Lý Sơn tháng 3 có lễ khao lề

19/03/2022 18:31 GMT+7

Ngày 18.3 (nhằm 16.2 âm lịch), ai về đảo Lý Sơn sẽ chứng kiến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa . Năm nay do dịch Covid-19 nên hạn chế đông người, nhưng lễ vẫn luôn trang nghiêm, tỏ lòng tri ân tiền nhân hàng trăm năm trước.

Giữa tháng 2 âm lịch, có ai về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ chứng kiến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đất này. Năm nay cũng vậy, dù do dịch Covid-19 nên phải hạn chế đông người, nhưng lễ tri ân những hùng binh giữ biển đảo hàng trăm năm trước vẫn luôn trang nghiêm.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tổ chức ngày 18.3 (nhằm 16.2 âm lịch)

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có lịch sử hơn 400 năm, được Bộ VH-TT-DL công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2013 và được duy trì tổ chức hằng năm.

Buổi lễ được tổ chức trang nghiêm để tri ân những binh phu Hoàng Sa mấy trăm năm trước

Ngày 18.3 (nhằm ngày 16.2 âm lịch), Ban quản lý đình làng An Hải, H.Lý Sơn và các tộc họ trong làng tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa một cách trang nghiêm, thành kính với nhiều nghi thức cúng tế như: Lễ yết, lễ cung nghinh, lễ thả thuyền.

Lễ vật trong lễ

Từ sáng sớm, có rất nhiều người dân trên đảo tập trung về đình làng An Hải để tham dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Muối và gạo, nước, củi... không thể thiếu khi làm lễ tế

Sau phần tế lễ, tiếng thổi ốc u nổi lên hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước, để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền.

Thổi ốc u trong lễ tế

Ông Võ Chú, người thổi ốc u hàng chục năm trước trong lễ tế, nay đã nhường cho người khác

Ra Lý Sơn thường nghe câu: “Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”. Câu ca dao chỉ những ai từng dự lễ này mới biết: Xưa, mỗi bận tế sống những đội binh phu "người đi thì có, người không thấy về" ra làm nhiệm vụ trên đảo Hoàng Sa, sau những hồi ốc u cất lên dồn dập, đoàn binh phu tức tốc xuống thuyền giong thẳng ra khơi. Giữa muôn bề sóng dữ, đoàn binh phu có 5 chiếc thuyền, trong đó thuyền chánh đội chỉ huy đi giữa, 4 thuyền binh phu khác đi xung quanh.

Sau lễ khao lề, người dân Lý Sơn có tổ chức đua thuyền tứ linh

Người dân tập trung xem đua thuyền

Vì vậy, trong lễ khao lề, thuyền nộm là hiện vật quan trọng nhất, không thể thiếu trong buổi lễ. Thuyền này nộm được làm công phu, tỉ mỉ từng chi tiết, trên thuyền có 2 - 3 hình nộm binh phu, có chỉ huy, lái thuyền. Ngoài ra, trên mỗi thuyền nộm có đầy đủ muối, gạo, nước, củi... như xưa binh phu ra đảo phải mang theo suốt chặng hải trình.

Buổi lễ được bắt đầu với bài văn tế nêu về ý nghĩa và số phận của những binh phu năm xưa: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/người đi thì có mà không thấy về; Hoàng Sa mây nước bốn bề/tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Ông Trương Văn Sửu, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin H.Lý Sơn, cho biết, hàng năm vào ngày 16.2 âm lịch người dân ở An Hải, H.Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa với mục đích tưởng nhớ những người tham gia trong đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đi mà không về. Qua đó, tiếp tục giáo dục thế hệ con cháu tiếp nối truyền thống của cha ông trong việc xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Đình làng An Hải, nơi diễn ra lễ khao lề thế lính hằng năm

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các bô lão, thanh niên trong làng chuẩn bị từ khá sớm từ việc tập luyện, chuẩn bị lễ vật... để buổi lễ được diễn ra một cách trang nghiêm nhất.

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao

Huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 22.000 người dân sinh sống, cách đất liền 15 hải lý, đi tàu cao tốc từ đất liền ra đảo mất khoảng 30 - 45 phút.

Tàu ra vào đảo Lý Sơn

Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt H.Lý Sơn vào danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

Những cánh đồng tỏi, hành của Lý Sơn

Theo bà Phạm Thị Hương, ngành du lịch trên đảo đã phát triển nhưng đảo còn nhiều khó khăn, như: nước ngọt khan hiếm; hàng hóa, lương thực đều phải chuyển từ đất liền ra, khi chuyển tuyến để khám chữa bệnh phải đi bằng tàu thủy; hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư đầy đủ.

Đảo Lý Sơn đẹp lung linh

Nhất là từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 hoành hành, khách tham quan ít nên kinh tế du lịch của đảo gặp nhiều khó khăn.

Di tích chùa Hang trên đảo Lý Sơn

Người Lý Sơn sống bằng nghề đi biển và trồng hành, tỏi. Những năm khách du lịch nhiều, tỏi có giá, đời sống khá lên, nhưng mấy năm nay thì tỏi rớt giá, đời sống càng khó khăn hơn. Hiện tỏi chỉ 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Thu hoạch tỏi ở Lý Sơn

Đang là mùa thu hoạch tỏi, nhưng năm nay giá cả xuống thấp

Cùng với tỏi, Lý Sơn trồng củ hành

Trong khi đó, nghề biển cũng vất vả không kém: hết dịch Covid-19 là đến giá nhiên liệu tăng cao, khiến ngư dân lao đao với nghề.

Tàu thuyền ở Lý Sơn

"Những lý do này khiến cho đảo Lý Sơn thành vùng đặc biệt khó khăn", bà Hương cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.