Mấy ngày trước, hàng ngàn công nhân tại một nhà máy gia công hàng may mặc ở Bangladesh đã ngưng làm việc và gây náo loạn khắp nơi. Yêu sách của họ hết sức rõ ràng: buộc chủ nhà máy phải mời pháp sư đến tống cổ… một con ma được cho là đang cố thủ trong nhà xưởng mà họ đang làm việc. Sự việc bắt đầu khi một nữ công nhân than ốm và đổ lỗi cho tình trạng của cô là do “bị ma tấn công” khi vào nhà vệ sinh.
|
Theo AFP dẫn lại báo đài địa phương, trong tâm trạng sợ hãi, hơn 3.000 công nhân tại nhà máy thuộc thành phố Gazipur đã tổ chức đình công, và hàng chục người đập phá nhà máy trước khi cảnh sát buộc phải dùng hơi cay để đẩy lui những người quá khích.
Đây không phải là lần đầu tiên các công nhân ở xưởng may tại các nước châu Á ngã bệnh với những triệu chứng kỳ lạ. Vào giữa tháng 6 và tháng 9.2011, hơn 1.000 công nhân tại các nhà máy gia công giày và quần áo tại Campuchia cho hay họ cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt và buồn nôn. Sau khi nghỉ ngơi và được chăm sóc y tế, họ hồi phục và quay lại nơi làm việc, nhưng vài người vẫn còn bị di chứng kéo dài. Giới chủ bó tay chẳng hiểu tại sao công nhân lại ngã bệnh đồng loạt dù không tìm thấy bất cứ hóa chất độc hại hoặc chất ô nhiễm môi trường nào tại nhà xưởng.
Những sự kiện tương tự đã diễn ra tại Bangladesh trong vài tuần gần đây. Hàng trăm công nhân tại thủ đô Dhaka và các thành phố khác than phiền vì những triệu chứng gây khó chịu mà chẳng rõ nguyên nhân.
Giới chức y tế kết luận rằng hầu hết trường hợp là do hội chứng rối loạn phân ly tập thể, còn được biết đến là bệnh xã hội đám đông. Chứng rối loạn phân ly tập thể thường khởi đầu khi một số cá nhân đang bị stress và chuyển cái stress đó thành các triệu chứng bệnh của cơ thể. Thế là đồng nghiệp, gia đình và bạn bè cũng có thể bắt đầu biểu hiện tình trạng tương tự do “lây nhiễm”. Những ổ bệnh tự nhiên bộc phát thường xảy ra trong các đơn vị xã hội khép kín, như trường học, bệnh viện và nơi làm việc, và ở những nơi có người bị áp lực và căng thẳng thường xuyên. Nỗi sợ hãi và lo lắng về tình trạng làm việc trong các nhà máy hiện trở thành đề tài ám ảnh người dân Bangladesh, nhất là sau vụ sập tòa nhà hồi tháng 4 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Quay lại vụ mới đây tại Bangladesh, đây được xem là một trường hợp bất thường vì ít khi nào ngã bệnh đồng loạt lại có liên quan đến hồn ma bóng quế. Tuy nhiên, cả hai hiện tượng này, tức ma quỷ và chứng rối loạn phân ly tập thể thường bắt đầu bằng một hiện tượng khó giải thích hoặc bất thường.
Dân Hồi giáo tại nước này thường tin là có thế giới khác sau khi chết, và hay đổ lỗi cho các thế lực tàn ác bí ẩn đã gây ra những vụ tai nạn, bệnh tật… Một điểm khác biệt là nếu ma Tây phương ít khi nào lẩn khuất trong nhà vệ sinh, thì theo quan niệm của người Trung Đông và châu Á, đây là địa bàn cư trú ưa thích của những hồn ma vất vưởng. Ví dụ, văn học dân gian Nhật Bản có mẩu chuyện về Hanako-san, hồn ma được cho là luôn ám phòng vệ sinh nữ.
Không có phương pháp điều trị rõ ràng cho chứng rối loạn phân ly tập thể. Các con bệnh cứ tuân theo một chu trình bất thường nào đó và hầu hết những chứng bệnh bí ẩn này cũng nhanh khỏi như khi chúng đến. Tuy nhiên, cần lưu ý là các nhà xưởng chứa đầy vải vóc, hóa chất, đủ thứ loại mùi, stress và sự buồn chán, là môi trường lý tưởng cho sự bùng phát dạng này. Vẫn chưa rõ cách giải quyết cho trường hợp ở thành phố Gazipur, nhưng giới chủ nhà máy thấy chỉ còn cách là mời pháp sư đến trừ tà nhằm yên lòng công nhân trước.
Hạo Nhiên
>> Chốn tâm linh của người Nhật
>> Nỗi khổ tâm linh
>> Nhật bác tin ma ám Dinh thủ tướng
>> Chiến đấu cơ F-22 bị “ma ám”
>> Tàu "ma" ám ảnh bờ biển Canada
>> Ngôi nhà ma ám
>> Đánh công an vì bị... "ma ám"!
>> Ngày mới ở làng "ma ám
Bình luận (0)