Đó cũng là một 'tín hiệu' cho thấy có thể sẽ xảy ra tình trạng khô hạn...
Gần 1 tuần nay, nhiều người dân tò tò trước cảnh một tảng đá dưới sông Trạm (một nhánh sông Tiên) ở thôn 2, xã Tiên An, H.Tiên Phước, Quảng Nam bất ngờ "nở hoa".
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào sáng 29.2, vị trí "hoa nở" nằm ngay mép tảng đá lớn hướng xuống dòng nước. Quan sát kỹ, đây giống như một lớp xốp bám dưới chân tảng đá với nhiều màu sắc.
Ly kỳ chuyện đá ‘nở hoa’ ở Quảng Nam: Năm nào xuất hiện, năm đó khô hạn
Ông Nguyễn Văn Chương (86 tuổi, ở thôn 5, xã Tiên An) cho biết theo lời kể từ các thế hệ đi trước, đây là hiện tượng tự nhiên xuất hiện cách đây cả trăm năm tại một tảng đá lớn.
Hiện tượng này thường xuất hiện vào tháng giêng, nhưng không phải năm nào cũng có. Có thể là 5 năm, 10 năm và thậm chí là 15 năm mới xuất hiện một lần. "Đá nở hoa"xuất hiện gần nhất vào năm 2018, nay mới xuất hiện lại. Từ khi xuất hiện cho đến khi mất đi chỉ trong vòng từ 10 - 15 ngày.
"Màu sắc trên hoa thay đổi liên tục. Khi vừa "nở" ra là màu đỏ, ít tiếng sau sẽ chuyển qua màu vàng, màu xanh, màu trắng… Nói chung màu nào cũng có. Năm nay, hoa "nở" nhỏ. Năm 2018 hoa "nở" rất lớn, đầy đủ màu sắc", ông Chương nói.
Cũng theo ông Chương, người dân địa phương ghi nhận rằng năm nào tảng đá này "nở hoa" thì năm đó thường xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài, khô hạn.
"Việc đá "nở hoa" như một điềm báo không mấy may mắn nên người dân cũng không mong muốn. Sông Trạm có rất nhiều tảng đá, nhưng chỉ có một tảng đá đó "nở hoa" thôi, đúng là một hiện tượng lạ", ông Chương chia sẻ thêm.
Chỉ là hiện tượng địa y mọc trên đá?
Anh Bùi Ngọc Tín (34 tuổi, ở thôn 2) cho hay hiện tượng đá "nở hoa" không còn xa lạ đối với người dân địa phương, vì cách đây 6 năm đá từng "nở hoa" với màu sắc sặc sỡ, hình dáng giống như một chú cá đang há miệng săn mồi.
Trước đây, do mạng xã hội chưa phát triển nên ít người biết. Nay chỉ cần một người chụp ảnh đưa lên mạng xã hội, thấy "độc lạ" nên nhiều người liền tìm đến xem.
"Nếu nói đây chỉ là hiện tượng rêu, nấm mốc hình thành do quá trình bốc hơi nước thì những tảng đá khác dưới sông Trạm cũng sẽ xuất hiện. Nhưng qua theo dõi, hiện tượng này chỉ xuất hiện ở tảng đá này", anh Tín nói.
Ông Nguyễn Phú Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Tiên An, cũng xác nhận hiện tượng đá "nở hoa" thường 5 - 7 năm mới xuất hiện một lần.
"Thời điểm đầu khi hiện tượng này xuất hiện, các nhà khoa học cũng có về kiểm tra, nghiên cứu và đưa ra nhận định đây thực chất chỉ là địa y mọc trên đá. Ðịa y là dạng cộng sinh của nấm mốc và một loại tảo. Theo chu kỳ thì sẽ từ đá tỏa ra chứ không phải là đá "nở" ra hoa", ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, nghi vấn năm nào đá "nở hoa" thì năm đó thường xảy ra khô hạn (theo nhiều người dân đúc kết) thì chưa có tài liệu chứng minh. Trong quá khứ, có năm đá "nở hoa" thì sau đó xảy ra khô hạn nên mới có suy luận như vậy.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Thanh Niên ghi nhận về hiện tượng đá "nở hoa":
Bình luận (0)