Sáng 4.1, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử 38 bị cáo trong "đại án" Việt Á với phần xét hỏi. Nhóm bị cáo ở tỉnh Hải Dương được xét hỏi đầu tiên; trong đó có bị cáo Phạm Xuân Thăng, là cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Ông Thăng là một trong 3 cựu ủy viên Trung ương Đảng bị xét xử trong vụ án, cùng hai cựu bộ trưởng là ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Lý do cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho Việt Á độc quyền kit test
Khai tại phiên tòa, ông Phạm Xuân Thăng cho biết việc đưa Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là công ty Việt Á) về địa phương hỗ trợ phòng, chống dịch là do tin tưởng sự giới thiệu của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, một người giỏi chuyên môn, đứng đầu Bộ Y tế.
Theo cáo trạng, để được tiêu thụ kit test tại tỉnh Hải Dương, ông Phan Quốc Việt, là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là công ty Việt Á) đã nhờ ông Nguyễn Huỳnh, cựu Thư ký của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và nhờ cả sự tác động của ông Long, nên sau đó bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đã đồng ý.
Ông Thăng sau đó đã ra thông báo chỉ đạo cho Việt Á tham gia xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn.
Trước chỉ đạo này, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều văn bản, trong đó đều có nội dung "giao CDC ký hợp đồng với Việt Á trong việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19".
Nhận hối lộ 27 tỉ của Việt Á, cựu giám đốc CDC 'không biết là phạm pháp'
Ngoài ra, theo đề nghị của ông Phan Quốc Việt, ông Phạm Xuân Thăng còn kết luận, chỉ đạo để Ban chỉ đạo phòng, chống dịch ban hành kế hoạch giúp Việt Á được mở rộng phạm vi xét nghiệm, độc quyền bán test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác trên địa bàn.
Cáo trạng xác định, hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" của ông Thăng đã tạo điều kiện cho Việt Á thu lời bất chính, gây thiệt hại 73,8 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước.
Ngoài những hành vi vừa nêu, ông Thăng còn bị cáo buộc đã nhận lợi ích vật chất từ Việt Á, dù không yêu cầu.
Trong đó, ông này nhận từ ông Phan Quốc Việt 100.000 USD (tương đương 2,3 tỉ đồng); nhận của ông Phạm Duy Tuyến, là cựu Giám đốc CDC Hải Dương 600 triệu đồng và 50.000 USD (tương đương 1,1 tỉ đồng).
Tại tòa, ông Phạm Xuân Thăng cho rằng cáo trạng quy kết tội danh của mình là xác đáng.
Xem nhanh 12h ngày 4.1: Diễn biến mới nhất đại án Việt Á
Ông Thăng khai giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương từ tháng 10.2020.
Năm 2021, dịch bùng phát lần 3 tại địa bàn, tuy nhiên thời gian này ông đang dự đại hội Đảng ở Hà Nội.
Gặp ông Nguyễn Thanh Long (khi đó là Bộ trưởng Bộ Y tế) ở đại hội, ông Nguyễn Thanh Long nói với ông Thăng về việc cho Việt Á về Hải Dương hỗ trợ phòng, chống dịch.
Ông Phạm Xuân Thăng khẳng định sau khi nhận đề nghị của ông Nguyễn Thanh Long đã không có tác động nào với các cơ quan tham mưu mà trả lời lại là "phải bàn với tập thể".
Sau đó, ông Phạm Xuân Thăng trao đổi vấn đề Việt Á với bị cáo Phạm Mạnh Cường, là cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, thì ông Cường cho rằng điều này là "quá tốt".
Trước chất vấn của chủ tọa về việc tại sao đưa Việt Á về Hải Dương trên cơ sở đề xuất và ý kiến của ông Nguyễn Thanh Long thì ông Phạm Xuân Thăng cho rằng vì ông Long là Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và là người giỏi chuyên môn, do vậy ông Thăng tin tưởng sự giới thiệu này.
Bình luận (0)