Má ơi, đừng 'đánh' con đau...

30/06/2017 09:30 GMT+7

Không ít bạn trẻ bị bố mẹ mắng nhiếc, sỉ vả, mạt sát hằng ngày. Họ cảm thấy chán chường, đau lòng, thậm chí chẳng muốn sống.

Những lời ám ảnh
Một thăm dò nhỏ của người viết với những bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên dẫn đến kết quả bất ngờ: có người bị bố mẹ “buông lời khó nghe” thường xuyên, có người thì “hễ thấy mặt” là bị bố mẹ xỉa xói, chửi rủa bằng những lời thậm tệ nhất.

tin liên quan

Công bố điểm chuẩn lớp 10 TP.HCM vào chiều 3.7
Chiều 30.6, trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM,  cho biết sau khi Ban giám đốc Sở họp thống nhất với lãnh đạo gần 100 trường THPT công lập, điểm chuẩn lớp 10 sẽ được công bố vào khoảng 15 giờ ngày 3.7. 

tin liên quan

3 kiểu dạy dỗ vô tình làm hại con mà cha mẹ không ngờ

Các nhà tâm lý học đã chứng minh ngữ điệu giọng nói của cha mẹ, cách diễn đạt câu hay gọi tên đều ảnh hưởng lâu dài đến con. Đây là một trong nhiều thứ đang tác động đến trẻ mà cha mẹ không hay biết.


T.H.H., học sinh (HS) lớp 10 Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) kể: “Mẹ hay chửi em bằng những câu như: loại mầy thì đẻ ra là phí sức, nếu biết có đứa con như mầy thì khi vừa đẻ ra tao đã bóp mũi”. “Những câu chửi ấy, ám ảnh lắm. Đôi lúc nghĩ đến, nước mắt lại chảy ra”, T.H.H., buồn kể.
N.T.Q., HS lớp 7 Trường THCS Lương Định Của (Q.2, TP.HCM) thì cho biết em cảm thấy chán nản khi ngày nào cũng bị bố xúc phạm, mắng nhiếc. Có lúc thì bị nói “cái đồ ngu hơn bò”, có khi nhận lấy những câu: “mầy chết đi chứ sống làm gì”, “tao không có thể loại con dốt nát như mầy”…
Những trường hợp như Q., H., còn rất nhiều. Có cả những trường hợp đang là sinh viên cũng gặp phải tình cảnh tương tự. “Có lần trước mặt bạn bè, mẹ đánh rồi buông những lời cay đắng như mầy là loài gì chứ không phải loài người. Mình thấy nhục nhã lắm”, V.T.Q., (quê An Giang), sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, tâm sự.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), cũng thừa nhận đây là câu chuyện có thật đã và đang diễn ra hằng ngày.
Còn tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết trong quá trình tư vấn tâm lý cho người trẻ, đã từng gặp những trường hợp, những câu chuyện đau lòng như thế. Không chỉ là lời nói, mà đi kèm đó là thái độ xa lánh, coi thường và phủ nhận của bố mẹ đối với con cái. Theo ông Quân, đây là điều đáng tiếc và đáng trách đối với những người làm bố, mẹ, và là sự đáng thương đối với các bạn trẻ rơi vào cảnh ngộ như vậy.

Muốn trốn đi thật xa
N.T.Q. chia sẻ, những lần bị bố chửi như vậy, cảm thấy bi quan và tuyệt vọng vô cùng, chỉ muốn bỏ nhà, trốn đi thật xa, chẳng muốn thấy bố nữa. “Bởi ngày nào cũng bị bố chửi, rất đau lòng”.
Còn N.T.H.T, sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, thì nói cảm thấy mệt mỏi khi nghĩ về gia đình, nghĩ về bố mẹ. “Bởi nhà không còn là nơi bình yên và vui vẻ. Vì bố mẹ cứ chửi, cứ so sánh con người ta thì làm nở mặt nở mày cho bố mẹ, còn mày là cái thứ gì mà chỉ làm nhục nhã cái nhà này”, T. giải thích. Chính vì vậy mà hằng ngày sau khi đi học về, cô gái này chỉ biết chui vào phòng, đóng cửa lại để “né” những lời chửi bới đầy cay đắng và thậm tệ của bố mẹ mình.
T.H.H. thú thật đã có lần muốn tìm đến cái chết, để không phải đối diện với những lời ruồng bỏ từ bậc sinh thành.

