Những người dưới 30 tuổi ở Nhật Bản trưởng thành trong một thế giới mà chụp ảnh bằng điện thoại thông minh là tiêu chuẩn, không xem nhiếp ảnh như một hình thức nghệ thuật hay một cách để lưu giữ kỷ niệm. Họ chỉ xem chụp ảnh như một cách để chia sẻ cuộc sống hàng ngày với bạn bè.
Nhưng giờ, theo bản tiếng Anh của tờ báo Nhật Bản, quả thật nghịch lý vì người trẻ ở Nhật Bản lại bị thu hút bởi máy ảnh dùng phim, khó chụp ảnh đẹp và, khi chụp hết phim, thì phải đem đi rửa ra ảnh.
Nhiều người trẻ Nhật Bản chuyển dần từ chụp ảnh điện thoại di động qua máy ảnh dùng phim, chủ yếu với loại máy ảnh chỉ dùng một lần |
T.l |
Ryota Kondo, nhân viên của một nhà máy tại Nhật Bản, giải thích: “Chúng tôi không biết mình sẽ nhận được gì trước khi rửa phim. Trên thực tế, không thể thay đổi những hình ảnh trước hoặc sau khi chụp, nhằm ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống một cách chân thực”.
Kể từ tháng 6.2020, anh Kondo và bạn gái đã chụp ảnh cuộc sống hàng ngày của họ, mỗi người với một máy ảnh của Fujifilm sử dụng một lần, tên là Utsurundesu. Loại máy này, ngoài Nhật Bản thì mang tên QuickSnap. Anh Kondo cho biết thêm, họ dành ra cả một năm để dùng hết 27 pô của phim trong máy, rửa ra ảnh. Rồi cho nhau xem!
Vào tháng 7 năm ngoái, họ đã ghi cảnh hoàng hôn từ một cây cầu bắc ngang đường rầy xe lửa. Qua ống kính, cách chúng ta nhìn những cảnh bình thường nhất cũng phải thay đổi. “Chúng tôi có thể dễ dàng ghi nhớ khi bấm máy để nhả cửa trập và những gì chúng tôi đã đề cập về thời khắc đó”.
Doanh thu tiêu thụ phim trở nên ổn định
Thường thì mỗi cuộn phim chứa tối đa được 36 pô. Không ai có thể chắc chắn về chất lượng hình ảnh cho đến khi rửa ra ảnh. Và việc chụp ảnh đẹp đòi hỏi phải có kỹ năng. Thị trường phim từng bị suy giảm trước sự tấn công không ngừng của máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh. Click một cái quả thật dễ dàng, việc chụp được những bức ảnh chất lượng cũng không khó vì có thể xóa đi, chụp lại bao nhiêu lần cũng được.
Theo số liệu do Fujifilm của Nhật Bản thu thập, tổng nhu cầu phim màu trên thế giới năm 2010 chưa bằng 1/10 so với năm 2000. Theo thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, thị trường nội địa, từ hơn 400 tỷ yên (gần 3,4 tỷ USD), trong những năm 1990, đã giảm xuống dưới 90 tỷ yên (gần 800.000 USD) vào năm 2012 là năm gần nhất mà số liệu được công bố.
Tuy nhiên, hãng Fujifilm lại cho rằng doanh số của Utsurundesu có xu hướng ổn định trong những năm gần đây. Nhu cầu vốn đã ở mức thấp nhất, hiện nay lại được hỗ trợ bởi sự quan tâm của giới trẻ đối với "văn hóa dùng phim".
Một điện thoại thông minh, một máy ảnh phim. |
Nihon Keizai Shimbuncho |
Hồi tháng 7.2020, chuỗi cửa hàng máy ảnh Kitamura đã mở tại Shinjuku, Tokyo, một chi nhánh chuyên về máy ảnh dùng phim. Cửa hàng mang tên Kitamura Camera đã bán được 5.000 sản phẩm loại này, nhưng đã qua sử dụng. Thanh thiếu niên cùng thanh niên chiếm khoảng 60% lượng khách tới đây. Và họ trở thành nhóm khách hàng chính của loại máy ảnh dùng phim.
