Lưu ý khi khám bệnh online

15/08/2021 20:33 GMT+7

Hiện nay y bác sĩ của nhiều bệnh viện tại TP.HCM phải tham gia chống dịch, tăng cường cho các nơi điều trị Covid-19 , khiến công tác khám chữa bệnh bị ảnh hưởng. Khám bệnh online bắt đầu được hình thành.

Trong thời điểm này các hoạt động tư vấn, khám bệnh online, qua điện thoại hay video call miễn phí được nhiều cơ sở khám chữa bệnh mà gần đây nhất là Bệnh viện Chợ Rẫy và các nhóm y bác sĩ hay cá nhân đơn lẻ thực hiện mang tính thiện nguyện phục vụ cộng đồng.
Từ thực tế mới này, làm nảy sinh những vấn đề đặt ra như: bác sĩ có phải chịu trách nhiệm gì khi thực hiện hoạt động này trong trường hợp có rủi ro hay không? Những thông tin do người bệnh cung cấp có được bảo mật hay không? Cơ sở pháp lý cho hoạt động này như thế nào?

Có cơ chế tạo an tâm cho bác sĩ

Trước hết, nếu căn cứ vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì “khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận”.
Như vậy, khám chữa bệnh online sẽ không thoả mãn được yêu cầu khám thực thể lâm sàng, là yêu cầu cơ bản của định nghĩa pháp lý cũng như yêu cầu kinh điển trong y khoa về khám bệnh, và những chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng hay MRI, X-quang… góp phần quan trọng để có thể đưa ra các chẩn đoán chính xác cũng không đủ điều kiện để thực hiện.
Do đó, không thể áp dụng một cách thuần tuý các quy định của luật Khám chữa bệnh về quyền và nghĩa vụ của các bên cho hoạt động này (khám bệnh online) như khám bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh thông thường. Đây cũng không phải là đối tượng trong Thông tư 30/2014/TT-BYT về khám chữa bệnh nhân đạo, không cần tiến hành trong cơ sở vật chất như nơi tiếp đón, buồng khám, đáp ứng các điều kiện về kiểm soát nhiễm khuẩn….
Khám bệnh online thực chất là tư vấn về sức khỏe. Khi y bác sĩ hoặc cơ sở khám chữa bệnh công khai hoạt động trên và đồng ý tiếp nhận yêu cầu từ người dân thì ở góc độ pháp lý một hợp đồng dịch vụ tư vấn cũng đã được xác lập, nên sẽ phát sinh trách nhiệm của bên tư vấn dù họ tự nguyện không nhận thù lao. Thế nhưng chưa có quy định mang tính đặc thù mà chỉ là những quy định chung của pháp luật dân sự.

Hội chẩn trực tuyến giữa bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tại TP.HCM với bệnh viện tuyến tỉnh để đưa ra chẩn đoán, biện pháp điều trị cho bệnh nhân tuyến dưới

Ảnh: CTV

Vì thế, rất mong cơ quan quản lý Nhà nước sớm đưa ra cơ chế điều chỉnh thích hợp để tạo sự an tâm cho cả các y bác sĩ với mong muốn cống hiến và nhiều người có nhu cầu. Bởi vì những rắc rối pháp lý của loại hình này không được dự liệu trước sẽ có thể cản trở nỗ lực hỗ trợ cộng đồng cũng như quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bác sĩ, người bệnh lưu ý gì khi khám bệnh online ?

Trong khi chờ đợi một hành lang pháp lý vững chắc hơn, về phía các bác sĩ cần xác định rõ dù không thu phí nhưng vẫn có nghĩa vụ pháp lý nếu có những phát sinh khi khám chữa bệnh online. Xác định rõ đây là tư vấn về sức khỏe, không thay thế cho khám chữa bệnh để không đưa ra các chỉ định điều trị nếu không đủ cơ sở chẩn đoán.
Phải từ chối yêu cầu tư vấn nếu vượt quá hoặc không đúng chuyên môn. Lúc này, bác sĩ hướng dẫn người bệnh đến nơi điều trị kịp thời. Cũng nên cẩn trọng lưu lại các bằng chứng về quá trình trao đổi thông tin mình đã dùng làm cơ sở chỉ định tư vấn và đảm bảo bí mật cá nhân của người bệnh.
Về phía người dân, cần tìm hỗ trợ, tư vấn thông tin về sức khỏe từ nguồn tin cậy là cơ quan y tế, các cơ sở khám chữa bệnh, các bác sĩ có chuyên môn và uy tín. Không tự ý làm theo các hướng dẫn điều trị không rõ nguồn tràn lan trên internet; cần tuân thủ các khuyến cáo chính thức từ cơ quan y tế.
Rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được những hỗ trợ y tế kịp thời, thuận lợi, chính thức và có trách nhiệm để vượt qua đại dịch với ít đau thương mất mát nhất.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.