Mách nhau nâng cao ý thức phòng dịch nơi công cộng

11/03/2020 06:26 GMT+7

Đúc kết của đại diện Vietnam Airlines gửi đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia, cũng như ngành y tế, về mối nguy ở 'nhà vệ sinh' được bạn đọc đặc biệt quan tâm.

Như Thanh Niên đã thông tin, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội hôm 9.3, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, đã chia sẻ một số thông tin về chuyến bay VN0054 (chuyến bay sau đó xác định có nhiều hành khách dương tính Covid-19), trong đó đúc kết: “Các khu vực công cộng sử dụng chung thường có nguy cơ lớn nhất trong lây lan vi rút gây dịch Covid-19, đặc biệt là nhà vệ sinh”.
“Trong các nội dung mà chúng tôi muốn báo cáo, đặc biệt chia sẻ về việc ở bộ phận phục vụ rất nhiều khách, thì khâu khẩu trang và găng tay là rất quyết định. Bởi vì môi trường lây lan thông qua các tiếp xúc mà chúng ta làm chặt thì ngăn ngừa rất tốt”, ông Thành nói thêm.

Cảnh giác “mọi lúc, mọi nơi”

Chia sẻ của lãnh đạo Vietnam Airlines cũng là điều mà ngành y tế, cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo, nhất là những tiếp xúc, cầm nắm các vật dụng, đồ vật, phương tiện... nơi công cộng. Do vậy, như chia sẻ của bạn đọc (BĐ) Trần Phong Lưu (TP.HCM), trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cần phải “nâng cao cảnh giác mọi nơi, mọi lúc” nhằm bảo vệ an toàn, sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng.
“Xếp hàng qua cửa an ninh, ngồi trong phòng chờ hơn nửa tiếng, chen lấn lên xe đưa đón trong sân bay (đi từ sảnh chờ ra máy bay và từ máy bay vào phòng nhận hành lý), rồi tụ tập lấy hành lý, rồi đi vệ sinh và rửa tay trong nhà ga hàng không, nơi nào cũng có thể làm lây lan Covid-19... Phải vệ sinh mọi nơi, thận trọng mọi nơi”, BĐ Lưu viết.
BĐ Nguyễn Huy (TP.HCM) cũng rất đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Vietnam Airlines: “Quá đúng! Nhà vệ sinh trên máy bay nhỏ xíu. Với chuyến bay dài 10 giờ, người bình thường ít nhất phải đi vệ sinh 2 lần; những người có bệnh có thể dùng nhiều hơn và vào nhà vệ sinh để ho, hắt hơi mà không làm phiền người khác nên nó trở thành nơi tích tụ vi rút”.
Không những vậy, BĐ cũng chia sẻ với nhau ý thức tự bảo vệ bản thân khi đi máy bay trong mùa dịch Covid-19. BĐ Nguyễn Mậu Lân phân tích: “Bay 12 tiếng ai cũng phải đi lại và dùng nhà vệ sinh; khả năng lây mạnh là do chạm vào các tay vịn trên máy bay và nhà vệ sinh. Còn khi đã ra khỏi sân bay, các điều kiện lây giảm hơn”.

Trách nhiệm với cộng đồng

Ngoài việc chia sẻ với những khó khăn của ngành hàng không khi phải hoạt động trong bối cảnh mà dịch Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, BĐ Nguyễn Anh kiến nghị: “Nên chăng khử khuẩn nhà vệ sinh trong mỗi chuyến bay. Nếu có khử khuẩn tự động thì tốt, kiểu như nhấn một nút thì tự làm sạch. Khi đó tiếp viên cứ 1 tiếng nhấn nút 1 lần”.
Còn theo BĐ Nguyễn Văn Phương (Nghệ An), cơ quan y tế, các ngành chức năng đã thường xuyên khuyến cáo người dân về một số biện pháp phòng dịch Covid-19, trong đó có việc tiếp xúc thường xuyên với cánh cửa, thang máy, nhà vệ sinh... nơi công cộng. Do vậy, vấn đề là ý thức của mỗi cá nhân và trách nhiệm của họ đối với cộng đồng.
“Nếu trước đây chưa quan tâm hoặc không quan tâm thì nay mỗi người chúng ta nên thường xuyên thực hành bằng cách đảm bảo vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, nước diệt khuẩn sau khi sử dụng nhà vệ sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cho mình và cho mọi người”, BĐ viết.
Có nên lấy mẫu ở khu vực nhà vệ sinh trên máy bay sau mỗi chuyến bay để kiểm tra xem có SARS-CoV-2 không? Vì nếu SARS-CoV-2 có hiện diện trên bề mặt của nắp ngồi bồn cầu, tay nắm cửa nhà vệ sinh... thì có thể chủ động trong việc khoanh vùng khách đi trong chuyến bay đó.
Vũ Anh Phụng (Vĩnh Long)
Ở trên máy bay nên chú ý nhà vệ sinh. Còn ở ngoài, theo tôi cũng cân nhắc khi sử dụng các cây ATM vì đó là những nơi công cộng, nhiều người lui tới sử dụng.
Hòa Nguyễn (Đà Nẵng)
Đề nghị đừng quên khử trùng sân bay mỗi ngày vì số lượng người mang bệnh đi và đến (nếu có) sẽ rất phức tạp.
Nguyễn Hải Âu (Điện Biên)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.