Lưu ý khi vệ sinh mũi, súc họng để ngừa SARS-CoV-2

Xuân Thu Thủy
Xuân Thu Thủy
10/08/2021 04:16 GMT+7

Bên cạnh súc họng - miệng, rửa mũi đúng cách là một trong những biện pháp để phòng tránh Covid -19. BS Ngô Văn Công tư vấn có thể vệ sinh mũi bằng một số hỗn hợp rửa mũi xoang như Rinorin, Nasopure, NeilMed.

Theo TS-BS Ngô Văn Công, công tác tại Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), do hệ hô hấp từ mũi đến họng thông với nhau, nên SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh Covid-19) nếu muốn xâm nhập vào họng, phổi thì phải đi qua mũi hầu hoặc miệng trước tiên, sau đó lan theo bề mặt của niêm mạc và gây tổn thương toàn bộ bề mặt đường hô hấp.
Chính vì vậy, bên cạnh súc họng - miệng, rửa mũi đúng cách là một trong những biện pháp để phòng tránh Covid-19. BS Ngô Văn Công tư vấn có thể vệ sinh mũi bằng một số hỗn hợp rửa mũi xoang như Rinorin, Nasopure, NeilMed.

Bác sĩ ơi! Làm sao tránh lây Covid-19 cho người thân? | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

Tuy nhiên, BS Công lưu ý: Hệ thống niêm mạc có chứa nhiều loại tế bào chuyên biệt, như tế bào biểu mô có lông chuyển đảm nhiệm chức năng làm sạch một số tác nhân gây bệnh hoặc các phân tử nhỏ, từ đó giúp không khí được sạch, ấm và ẩm trước khi đi vào cơ thể. Vì vậy, không nên lạm dụng việc rửa mũi và tránh việc tiếp xúc lâu dài với chất sát khuẩn làm tổn thương lớp niêm mạc, từ đó mất đi cơ chế bảo vệ cơ thể.
Họng là nơi giao nhau giữa mũi và miệng, từ đây dẫn đến đường vào thanh quản, khí quản. Do đó, việc vệ sinh 3 vùng này đều quan trọng. Có thể sát khuẩn vùng miệng bằng các dung dịch có chứa Betadine, Chlorhexidine, Hexetidine…
Một số nghiên cứu cho thấy việc súc họng bằng các dung dịch có chất sát khuẩn có khả năng giảm lượng vi rút bề mặt ở những bệnh nhân Covid-19. Điều này sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn, giúp hồi phục nhanh hơn hệ thống niêm mạc vùng hầu họng bị tổn thương.
Trong trường hợp không mua được các dung dịch súc họng chuyên dụng, có thể súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý, nước muối tự pha hoặc nước sạch để làm sạch đàm nhớt vùng hầu họng cũng như làm sạch, cuốn trôi các chất bám dính vào hầu họng.
Một số trường hợp sử dụng phương pháp ngậm muối hoặc súc miệng bằng nước muối quá mặn gây ảnh hưởng xấu đến vùng niêm mạc miệng. Dung dịch muối (NaCl) ưu trương giúp diệt và giảm phần nào vi khuẩn, vi rút, vi nấm và mảng bám trong vùng hầu họng... Tuy nhiên, nồng độ ưu trương của nước muối không nên vượt quá 1,5% (ảnh).
BS Ngô Văn Công tư vấn nồng độ thích hợp là khi người sử dụng nước muối cảm thấy dễ chịu, thoải mái, không mặn gắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.