Lý do ‘Conan’, ‘Ultraman’ và loạt phim hoạt hình có nguy cơ bị gỡ ở Trung Quốc

25/09/2021 10:22 GMT+7

21 bộ phim hoạt hình đình đám gồm Ultraman Tiga, Thám tử lừng danh Conan , Đấu la đại lục ... có khả năng sẽ bị gỡ bỏ hoàn toàn vì bị cho là có nhiều yếu tố bạo lực, phạm tội, chém giết...

Tối 24.9, cộng đồng mạng Trung Quốc xôn xao khi các tập phim Ultraman Tiga (Siêu nhân điện quang) đã biến mất trên các nền tảng video Tencent, B Trạm... Động thái này khiến nhiều người nghi ngờ Ultraman Tiga có thể sẽ bị xóa vĩnh viễn tại Trung Quốc vì bị nhiều phụ huynh nước này report (báo cáo) do có nội dung đen tối và bạo lực.

Nội dung đen tối, bạo lực, kích thích hành vi tiêu cực

Theo Tân Hoa Xã, từ tháng 12.2020 đến tháng 3.2021, Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô đã phát động cuộc thăm dò về ảnh hưởng của phim hoạt hình đối với trẻ nhỏ và lứa tuổi vị thành niên, đối tượng được khảo sát là phụ huynh và giáo viên. Hiệp hội đã chọn 21 phim hoạt hình tiêu biểu gồm Ultraman Tiga, Thám tử lừng danh Conan, Heo Peppa, Boonie Bears (Chú gấu vui nhộn)... để khảo sát.

Một cảnh trong phim Ultraman Tiga

CHỤP MÀN HÌNH SOHU

Tháng 4.2021, Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô đã công bố kết quả chính thức, nhưng tới hôm 24.9, các cơ quan truyền thông Trung Quốc như Tân Hoa Xã, CCTV, Sina.. mới đưa tin rộng rãi. Bản báo cáo của Hiệp hội chỉ ra 21 phim hoạt hình trong danh sách trên mắc đến 1.465 vấn đề.
Cụ thể, hơn một nửa trong số đó bị cho là có yếu tố tội phạm, bạo lực, máu me, kích thích hành vi tiêu cực... ở nhiều mức độ khác nhau. Ngoài ra, người được khảo sát còn đánh giá các phim hoạt hình trong danh sách có những phân đoạn mô phỏng nguy hiểm, điển hình như cảnh nhân vật trong Heo Peppa tự mở cửa máy bay, lướt sóng... Hiệp hội cũng liệt kê có 123 cảnh trong 21 phim hoạt hình này đề cập về những âm mưu tăm tối, kinh dị, hồi hộp. Cuối cùng, theo Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô, 21 tác phẩm gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ trên còn dính đến vấn đề chèn nhiều quảng cáo.

Bộ phim Heo Peppa gắn liền với tuổi thơ của nhiều trẻ em

CHỤP MÀN HÌNH SOHU

Bắt chước nhân vật hoạt hình dẫn đến tử vong

Bản báo cáo của Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô còn nêu rõ những trường hợp một số phim hoạt hình đã tác động xấu đến trẻ. Vào tháng 2.2021, một trẻ 8 tuổi ở Ngân Xuyên (Trung Quốc) đã dùng ô "bay" từ trên lầu xuống dưới đất và bị gãy xương. Tháng 7.2018, bé gái 8 tuổi đã bắt chước cảnh leo núi trong phim hoạt hình và không may ngã dẫn đến tử vong.
Phụ huynh của một em đang học tiểu học tại Nam Kinh kể với các phóng viên: "Bé năm nay 7 tuổi. Gần đây, bé đặc biệt thích nói bằng giọng điệu kỳ quặc và đôi khi còn nhếch mép nữa”. Vị phụ huynh trên cũng khẳng định bé rất thích xem Ultraman Tiga và những hành vi của bé chính là học tập từ phim hoạt hình này. 

Vào năm 2020, có 17.877 ý kiến từ khán giả tỏ ra không hài lòng về ảnh hưởng của phim hoạt hình đến với trẻ nhỏ và tuổi vị thành niên. Nhiều phụ huynh kêu gọi chính quyền giám sát chặt chẽ hơn nội dung phim hoạt hình để tránh định hướng sai lệch trẻ nhỏ

POSTER PHIM

Tân Hoa Xã cũng cho hay từ năm 2020 đến nay, khiếu nại về sự ảnh hưởng của phim hoạt hình với trẻ nhỏ và người tuổi vị thành niên ngày càng tăng. Cô Hà, phụ huynh của một bé 5 tuổi ở Liên Vân Cảng (Giang Tô), kể: “Hoạt hình ảnh hưởng quá nhiều đến trẻ em, liệu chúng ta có thể kiểm soát được không đây? Trong phim hoạt hình có đoạn một nhân vật lấy cốc vào toilet múc nước. Sau đó, tôi phát hiện bé làm theo, múc nước trong toilet để uống”.
Hoàng Giai, có con 5 tuổi và đang sống ở Nam Kinh, thổ lộ: “Tôi hy vọng cốt truyện phim hoạt hình sẽ có gì đó tích cực hơn, có nhiều chỉ dạy về văn hóa truyền thống và ít cảnh hành động nguy hiểm hơn”. 

Nhiều khán giả Trung Quốc hy vọng cốt truyện phim hoạt hình sẽ có nhiều chỉ dạy về văn hóa truyền thống và ít cảnh hành động nguy hiểm hơn

CHỤP MÀN HÌNHSOHU

Fan phim hoạt hình phẫn nộ

Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô khuyến nghị cơ quan quản lý nên đề ra hệ thống xếp hạng người xem phim hoạt hình cụ thể dựa trên độ tuổi, trình độ học vấn... hoặc phân loại nội dung hoạt hình, chọn nền tảng phát sóng và thời gian phát sóng phù hợp với đối tượng được phép xem.
Theo CCTV4, 21 phim bị Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Giang Tô nêu tên và nhiều khả năng sẽ “bay màu” tại Trung Quốc là Thám tử lừng danh Conan, Siêu nhân điện quang, Re:Zero - Bắt đầu lại ở thế giới khác, Sát thủ lưỡi kéo, Đấu phá thương khung, Đấu la đại lụcThiên quan tứ phúc, Ma đạo tổ sư, Heo Peppa, Chú gấu vui nhộn... Hầu hết đều là những phim gắn liền với tuổi thơ nhiều khán giả.

Khán giả Trung Quốc bức xúc vì nhiều phim hoạt hình bị cấm cản và cho rằng phụ huynh nên tự dạy dỗ con em thay vì đổ lỗi cho phim ảnh

POSTER PHIM

Do đó, việc các phim hoạt hình trên đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ vĩnh viễn ở Trung Quốc đã khiến phần lớn người xem nước này bức xúc. Trên Weibo, nhiều dân mạng phản đối kịch liệt động thái này, kêu gọi các bậc phụ huynh nên tự biết quản lý tốt con em của mình thay vì yêu cầu cấm cản phim ảnh cũng như ảnh hưởng đến thói quen, nhu cầu giải trí của những khán giả bình thường khác.
Không ít fan phim hoạt hình cũng không giấu được sự phẫn nộ khi sản phẩm tinh thần của mình bị cho là tác động xấu đến khán giả nhỏ tuổi. Một bộ phận người hâm mộ quốc tế thì hoang mang không hiểu vì sao các phim hoạt hình đình đám, hấp dẫn và có lượng fan toàn cầu đông đảo lại bỗng dưng bị "gán tội" làm hại trẻ nhỏ ở Trung Quốc. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.