Theo ông Duy, khi người trẻ bị bố mẹ xỉa xói, mắng nhiếc, thậm chí dùng những lời lẽ mạt sát, thì họ sẽ gặp rất nhiều tổn thương, hệ lụy trong cuộc sống. Nhất là rất dễ mang những xúc cảm tiêu cực tự ti, mệt mỏi, trầm uất, oán hận, sợ hãi cha mẹ.
Ông Quân cũng cho rằng tùy vào đặc điểm cá nhân và lứa tuổi của trẻ mà cách phản ứng với lời mắng chửi và ruồng bỏ của bố mẹ là khác nhau. Nếu còn nhỏ, trẻ sẽ tiếp nhận và âm thầm chịu đựng rồi tự ám thị mình theo sự “định vị” của cha mẹ. Khi lớn hơn, khả năng nhận thức đã phát triển thì trẻ sẽ có nhiều cách phản ứng khác nhau. Có thể trẻ sẽ bỏ ngoài tai những lời nhận xét của cha mẹ hoặc sẽ chống đối bằng cách cãi lại, làm ngược lại với những yêu cầu của cha mẹ. Điều này dẫn đến khoảng cách giữa con cái và cha mẹ ngày càng xa hơn, nhất là khoảng cách về mặt tâm lý.
Lời nói ảnh hưởng đến suy nghĩ và niềm tin
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đối với trẻ con, tâm hồn càng non nớt, những lời sỉ vả từ người lớn càng có sức ám thị mạnh mẽ. Nếu ngày nào bố mẹ cũng nói với con rằng: "Mày ngu như bò! Mày ngu như bò!" thì đến một ngày nào đó, người con ấy cũng tin rằng trí tuệ mình cũng chỉ bằng một con bò.
Theo ông Hiếu, lời nói của người lớn có sức ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và niềm tin nơi con trẻ. Nếu phụ huynh biết cách khen con thông minh, tin con sẽ học giỏi nếu biết cố gắng, thì con sẽ tin là bố mẹ mình nói thật và sẽ cố gắng học thật giỏi. Ngược lại, nếu một học sinh lớp 6 tập nấu cơm, khi mẹ về phát hiện ra nồi cơm sống, mẹ phán: "Mày chả được tích sự gì” thì học sinh ấy mãi mãi không bao giờ muốn bước vào trong bếp.

tin liên quan

Không cho con ra ngoài vì sợ giao lưu với kẻ xấu
Con tôi hay than vãn là nhìn bạn bè được đi ra ngoài, được đi chơi thật thỏa thích, không giống như con suốt ngày phải ở nhà, chỉ quanh quẩn trong nhà với bài tập, với ti vi. 

Cũng theo vị chuyên gia này, thì với các em lớn hơn, lời nói tuy không còn sức ám thị mạnh mẽ, nhưng ngược lại, nó có thể gây tổn thương gấp đôi như một con dao ghim vào tim và đau thấu đến suốt cuộc đời.
Ông Hiếu kể chuyện một nữ sinh lớp 10 ở Hải Dương khi bị điểm 2 trên lớp, bố phán: “Tao không có thể loại con dốt nát như mày! Mày chỉ tổ bôi tro trét trấu vô mặt tao! Sao không chết quách đi cho xong”, kết quả là cô bé đã nhảy sông tự tử. Mà không chỉ một mình, bốn người bạn khác đồng tâm trạng đã cùng tự tử theo.
Hay một cậu bé thi trượt đại học, ở nhà phụ việc gia đình. Vì thi thoảng làm rơi đồ nên bị mẹ bực bội phán: “Mày thuộc thể loại gì chứ không phải người! Biết mày vô dụng như vậy thà hồi đó tao bóp mũi chết cho rồi”. Và sau đó cậu bé bỏ nhà đi. Cậu ôm hận vì bản thân đã rơi vào cái hố sâu cùng cực, không những chẳng được kéo lên mà còn bị người thân đổ nước sôi vào. Sau một quãng thời gian chật vật mưu sinh, cậu cũng tìm ra thế mạnh của mình rồi dần trở nên thành đạt. Người con trai ấy giờ cũng chẳng thiết tha mấy khi quay về lại gia đình, bởi nơi đó toàn những ký ức không lấy gì làm đẹp đẽ.
Ý kiến:
“Quát tháo, thóa mạ con cái thể hiện sự bất lực của bố mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Dù giận con như thế nào đi nữa, thì cũng nên kiềm lòng để có cách khuyên bảo nhẹ nhàng, tình cảm”, (Bà Vũ Thu Phương, phụ huynh Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM).
“Mình cũng từng bị bố mẹ mắng nhiếc suốt ngày. Không phải là những câu la bình thường, mà là những lời chửi nặng nề lắm, cho là đồ óc lợn, đồ ăn hại… Nghĩ lại thấy buồn”, (Đ.Đ.M, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM).
“Đôi khi bản thân con cái cũng có một phần lỗi. Nên nghĩ lại lý do vì sao bản thân phải đón nhận những câu chửi của bố mẹ để thay đổi bản thân, không làm bố mẹ buồn lòng nữa. Lựa lúc bố mẹ vui vẻ, nhẹ nhàng nói chuyện, chia sẻ suy nghĩ để bố mẹ và con cái hiểu nhau hơn”, (Nguyễn Hồng Thanh, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.