Ly kỳ bóng đá thế giới: Khi World Cup là tội ác!

Tây Nguyên
Tây Nguyên
04/04/2020 08:39 GMT+7

World Cup vốn được xem là ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và đại sứ của hòa bình. Nhưng kỳ giải năm 1978 mà Argentina đăng cai đã trở thành một “công cụ” phục vụ cho chế độ độc tài quân sự khét tiếng với những tội ác phía sau chức vô địch của đội chủ nhà.

Vì World Cup, bất chấp tội ác

Các nước chủ nhà thường được cho là sử dụng việc đăng cai World Cup như một công cụ nghi binh che đậy những bất ổn trong nước. Đó là nền kinh tế đang chùng xuống (World Cup 2010 ở Nam Phi), các vụ bê bối tham nhũng hoành hành (Brazil, 2014) hay các cơ quan thế giới đã áp dụng các biện pháp trừng phạt để đáp trả những can thiệp bất hợp pháp vào thế thao (Nga, 2018).
Ngày hội bóng đá thế giới có thể đóng vai trò là một bức màn quan hệ công chúng hữu ích để che giấu những sự thật địa chính trị. Nhưng theo điều tra và tìm hiểu mới đây của nhà báo Ken Bensinger - tác giả cuốn “Red Card” nói về đại án tham nhũng FIFA, tất cả những kỳ giải kể trên chỉ là “cái móng tay” so với World Cup 1978 được tổ chức tại Argentina.
Trước World Cup 1978, chủ nhà Argentina rơi vào tình trạng độc tài quân sự đẫm máu, thường được gọi là “Chiến tranh bẩn thỉu”. Nó bắt đầu hơn 2 năm trước đó khi Tướng Jorge Rafael Videla được đưa lên làm tổng thống. Videla là một người độc đoán, nghiêm khắc với đôi mắt lạnh lùng, không phải là một người hâm mộ bóng đá. Nhưng ông cũng hiểu sức hút bóng đá đến mức nào bởi nó là một nguồn đam mê của hàng triệu người Argentina và thế giới.

Hàng loạt vụ bắt giữ ở Argentina trước thềm World Cup 1978

AFP

Quyền đăng cai World Cup 1978 đã được trao cho Argentina hơn một thập niên trước đó, nhưng Videla và những tay chân đã nhận ra đây là công cụ chính để duy trì quyền lực và hạ bệ bất đồng chính kiến. Thời đó, với một nền kinh tế gặp khó khăn trầm trọng có tỷ lệ lạm phát lên tới 300% cùng sự phản đối vũ trang từ quân du kích cánh tả giành được sự ủng hộ phổ biến trong và ngoài nước, các lãnh đạo quân sự khác ở Argentina đã lên kế hoạch tẩy chay World Cup 1978. Đáp lại, chính quyền quân sự của Videla (Junta), bỏ qua những lo ngại rằng chi phí của giải đấu có thể phá sản đất nước. Bất chấp các quy tắc từ LĐBĐ thế giới (FIFA) yêu cầu các chính phủ quốc gia không được can thiệp vào việc tổ chức giải đấu, Junta đã bí mật tạo ra một ban tổ chức được điều hành bởi các sĩ quan cấp cao.
Sự lên án quốc tế đối với chính quyền Argentina ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở châu Âu. Trong khi đó, sự bất mãn ở Argentina ngày càng lan rộng, dẫn đến hàng chục ngàn dân thường, trí thức, nghệ sĩ, giáo viên và thậm chí các vận động viên chuyên nghiệp được các đặc vụ săn đón, bắt giữ, tra tấn và thủ tiêu.
Cuối năm 1977, một nhóm các nhà báo và trí thức người Pháp đã thành lập tổ chức tẩy chay World Cup tại Argentina vì nhân quyền. Họ đã thuyết phục huyền thoại bóng đá Pháp Michel Platini kêu gọi Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Hà Lan và Scotland tẩy chay giải đấu. “Chúng tôi không nên chơi bóng đá giữa các trại tù tập trung và phòng tra tấn”, một tuyên bố kêu gọi của tổ chức này. Junta lập tức thuê công ty quan hệ công chúng Burson-Marsteller của Mỹ đưa ra một kế hoạch chi tiết tập trung vào “nâng cấp” hình ảnh World Cup và chống lại mọi dư luận tiêu cực ở nước ngoài.
Nhờ có “bàn tay sắt” trên báo chí trong nước, Junta đã thuyết phục phần lớn người Argentina. Trong những tháng trước giải đấu, cảnh sát quân đội Argentina chặn đường bất kỳ người dân trên đường phố yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân, các trạm kiểm soát rải rác trên khắp đất nước và các phương tiện thường xuyên bị dừng lại để lục soát. Các khu dân cư nghèo khó nằm gần sân vận động và sân bay đã bị buộc phải giải tỏa để tránh xa mắt người nước ngoài. Vào thời điểm Chủ tịch FIFA Joao Havelange đến Argentina (ngày 23.5.1978), nước này đã đưa khuôn mặt đẹp nhất của mình ra thế giới, đập tan những chỉ trích.

