Hôm qua, Hội đồng tiền lương quốc gia cuối cùng đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức 12,4% (tăng từ 250.000 - 400.000 đồng).
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 được cho là đạt 88% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Mặc dù phía chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động đã chịu nhân nhượng nhau, song kết quả trên vẫn chưa làm cho cả hai bên thỏa mãn.
Căng thẳng đến phút cuối
Hội đồng tiền lương quốc gia đã cho đại diện chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động có thêm thời gian để tính toán và đàm phán, nhưng cũng như 2 phiên họp trước, phiên họp thứ 3 vẫn diễn ra căng thẳng. Sau 4 giờ tranh luận, từ mức 16,8% tương đương với số tiền từ 350.000 - 550.000 đồng, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN cũng đã nhân nhượng “xuống nước” chấp nhận mức tăng 14,3%.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, lập luận: “Phiên họp Chính phủ ngày 31.8 - 1.9 cho thấy, tất cả các chỉ số đều đẹp: GDP tăng, xuất khẩu tăng, số doanh nghiệp (DN) tăng, số DN tái hoạt động tăng, thu hút nước ngoài nhiều hơn... Năm 2015, tình hình khó khăn thế còn tăng được 250.000 - 400.000 đồng/tháng, Tổng LĐLĐ đề nghị không có gì quá cao, chỉ tăng từ 300.000 - 450.000 đồng, hơn 50.000 đồng. Có thể với nhiều người tăng 50.000 đồng không là gì, nhưng với người lao động là rất quý”.
Tuy nhiên, đại diện chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) chỉ nhượng bộ một ít, “cố thủ” ở mức 10,7%. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, lại cho rằng đại diện chủ sử dụng lao động tăng từ 6% lên 10% đã là nhân nhượng rồi. “Qua khảo sát thực tế, hơn 70% DN kinh doanh không có lãi. Có 14/16 hiệp hội kiến nghị tăng từ 6 - 7%. Số còn lại kiến nghị tăng từ 9 - 10%. Mức tăng trên 10% là quá sức chịu đựng của DN”, ông Phòng nói.
Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải sử dụng đến quyền quyết định bằng cách chọn phương án “cưa đôi”. Kết quả 13/14 thành viên đã bỏ phiếu thông qua phương án 12,4%, đạt 92,8%. Cụ thể theo mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương quốc gia trình Chính phủ theo các vùng là: vùng 1 có mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng (12,9%) so với năm 2015. Vùng 2 đạt 3,1 triệu đồng/tháng, tăng 350.000 đồng (12,7%). Vùng 3 đạt 2,7 triệu đồng/tháng, tăng 300.000 đồng (11 - 12%). Vùng 4 có mức lương 2,4 triệu đồng/tháng, tăng 250.000 đồng.
Mức tăng trên sẽ đạt 88% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, theo báo cáo Khảo sát mức lương của người lao động năm 2015, của Viện Công nhân công đoàn vừa công bố.
Vẫn chưa thỏa mãn
Lý giải việc lựa chọn phương án 12,4%, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, phân tích: “Chúng tôi tiếp cận từ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Khi xem xét phương án trên, mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu là căn cứ quan trọng nhất. Ngoài ra, trong bộ luật Lao động cũng đề cập phải căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội. Điều kiện kinh tế năm 2015 tăng trưởng đạt 6,5%, điều hành của Chính phủ các chỉ tiêu vĩ mô, lạm phát, giá dưới 5%; mặt bằng tiền công, mức thu nhập bình quân tăng 5%. Năng suất lao động vẫn nằm trong khoảng 3,5 đến dưới 4%. Chúng tôi chọn thông số là 12,4%. Mức tăng này hài hòa cả hai bên trong bối cảnh hiện nay”.
Trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Hoàng Quang Phòng cho hay cũng không hài lòng với kết quả bỏ phiếu bởi DN sẽ khó khăn, nhất là việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). “Mặc dù không thỏa mãn, nhưng do cơ chế đồng thuận của hội đồng để lấy kiến nghị lên Chính phủ nên chúng tôi cũng chấp nhận phương án này. Chúng tôi đã kiến nghị và sẽ tiếp tục kiến nghị, cơ quan thẩm quyền giãn lộ trình mục tiêu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu và giãn đóng BHXH theo luật BHXH, nếu không DN sẽ rất khó khăn”, ông Phòng bày tỏ.
Ông Mai Đức Chính cũng cho biết chưa thỏa mãn vì kiến nghị tăng thêm 50.000 đồng cho người lao động đã không được thông qua. Tuy nhiên, cũng tạm hài lòng vì mức tăng năm 2016 đạt được bằng mức tăng của năm 2015 là từ 250.000 - 400.000 đồng từ vùng 1 đến vùng 4.
“Chúng tôi kêu gọi DN tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí để có thể bố trí nguồn, tăng thêm mức lương cho người lao động. Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là quan hệ cộng sinh. Nếu chủ sử dụng lao động không chăm lo tốt cho người lao động thì họ sẽ rời bỏ DN, bản thân máy móc, thiết bị của DN cũng không thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận. Việc chăm lo cho người lao động cũng chính là chăm lo cho chính mình”, ông Huân nói.
