Lý do TP.HCM không tuyển đủ nhu cầu giáo viên ngoại ngữ, tin học

Bích Thanh
Bích Thanh
30/05/2024 16:04 GMT+7

Trong 5 năm gần đây, TP.HCM cần tuyển 2.651 giáo viên các môn ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật nhưng chỉ tuyển được 1.667 người, đạt 62,88%. Bên cạnh có 614 giáo viên các bộ môn này nghỉ hưu, bỏ việc...

Lý do TP.HCM không tuyển đủ nhu cầu giáo viên ngoại ngữ, tin học- Ảnh 1.

Tiết học mỹ thuật tại Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1, TP.HCM)

THÁI LÊ

Theo thống kê, rà soát thực tế, Sở GD-ĐT TP.HCM ghi nhận trong các năm học từ 2018-2019 đến năm học 2023-2024, lực lượng giáo viên tiểu học công lập dạy ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu.

Cụ thể, từ năm 2018 đến năm 2023, TP.HCM có nhu cầu tuyển 2.651 giáo viên các môn ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật nhưng chỉ tuyển được 1.667 giáo viên, đạt 62,88%.

Nhu cầu tuyển dụng và số giáo viên các môn nhận nhiệm sở như sau:

TT

Môn

Nhu cầu

Tuyển dụng từ

2018 đến 2023

Tỷ lệ

1

Ngoại ngữ (tiếng Anh)

1129

841

74,49%

2

Tin học

502

140

27,89%

3

Giáo dục thể chất

437

425

97,25%

4

Âm nhạc

288

138

47,92%

5

Mỹ thuật

295

123

41,69%

Tổng cộng

2651

1667

62,88%

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, tình trạng này xuất phát từ việc thu nhập của giáo viên dạy các môn này không cao, do đó không có ứng viên tuyển dụng.

Được biết, theo quy định của Bộ GD-ĐT, định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Với giáo viên bộ môn mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, ngoại ngữ, theo phân tích của Sở GD-ĐT, mỗi giáo viên nhận nhiệm vụ 23 tiết nghĩa vụ/tuần, giáo viên được phân công từ 12 đến 23 lớp khác nhau tùy theo bộ môn và số lượng tiết dạy. 

Do đó, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo số lượng lớp được phân công. Cá biệt có giáo viên phải thực hiện công tác đánh giá cho 805 học sinh/tháng (tính sĩ số lớp chuẩn theo điều lệ trường tiểu học). Đây là khối lượng công việc vô cùng lớn.

Trên thực tế, giáo viên không chỉ dạy 23 tiết/tuần mà còn phải dạy tăng giờ do trường không có đủ giáo viên bộ môn chuyên trách. Các giáo viên khi phải dạy vượt quá số tiết nghĩa vụ có thể được hưởng phụ trội, nhưng phải đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong một năm. 

Điều này dẫn đến việc giáo viên khi dạy buổi thứ hai hoặc được giao số tiết dạy vượt số tiết nghĩa vụ cũng chỉ được hưởng tối đa 200 tiết phụ trội/năm, không tương xứng với số tiết học đã thực hiện trong một năm học.

Chẳng hạn, một trường tiểu học có 30 lớp với một giáo viên dạy âm nhạc hoặc mỹ thuật, thì số tiết giáo viên dạy phụ trội phải thực hiện trong một năm học 35 tuần là 245 tiết/giáo viên (vượt quá 45 tiết so với mức 200 tiết được hưởng phụ trội)…

Trong khi đó, từ năm học 2020-2021 đến nay Sở GD-ĐT thống kê đã có 614 giáo viên dạy bộ môn ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất không còn công tác trong ngành giáo dục với các lý do: Nghỉ hưu, nghỉ việc, bỏ việc, mất (vì bệnh). Trong đó, số lượng giáo viên dạy ngoại ngữ là 251, tin học là 70. Đây là hai môn rất khó tuyển dụng giáo viên.

Đề xuất chính sách thu hút giáo viên tiểu học dạy các môn đặc thù

Từ các phân tích đánh giá tác động nói trên, Sở GD-ĐT TP.HCM đang xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các địa phương, các sở ban, ngành để đề xuất với UBND TP.HCM chính sách thu hút giáo viên tiểu học dạy các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật. Chính sách thu hút sẽ bao gồm khoản hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhà ở; Hỗ trợ phương tiện, đi lại; Hỗ trợ khuyến khích động viên; Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.