'Ma cô' ở cây xăng: Có thể đối diện với mức án 7 năm tù

22/09/2015 14:27 GMT+7

(TNO) Các luật sư cho rằng hành vi 'ma cô' ở cây xăng Trần Thiên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'lừa dối khách hàng' với mức cao nhất là 7 năm tù.

(TNO) Các luật sư cho rằng hành vi 'ma cô' ở cây xăng Trần Thiên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'lừa dối khách hàng' với mức cao nhất là 7 năm tù.

Ba người trong cây xăng Trần Thiên dàn cảnh “móc túi” khách hàng - Ảnh: Cắt từ clipBa người trong cây xăng Trần Thiên dàn cảnh “móc túi” khách hàng - Ảnh: Cắt từ clip

Tội "lừa dối khách hàng" có thể bị xử lý hình sự

Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nhận định hành vi gian lận nhằm lừa dối khách hàng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "lừa dối khách hàng" theo Điều 162 Bộ luật Hình sự
Theo LS Chánh, Điều 162 Bộ luật Hình sự nêu rõ người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng; dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng; đã bị xử phạt hành chính về hành vi này; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Lật tẩy chiêu bài của 'ma cô' ở cây xăng gian
Trao đổi với Thanh Niên Online chiều 22.9, LS Nguyễn Phi Hòa (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hành vi đổ xăng chéo và bơm chồng số tiền để gian lận và thu lợi bất chính của nhân viên cây xăng Trần Thiên là vi phạm pháp luật.
Theo LS Nguyễn Phi Hòa, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 97/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu, hành vi tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép hoặc có hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu thì sẽ bị xử phạt tiền từ 35 triệu đến 50 triệu đồng”, LS Hòa phân tích. 
LS Hòa và LS Chánh cho rằng, người tiêu dùng trước hết cần phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách khiếu nại ngay lập tức nếu phát hiện ra việc gian lận.
“Nếu phát hiện hành vi gian lận mà chủ cây xăng hoặc nhân viên bán xăng không đồng ý giải quyết thì cần khiếu nại, tố cáo hành vi gian lận và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc khởi kiện doanh nghiệp/đại lý bán xăng gian lận ra Tòa án nhân dân hoặc tố cáo đến cơ quan Công an về hành vi gian lận của nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ doanh nghiệp/đại lý phân phối xăng trong trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng theo Khoản 7 Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình”, LS Chánh nói.
Đoàn kiểm tra liên ngành đang làm việc với cây xăng Trần Thiên vào chiều 21.9 - Ảnh: Tiến Nguyên

Yếu tố nào để xử lý hình sự?

Theo đại úy Nguyễn Nam Hào (Cơ quan CSĐT Bộ Công an), hành vi gian lận ở cây xăng Trần Thiên (số 61 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM) mà Thanh Niên Online phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Tuy nhiên, theo đại úy Hào, để xử lý hình sự những người có hành vi gian lận trong việc bơm xăng này là điều không dễ, vì số tiền "móc túi" khách hàng mỗi lần là không nhiều. Việc gian lận với khách hàng phải được chứng minh là thường xuyên và với quy mô lớn.
“Một thực tế cho thấy những người bơm xăng gian thường nhanh chóng xóa dấu vết gian lận bằng cách trả về số 0 khi vừa bơm xong, nên khó có bằng chứng cụ thể. Do đó, không dễ phát hiện, bắt quả tang, lập biên bản hành vi gian lận này để xử lý hình sự được”, đại úy Hào nói.
Cần thu thập nhiều chứng cứ về thiệt hại của bị hại, mà mỗi bị hại chỉ có thiệt hại khoảng vài chục nghìn đồng nên việc tập hợp số lượng người bị hại là rất khó khăn, theo đại úy Hào.
Ngoài ra, để xử lý hình sự vụ việc này, phải chứng minh hành vi gian lận "gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng", thiệt hại nghiêm trọng ở đây thường được xác định là từ 50 triệu đồng trở lên.
Đại úy Hào phân tích, yếu tố thứ hai làm cơ sở để xử lý hình sự là hành vi này "đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích vẫn tiếp tục vi phạm". 
“Để xử lý hành chính được gian lận, phải lập biên bản quả tang lúc gian lận hoặc sau khi xem lại các chứng cứ và những nguời bơm xăng phải thừa nhận vi phạm. Nếu sau khi ra quyết định xử lý hành chính mà họ còn vi phạm thì lúc đó mới có cơ sở xử lý hình sự”, đại úy Hào nói.
Đại tá Vũ Hoàng Kiên (Cục phó Cục cảnh sát hình sự Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) cho rằng, đối với những cây xăng kiểu này, cần phải công khai nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông để các cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhằm làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.