Cũng theo ông Huân, phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ được trình Chính phủ trong tháng 9 để Chính phủ quyết định trong tháng 10. Do từ 1.1.2016, sẽ thực hiện luật BHXH, trong đó các DN phải đóng thêm BHXH theo quy định mới nên Hội đồng tiền lương sẽ đề nghị các DN, các hiệp hội tính toán tác động của tăng lương tối thiểu, tác động chính sách để có khuyến nghị với các cơ quan chức năng.
Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2015
Vùng 1 gồm:
Các quận và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và TX.Sơn Tây (TP.Hà Nội); các quận và các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo (TP.Hải Phòng); các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè (TP.HCM); TP.Biên Hòa, và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom (Đồng Nai); TP.Thủ Dầu Một, các thị xã Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên (Bình Dương); TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Vùng 2 gồm:
Các huyện không thuộc vùng 1 của TP.Hà Nội và TP.Hải Phòng; TP.Hải Dương (Hải Dương); TP.Hưng Yên và các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ (Hưng Yên); TP.Vĩnh Yên, TX.Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc (Vĩnh Phúc); TP.Bắc Ninh, TX.Từ Sơn và các huyện Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành (Bắc Ninh); Các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái (Quảng Ninh); TP.Thái Nguyên (Thái Nguyên); TP.Việt Trì (Phú Thọ); TP.Lào Cai (Lào Cai); TP.Nam Định và H.Mỹ Lộc (Nam Định); TP.Ninh Bình (Ninh Bình); TP.Huế (Thừa Thiên-Huế); các quận, huyện thuộc TP.Đà Nẵng; TP.Nha Trang, TP.Cam Ranh (Khánh Hòa); TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng); TP.Phan Thiết (Bình Thuận); H.Cần Giờ (TP.HCM); TP.Tây Ninh và các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu (Tây Ninh); TX.Long Khánh và các huyện Định Quán, Xuân Lộc (Đồng Nai); các huyện còn lại thuộc Bình Dương; TX.Đồng Xoài và H.Chơn Thành (Bình Phước); TP.Bà Rịa và H.Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu); TP.Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An); TP.Mỹ Tho (Tiền Giang); các quận thuộc TP.Cần Thơ; TP.Rạch Giá, TX.Hà Tiên và H.Phú Quốc (Kiên Giang); TP.Long Xuyên (An Giang); TP.Cà Mau (Cà Mau).
Vùng 3 gồm:
- Các thành phố trực thuộc tỉnh còn lại không thuộc vùng 1 và 2; TX.Chí Linh và các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Kim Thành, Kinh Môn, Gia Lộc, Bình Giang, Tứ Kỳ (Hải Dương); các huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô (Vĩnh Phúc); TX.Phú Thọ và các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Ba, Tam Nông (Phú Thọ); các huyện Gia Bình, Lương Tài (Bắc Ninh); các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang (Bắc Giang); H.Hoành Bồ, H.Đông Triều (Quảng Ninh); H.Bảo Thắng, H.Sa Pa (Lào Cai); các huyện còn lại thuộc tỉnh Hưng Yên; TX.Sông Công và các huyện Phổ Yên, Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ (Thái Nguyên); các huyện còn lại thuộc tỉnh Nam Định; H.Duy Tiên, H.Kim Bảng (Hà Nam); TX.Tam Điệp và các huyện Gia Viễn, Yên Khánh, Hoa Lư (Ninh Bình); H.Lương Sơn (Hòa Bình); TX.Bỉm Sơn và H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa); H.Kỳ Anh (Hà Tĩnh); TX.Hương Thủy, TX.Hương Trà và các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang (Thừa Thiên- Huế); các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Núi Thành (Quảng Nam); H.Bình Sơn, H.Sơn Tịnh (Quảng Ngãi); TX.Sông Cầu và H.Đông Hòa (Phú Yên); H.Ninh Hải, H.Thuận Bắc (Ninh Thuận); TX.Ninh Hòa và các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh (Khánh Hòa); H.Đăk Hà (Kon Tum); H.Đức Trọng, H.Di Linh (Lâm Đồng); TX.La Gi và các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận); TX.Phước Long, TX.Bình Long, H.Đồng Phú và H.Hớn Quản (Bình Phước); các huyện còn lại thuộc tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, TP.Cần Thơ; các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu); TX.Kiến Tường và các huyện Thủ Thừa, Đức Huệ, Châu Thành, Tân Trụ, Thạnh Hóa (Long An); TX.Gò Công và H.Châu Thành (Tiền Giang); H.Châu Thành (Bến Tre); TX.Bình Minh và H.Long Hồ (Vĩnh Long); các huyện thuộc TP.Cần Thơ; các huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Giang Thành, Châu Thành (Kiên Giang); TX.Tân Châu (An Giang); TX.Ngã Bảy và các huyện Châu Thành, Châu Thành A (Hậu Giang); các huyện Năm Căn, Cái Nước, U Minh, Trần Văn Thời (Cà Mau).
Vùng 4 gồm các địa bàn còn lại.
|
Bình luận (0)