Tất niên thường là cách người ta gọi để những người trong gia đình ngồi lại với nhau vào ngày cuối năm cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn của năm cũ. Tuy nhiên, những năm gần đây, tiệc tất niên không còn gói gọn trong không gian gia đình nữa, mà có tất niên cơ quan, tất niên xóm, tất niên nhóm bạn cũ, tất niên hội đồng hương, nhóm đá banh,…
Chính vì vậy, cứ mỗi dịp cuối năm, nghe đến nhậu tất niên nhiều người phát ngán vì không thể nào nuốt nổi bia rượu nữa nhưng vẫn phải ráng kẻo mất lòng.
Công an giam xe vẫn đi nhậu tiếp!
Anh Trần Hoài Bảo (28 tuổi, nhân viên ngân hàng) kể, cứ tới gần tết là ngày nào cũng nửa đêm mới về được đến nhà trong tình trạng say bí tỉ vì nhậu tất niên.
Nhớ lại tết năm vừa rồi, anh Bảo vẫn chưa thôi ám ảnh vì khá… tốn kém. Hôm đó là 20 tháng Chạp, anh vừa vào bàn nhậu tất niên với đồng nghiệp cơ quan, cụng ly được 5 vòng thì vội đứng dậy qua tất niên nhóm bạn đại học.
Vừa tới nhóm bạn đại học ngồi chưa ấm chỗ, hội đá banh đã liên tục réo gọi anh Bảo đến vì chưa đủ đội hình. Sợ mất lòng những người cùng đam mê, anh Bảo vội mời mọi người cho xong mấy rao rồi xin phép đứng dậy chạy tiếp.
|
Tương tự, trong một lần nhậu tất niên từ trưa và tới tối tiếp tục lái xe ô tô đi chúc Tết, anh C.T.T (40 tuổi) bị CSGT thổi phạt với mức cồn là 0,095 mg/lít khí thở. Anh cho biết đã nhậu tất niên từ trưa, uống chưa tới 2 lon. Sau khi nghỉ ngơi cả buổi chiều mới đi chúc Tết mấy nơi nhưng có lẽ bia rượu vẫn còn ngấm trong hơi thở nên anh T. bị lập biên bản phạt 3 triệu và giữ xe 7 ngày, tức là đến qua tết Nguyên Đán.
Ói lên bờ xuống ruộng cũng phải nhậu
Tửu lượng kém nên cứ đến mùa nhậu là anh Hoài Thiệu (30 tuổi, nhân viên truyền thông) lại tìm cách trốn. Nhưng trốn sao được khi những chủ tiệc cứ liên tục dùng lý lẽ “cả năm mới có một lần, uống thì uống, không thì ngồi cụng ly chơi có sao đâu”.
Nói là vậy, nhưng đố anh nào ngồi trên bàn nhậu mà chỉ cụng ly chơi. Không uống thì bị nói là không quý trọng tình cảm, không nể mặt đàn anh nên nhiều lần anh Thiệu quyết định nhậu… xuống xác.
|
Và cứ sau mỗi mùa tất niên như vậy, anh Thiệu lại phải đi tìm bác sĩ vì căn bệnh đau dạ dày hành hạ. “Uống rượu bia cũng mệt chứ không sung sướng gì, trên bàn nhậu thì bạn ép, về nhà thì vợ cằn nhằn. Mà cuối năm tất niên liên miên nên vợ chồng tôi cũng lục đục suốt”, anh Thiệu cho biết.
Ám ảnh ‘thêm chai nữa rồi về’
Là vợ chồng mới cưới, chị Lê Thị Nguyên Trà (29 tuổi, nhân viên văn phòng) thường đi nhậu cùng chồng để canh chồng có say còn chở về cho vừa yên tâm, vừa khỏi sợ bị CSGT phạt cả tháng lương, giam xe. Chị Trà cho biết dù rất bực nhưng vẫn phải đi cùng chồng để duy trì mối quan hệ.
“Trên bàn nhậu lúc đầu thì vui, nhưng đến khúc cuối, khi ai cũng ngán rồi mà cứ hết người này mời đến người kia chúc. Cứ vậy, mỗi tiệc tất niên chồng tôi uống chục chai là ít. Tất niên gì mà đến nửa đêm, tôi ngồi ngáp lên ngáp xuống các ông vẫn nhậu chưa xong. Cứ thêm chai nữa rồi về mà thêm tới chai thứ 3, thứ 4 vẫn chưa chịu về”, chị Trà ngao ngán.
Theo lời chị Trà, dù cố gắng tỏ ra vui vẻ trên bàn nhậu nhưng về đến nhà là vợ chồng lại cãi nhau vì “nãy anh kêu uống thêm chai nữa rồi về mà ngồi hoài không về, không tôn trọng vợ, không giữ lời”…
Giận tới giận lui, chị Trà cũng đành tự nguôi ngoai vì nghe chồng nói cũng… có lý rằng “mọi người đang nhậu vậy sao mình ra về trước được, cả năm mới tất niên một lần”…
Hy vọng với sự quyết liệt của lực lượng CSGT và mức phạt nặng của Nghị định 100, các "ma men" sẽ chừa thói bia rượu dịp Tết Canh Tý này để các gia đình yên vui đón một cái Tết bình an, hạnh phúc!
Bình luận (0)