Má - một phần ký ức Sài Gòn

02/12/2019 08:00 GMT+7

Sài Gòn rộng lớn, lớn mênh mông với những mảnh đời mưu sinh cuộc sống đổ về, từ những người cao sang cho đến những số phận lao động chân lấm tay bùn.

Đi giữa Sài Gòn, quán nhậu mọc lên ồ ạt, quán ăn nhiều không đếm xuể với đủ thứ món, người ta cười nói rôm rả về đủ mọi chuyện trên đời, những âm thanh sôi động về đêm đã là một nét văn hóa của người Sài Gòn. Mỗi lần đi qua những quán cháo vịt, cháo gà dọc đường Sài Gòn, tôi đều nhớ lại hình ảnh má tôi ngồi vặt lông vịt cho một quán cháo ở góc ngã tư đường. Dù quán má làm ở Dĩ An giáp với Thủ Đức, và bài viết chỉ nói đến Sài Gòn, nhưng tôi vẫn xin được viết về má, bởi đối với tôi, khi ký ức đã in sâu, thì ranh giới địa lý đã không còn rõ ràng nữa.

Sài Gòn rộng lớn, lớn mênh mông với những mảnh đời mưu sinh cuộc sống đổ về

Ảnh: Ngọc Dương

Vài năm trước, khi má mới chuyển từ Tây nguyên vào Sài Gòn, công việc má chưa ổn định như bây giờ. Vì vậy, má xin người ta làm đủ mọi nghề để có tiền trang trải cuộc sống: từ rửa chén ở quán phở, phụ giúp quán cơm, bán bánh bột lọc đến giúp việc nhà cho người ta…
Có lần tôi chạy về thăm ba má, không thấy má đâu mới biết là má mới nhận công việc mới là vặt lông vịt và làm lòng vịt ở quán cháo, tôi liền tức tốc chạy tới. Giữa quán cháo vịt nằm ở một góc của ngã tư đường, má tôi ngồi trong đó đang cắm cúi nhúng những con vịt vào nồi nước sôi để chuẩn bị vặt lông và làm lòng vịt.
Mỗi sáng má làm 5 con vịt và lặt xong mấy bọc rau thơm, rửa hết mấy bọc bắp cải là được về nghỉ, chiều 3 giờ má mới qua phụ lên món và bưng bê cháo cho người ta. Vì muốn má được nghỉ sớm hơn để tôi có thời gian ở bên má nhiều hơn, nên dù mua mấy cái bánh cam để ăn sáng, tôi vẫn để lủng lẳng trên xe và chạy vô phụ với má. May sao mà việc vặt lông gà, lông vịt tôi đã biết và quen từ hồi còn nhỏ nên tôi làm thoăn thoắt. Vì ở quê, vào mỗi mùa thu hoạch cà phê, má thường nấu cháo ban đêm cho đội gác và nhiệm vụ của tôi và em tôi là phải vặt lông gà phụ má.
Tôi và má vừa vặt lông vịt, vừa nói chuyện với nhau. Mỗi lần gặp má, tôi thường líu lo như một đứa trẻ. Tôi kể má nghe nhiều chuyện từ công việc, đến phòng trọ, đến nấu nướng, thậm chí tôi cũng kể cho má nghe chuyện có anh chàng nhắn tin muốn làm quen với tôi…Có lẽ vì từ lúc bắt đầu đi học mẫu giáo, má đã gần gũi với tôi bằng cách hỏi thăm mọi điều trong ngày của tôi như thế nào, nên sau này khi lớn lên, má không hỏi tôi cũng tự động tâm sự hết với má. Nói đúng hơn má ở khía cạnh nào đó giống như một người bạn của tôi. Làm xong lông vịt, tôi và má chuyển qua làm rau, tới gần mười giờ sáng là đã xong mọi việc, cô chủ cho má về. Vậy là má có tới mấy tiếng đồng hồ để ở bên tôi, để tôi thủ thỉ hết mọi chuyện với má, để tôi được đi chợ với má, ăn cơm má nấu, ôm má ngủ trưa.

Ký ức Sài Gòn là vậy, vừa có gì đó ấm áp, ngọt ngào nhưng cũng đan xen những nỗi niềm buồn tủi của những người con xa xứ

Ảnh: Ngọc Dương

Lúc đó tôi đang làm trợ lý giám đốc cho một công ty nhượng quyền từ nước ngoài ở quận 1. Mọi thứ đều rất sang trọng, cách nói chuyện cũng rất tây, phòng máy lạnh từ sáng đến tối, quần áo váy vóc là lượt vì đó là văn hóa của công ty muốn nhân viên chuyên nghiệp hơn trong những buổi họp hay tiếp xúc với những doanh nhân thành đạt, cao sang. Nhưng khi về gặp má, tôi rũ bỏ hết những xa hoa phù phiếm đó, má đi giúp việc cho người ta, tôi cũng chạy theo phụ má lau nhà rửa chén, má bán bánh bột lọc, tôi cũng loanh quanh rửa lá, nặn bánh, bỏ nhân, hấp bánh, rồi đưa ra cạnh quán nước mía của anh hàng xóm tốt bụng cho má con tôi bán nhờ. Cho đến bây giờ, tuy má đã có công việc ổn định, không phải thay đổi công việc liên tục nữa, nhưng tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc má ngồi đó, cặm cụi làm những con vịt trong một quán cháo nằm ở góc ngã tư đường, giữa nơi đất khách này.
Đêm đó, má về lúc 10 giờ và đem về cho ba con tôi một bọc chân vịt vì má dặn cô chủ bán riêng cho má. Đêm đó, cả nhà tôi cùng ăn chân vịt và kể chuyện cho nhau nghe. Sau này mỗi lần bệnh, mỗi lần đói bụng muốn ăn cháo, tôi lại nhớ đến má, nhớ lúc cả nhà tôi ngồi bên tô chân vịt chấm nước mắm gừng cay ngọt. Ký ức Sài Gòn là vậy, vừa có gì đó ấm áp, ngọt ngào nhưng cũng đan xen những nỗi niềm buồn tủi của những người con xa xứ.
Má ơi, con cảm ơn má, vì má đã dành cho con tình thương từ lúc lọt lòng khó nuôi cho đến bây giờ. Con chỉ mong má luôn khỏe mạnh, nghen má!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.