Giá máy ảnh dùng phim có thể rất rộng. Những thiết bị dùng một lần như Utsurundesu, phổ biến với những người mới bắt đầu chơi máy ảnh dùng phim, chỉ cần ấn nút chụp, vào khoảng 5.000 yên (45 USD). Cũng phổ biến là những chiếc máy ảnh compact cao cấp như Contax Tvs của hãng Kyocera, được bày bán từ năm 1993, và giá đã qua sử dụng vào khoảng 47.000 yên (406 USD) trong tháng 9 năm ngoái, và máy ảnh phản xạ ống kính đơn lấy nét thủ công FM2 của Nikon đã qua sử dụng thì giá bán khoảng 72.000 yên (621 USD) cùng một thời gian với Contax Tvs. Nó được săn lùng bởi những người muốn tạo hiệu ứng bokeh, làm mờ phía sau của ảnh.
Chụp ảnh phim được giới trẻ Nhật Bản đặc biệt đánh giá cao bởi những sắc thái rất đặc trưng. Tùy thuộc vào loại phim hoặc thương hiệu, kết quả có thể mờ nhạt, ít màu hoặc nhiều màu sắc, không thua gì một cảnh quay của phim truyện. “Màu sắc cụ thể của phim dường như mang lại cảm giác mới lạ cho các thế hệ quen chụp ảnh sắc nét bằng điện thoại thông minh”, Kimiyasu Osawa, giám đốc bộ phận đã qua sử dụng tại Kitamura Camera, cho biết.
Ngay cả những sai sót kỹ thuật cũng mang lại cho các bức ảnh chụp bằng phim một hương vị đặc biệt! Flare, một loạt các quầng sáng chiếu sáng các phần của hình ảnh ngược sáng, là một trong số đó. Nó do sự phản xạ ánh sáng từ bề mặt ống kính tạo ra, nhiều khả năng xảy ra với các ống kính cũ. Ban đầu, đây là điều không ai mong muốn, nhưng ngày nay lại khác. Giới trẻ lại thích chụp như thế vì bầu không khí hoài cổ do nó tạo ra.
Tạo dáng cho bộ ảnh cưới đẹp ở công viên Sankeien, Yokohama (Nhật Bản) |
T.L |
Tại Kitamura Camera, ngày càng có nhiều khách hàng yêu cầu xem và mua một chiếc máy ảnh có khả năng tạo ra hiệu ứng bokeh này một cách dễ dàng.
Trước đây, chúng chỉ được lưu giữ trong các cuốn album lưu niệm, nhưng giờ đây những bức ảnh chụp từ phim lại được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Emi Sato (không phải tên thật của cô ấy), 21 tuổi, từng chuyển đến Mỹ để học tập, đã chụp rất nhiều với những cuộn phim trong thời gian ở Mỹ, nhất là cuộc sống trong ký túc xá nhà trường.
Cô chỉ đăng chúng trên Instagram, sau khi đã quay về quê hương Nhật Bản. Cô xem đây như một cơ hội để trò chuyện với những người cô đã kết bạn ở Mỹ, và chia sẻ những kỷ niệm những ngày gặp gỡ nhau tại đây.
Trong thời kỳ hoàng kim của nhiếp ảnh phim, chụp ảnh như một hoạt động giải trí chủ yếu được những người đàn ông lớn tuổi yêu thích. Yoshinobu Ishikawa đang điều hành cửa hàng Popeye Camera ở Meguro (Tokyo), một cửa hàng chuyên về chụp ảnh phim. Khi ông mua lại cửa hàng vào năm 2000, có đến hơn 90% khách hàng là người chụp ảnh nghiệp dư đã có tuổi. Nhưng khách hàng đã thay đổi vào khoảng năm 2005. Đó là khi việc viết blog bùng nổ, khiến nhiếp ảnh trở thành một sở thích thịnh hành của cả phụ nữ. Theo Ishikawa, hẳn những cô gái trẻ đã sử dụng lại máy ảnh dùng phim của cha ông mình.
Tại cửa hàng Bic Camera ở Yurakucho thuộc Quận Chiyoda, Tokyo của Nhật Bản, nhiều tay máy trẻ cho biết nhiếp ảnh phim cũng là một thú vui. Thị trường bây giờ dường như nằm trong tay những người trẻ - chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật xử lý ảnh như một công cụ truyền thông.
(Theo Nihon Keizai Shimbuncho)
Bình luận (0)