Mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân

27/07/2024 07:00 GMT+7

Chiều 26.7, lễ truy điệu, an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể theo nghi thức quốc tang. Trong niềm tiếc thương vô hạn, gia đình cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế và hàng vạn người dân đã tiễn đưa ông về với đất mẹ.

Từ 13 giờ ngày 26.7, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và quê nhà xã Đông Hội, H.Đông Anh, Hà Nội. Tại Nhà tang lễ Quốc gia, dự lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gia quyến cùng nhiều bạn bè quốc tế.

64c24b84cbbc6ee237ad.jpg

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuyển linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TTXVN

Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc

Trong lời điếu tại lễ truy điệu, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta".

"Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn, không thể bù đắp của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Đất nước ta mất đi nhà lãnh đạo tài năng; phong trào cộng sản, tiến bộ thế giới mất đi nhà lý luận sắc bén; bạn bè quốc tế mất đi người bạn chân thành, người đồng chí thân thiết; gia đình, dòng tộc, quê hương Đông Hội mất đi người con ưu tú", Chủ tịch nước nói, bày tỏ niềm xúc động và tiếc thương vô hạn.

Nhắc lại 60 năm hoạt động cách mạng bền bỉ của GS-TS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định với trí tuệ uyên bác, sắc sảo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. "Nhà tư tưởng Nguyễn Phú Trọng, ngọn cờ lý luận của Đảng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của đảng cộng sản, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...", Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định.

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng mở ra chương mới trong quan hệ giữa nước ta với các đối tác quốc tế, thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia, tăng cường sự đóng góp của Việt Nam bằng nhiều cam kết, hành động thiết thực, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa đất nước ta tiến lên mạnh mẽ.

Đặc biệt, với tâm niệm "Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; không ngừng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

64c24b84cbbc6ee237ad.jpg

Phu nhân Tổng Bí thư cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu trong nước và quốc tế mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch

TTXVN

A2.jpg

Chủ tịch nước Tô Lâm đọc lời điếu tại lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Gia Hân

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng Ban Chấp hành T.Ư Đảng hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở với vấn đề xây dựng cơ quan lập pháp thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, thực sự dân chủ và đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân...

Chủ tịch nước Tô Lâm cũng khẳng định nhà văn hóa lớn Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều tâm huyết và có cống hiến đặc biệt quan trọng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Với nhãn quan chính trị sâu sắc, nhạy bén, Tổng Bí thư đã nâng tầm tư duy chiến lược, tạo bước phát triển mới cho nền quốc phòng, an ninh và đối ngoại Việt Nam. Đó là tư tưởng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy; luôn chú trọng xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng tinh, gọn, mạnh, thật sự trong sạch, vững mạnh. Trong đó, quân đội, công an đoàn kết gắn bó như "hai cánh của một con chim", như "thanh kiếm và lá chắn", chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong của nền ngoại giao toàn diện, hình thành và lãnh đạo thực hiện hiệu quả nghệ thuật ngoại giao thời đại mới mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" trên cơ sở cốt cách con người Việt Nam "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "hòa hiếu", "lấy chí nhân thay cường bạo"…

A3.jpg

Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cùng gia đình đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra linh xa

Đậu Tiến Đạt

Trọn cuộc đời vì nước, vì dân

Chủ tịch nước khẳng định xuyên suốt trong tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân dân, là con người; kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc", "nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới".

Theo Chủ tịch nước, trọn cuộc đời, Tổng Bí thư đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta bằng một tinh thần, ý chí thép, không lùi bước trước những trở ngại, khó khăn; mang hết tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết cách mạng, làm việc đến hơi thở cuối cùng, tận tâm, tận lực, tận hiến cho Đảng, cho nước, cho dân; khẳng định một nhân cách lớn, sống trọn cuộc đời vì nước, vì Đảng, vì dân.

6047167e9f463a186357.jpg

Ông Nguyễn Trọng Trường, con trai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảm ơn các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại diện các nước, các tổ chức quốc tế đã đến viếng, tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng

TTXVN

"Thành kính và biết ơn sâu sắc công lao, cống hiến của Tổng Bí thư, Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất. Nhưng hơn hết, đồng chí mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân… Đồng chí ra đi nhưng tên tuổi và sự nghiệp, công lao và cống hiến, tài năng và đức độ của đồng chí sẽ còn sáng mãi trong lịch sử vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, trong sự tri ân của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, trong tình cảm của bạn bè quốc tế", Chủ tịch nước Tô Lâm xúc động nói.

Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện một lòng thực hiện ước nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khắc cốt ghi tâm lời căn dặn: "Nếu là người, hãy là người cộng sản", hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lựa chọn. Đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng một thế giới tiến bộ, văn minh và đạo đức.

"Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh", Chủ tịch nước Tô Lâm xúc động nói lời vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nỗi đau sâu sắc, niềm tiếc thương vô hạn

Sau lời điếu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gia đình và bạn bè quốc tế dự lễ truy điệu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thay mặt gia đình, ông Nguyễn Trọng Trường, con trai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nói lời cảm tạ trước sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ tận tình của Đảng, Nhà nước, các cơ quan T.Ư, địa phương, các ông bà, cô bác, anh chị em cũng như tình cảm của nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư và gia đình.

"Bố chúng cháu không còn nữa đã mang đến nỗi đau sâu sắc đối với gia đình, nhất là đối với mẹ cháu. Tại thời khắc này, thay mặt gia đình, cháu xin gửi lời cảm ơn các bác, các cô, các chú lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, đoàn thể T.Ư, địa phương, đồng bào đã đến viếng, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng…", con trai Tổng Bí thư nói, và bày tỏ trong quá trình tổ chức lễ tang, "không tránh khỏi những sơ suất, gây phiền hà cho bà con, mong được người dân thông cảm, lượng thứ".

Sau lễ truy điệu, gia đình, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế đi quanh linh cữu tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. Phu nhân Ngô Thị Mận đặt tay lên linh cữu, nghẹn ngào rơi nước mắt tiễn biệt. Tiếp đó, gia quyến cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế cùng đưa linh cữu ra linh xa, tiễn đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Lúc 15 giờ cùng ngày, lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nghĩa trang Mai Dịch. Đội nghi lễ thực hiện nghi thức hạ huyệt linh cữu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phu nhân Ngô Thị Mận cùng gia quyến và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế thả hoa, mặc niệm, thắp hương và đi vòng quanh mộ để tiễn biệt Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia tay vợ con, đồng chí, nhân dân, bạn bè trong và ngoài nước để về với đất mẹ.

Vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo ‘mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân’

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết từ 7 giờ ngày 25.7 đến 12 giờ ngày 26.7, có 3.821 đoàn với hơn 59.000 lượt người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Thay mặt Ban Tổ chức lễ tang, ông Mãi gửi lời cảm ơn các vị lãnh đạo, các cơ quan, tổ chức, các lực lượng và bà con nhân dân đã dành tình cảm, tham gia, phục vụ để lễ viếng, lễ truy điệu tại Hội trường Thống Nhất diễn ra đúng kế hoạch, đạt kết quả. Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết việc tổ chức chu đáo lễ viếng, lễ truy điệu là tình cảm và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều tình cảm, tâm huyết và có định hướng chiến lược cho TP.HCM trong phát triển cũng như những cơ chế vượt trội giúp thành phố khơi dậy tiềm năng và tháo gỡ khó khăn để phát triển", Chủ tịch UBND TP chia sẻ. Sắp tới, TP.HCM tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, nghiên cứu triển khai nhiều chương trình, đề án để hiện thực hóa những tư tưởng, tình cảm của Tổng Bí thư trong các nghị quyết, đưa TP.HCM trở thành trung tâm lớn, đầu tàu kinh tế và đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước.

Chia sẻ thêm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy cho biết ban tổ chức chứng kiến những hình ảnh rất xúc động của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thể hiện tình cảm, tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Có cháu học sinh tiểu học đến viếng và tự mình viết những dòng cảm nghĩ rất xúc động.

Hơn 6.000 đoàn, gần 200.000 đồng bào tới viếng

Từ sớm ngày 26.7, hàng ngàn người dân đã xếp hàng trên các tuyến phố xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và quê nhà Đông Hội, người dân cả nước tiếp tục đến viếng, bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dòng người vẫn vào viếng Tổng Bí thư cho tới tận 12 giờ 30, trước khi lễ truy điệu chính thức bắt đầu.

Theo Ban tổ chức lễ tang, đã có 6.000 đoàn đại biểu T.Ư, địa phương, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước, 100 đoàn đại biểu quốc tế và 200.000 đồng bào đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hội trường Thống Nhất và quê nhà Đông Hội của ông. Gần 500.000 lượt người dân đã gửi lời chia buồn qua sổ tang điện tử. Nhiều bạn bè quốc tế cũng đã đến viếng, gửi điện chia buồn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.