cho xăng dầu. Bởi thị trường lao động hiện rất cạnh tranh, đa số doanh nghiệp trả lương theo thỏa thuận, cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu quy định nên lần tăng lương này sẽ không làm thay đổi thu nhập của họ. Trong khi đổ xăng chỉ tính từ đầu năm tới nay, đã tăng gần gấp đôi. Mà xăng đâu chỉ tăng một mình. Là mặt hàng thiết yếu đầu vào của hầu hết các ngành, xăng dầu tăng như vũ bão kéo theo giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng theo.
Rồi nguyên vật liệu từ xây dựng, nội thất, chăn nuôi, trồng trọt... đều tăng, chi phí sản xuất đội lên trời, tất cả đổ vào giá thành sản phẩm và người mua gánh chịu. Bão giá càn quét khắp ngõ ngách cuộc sống khiến người lao động ngày càng chật vật để “co cho đủ ấm”. Đặt để trong bối cảnh đó mới thấy nỗi niềm lương tăng nhưng chưa dám vui của họ. Không hẳn chỉ vì mức tăng quá thấp. Ở thời điểm hiện tại, một vài ngàn đối với họ cũng quý. Nhưng lương tăng mà chi phí sinh hoạt tăng mạnh hơn thì cũng quá tội.
Vì vậy, tốt nhất và hiệu quả nhất là giảm giá xăng dầu, thông qua việc giảm thuế, phí. Đây cũng là cách mà nhiều nước, kể cả những nước giàu trên thế giới đang áp dụng để hỗ trợ người dân cũng như kiểm soát lạm phát. Tại VN, theo tính toán, các loại thuế - phí vẫn đang chiếm hơn 30% trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay. Nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường... giá xăng sẽ giảm được gần 10.000 đồng/lít.
Xăng dầu giảm, tốc độ tăng giá hàng hóa trên thị trường sẽ giảm tốc, áp lực lạm phát cũng giảm theo, cuộc sống của người dân dễ thở hơn, hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi hơn và nhờ thế, có thể đóng góp cho ngân sách nhiều hơn. Nói đơn giản là “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô” chứ cũng không mất đi đâu. Mà ngay cả trong trường hợp ngân sách có hụt đi một khoản thì cũng là điều nên làm. Hoàn cảnh đặc biệt, bối cảnh đặc biệt thì cũng cần có những chính sách đặc biệt để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn thay vì cứ nâng lên đặt xuống mãi như cách mà các bộ, ngành có thẩm quyền đang làm hiện nay.
Bên cạnh giảm thuế, phí cho xăng dầu, một việc quan trọng không kém là kiểm soát giá cả các hàng hóa, dịch vụ công. Kiểm soát tình trạng tát giá theo lương, theo xăng. Chúng ta đã từng chứng kiến, cứ mỗi lần lương tăng là hàng hóa trên thị trường cũng rục rịch tăng theo. Đây cũng là một trong những lý do khiến người lao động thường có tâm lý lo lắng nhiều hơn vui mừng trước thời điểm lương tăng.
Thu nhập ngày càng teo tóp khiến người lao động thắt lưng buộc bụng, sức mua trên thị trường giảm sẽ kéo theo sản xuất trì trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thế nên, giải pháp gì thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải là làm tăng thu nhập, giảm chi phí cuộc sống, từ đó mới kích thích tiêu dùng, kích hoạt sản xuất và nền kinh tế mới có thể phục hồi.
Bình luận (0)