Bức tranh sáng tối

Ngày 1.6.1978, lễ khai mạc World Cup được tổ chức trước 67.000 khán giả tại Estadio Monumental ở Buenos Aires. Trước khi Videla và Havelange phát biểu, những nhân viên trên sân đã thả hàng trăm con bồ câu trắng lên trời. Đó là một ngày lạnh nhưng có nắng, và khi những con chim bồ câu vỗ cánh bay lên và rời khỏi sân, chúng đã được nhìn thấy từ một cụm nhà giam khét tiếng của Junta (hay còn gọi là ESMA) cách đó hơn 1 cây số chuyên cầm tù, tra tấn và thủ tiêu phạm nhân bị bắt liên quan đến cuộc đảo chính và tẩy chay World Cup.
Argentina đã giành chức vô địch World Cup 1978 và Tướng Videla được một bộ phận lớn người dân trong nước ca ngợi như một người hùng. Tuy nhiên, phía sau danh hiệu lịch sử ấy là máu, nước mắt và gian lận. Ngày 21.6.1978, Argentina đụng độ Peru ở bán kết, và theo luật của giải đấu lúc đó, chủ nhà phải thắng cách biệt ít nhất 4 bàn thắng mới có thể vào chung kết.

Chức vô địch World Cup 1978 của Argentina đến nay vẫn để lại nhiều tranh cãi

CHỤP MÀN HÌNH

Đêm trước trận bán kết, các cầu thủ Peru đã mất ngủ trầm trọng khi các nhân viên bảo vệ và cảnh sát quân sự canh giữ khách sạn của họ bất ngờ biến mất được cho là để người hâm mộ Argentina đi vòng quanh tòa nhà bấm còi xe và la hét suốt đêm. Chiều hôm sau, chiếc xe buýt đưa họ đến sân vận động Rosario Central liên tục gặp sự cố khó hiểu và đến nơi chỉ 1 giờ trước khi trận đấu bắt đầu. 20 phút trước trận, Tướng Videla bất ngờ bước đến phòng thay đồ của tuyển Peru. Quý ông lịch lãm với bộ ria mép đen dày đã đọc một lá thư từ nhà độc tài Peru, Tướng Francisco Morales-Bermúdez, nói về sự hợp tác giữa 2 quốc gia. Đó là một trong những trận gây tranh cãi và bị chỉ trích nhiều nhất trong lịch sử bóng đá: tuyển Peru đã chơi vật vờ, còn trọng tài đưa ra hàng loạt quyết định đáng nghi.
Trong những năm qua, nhiều cáo buộc cũng đã xuất hiện. Trong số đó, một trong những hậu vệ của Peru, Rodolfo Manzo, đã nhận được đề nghị trả 50.000 USD để dàn xếp tỷ số; một nhóm các cầu thủ Peru đã nhận hối lộ 250.000 USD và biệt thự ven biển Argentina để đốt lưới nhà. Tướng Videla đã có một thỏa thuận bí mật với nhà lãnh đạo của Peru. Đó là tống giam hơn một chục nhà bất đồng chính kiến Peru ở Argentina, giải ngân 50 triệu USD cho các quan chức cấp cao và chuyển một lô hàng ngũ cốc khổng lồ để đổi lấy chiến thắng cho chủ nhà.
Tháng 3.1981, chế độ của Videla sụp đổ. Vào ngày 22.12.2010, Videla bị kết án chung thân trong một nhà tù dân sự vì cái chết của 31 tù nhân. Tháng 7.2012, ông Videla bị kết án 50 năm tù vì tội bắt cóc trẻ em có hệ thống trong nhiệm kỳ của mình. Năm sau, Videla chết trong nhà tù dân sự Marcos Paz sau khi bị té ngã.
Cuối cùng, Argentina thắng đậm 6-0 nhờ cú đúp của Mario Kempes. Bốn ngày sau, Argentina đánh bại Hà Lan 3-1 ở hiệp phụ (2 hiệp chính hòa 1-1) để giành chức vô địch World Cup 1978. Hà Lan thất vọng rời sân và từ chối nhận huy chương khi một số cầu thủ không muốn bắt tay một nhà độc tài. Người Argentina mở hội, nhưng giữa đám đông, một số chiếc xe của ESMA âm thầm hộ tống tù nhân đi khắp thành phố, buộc họ đưa đầu ra ngoài cửa sổ xe để chứng kiến sự hưng phấn của chiến thắng. Sau đó, chẳng ai biết những tù nhân tái nhợt, run rẩy và sợ hãi kia đã bị đưa trở lại trại giam và bị hành quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.