Ông Khairul Dzaimee Daud, quan chức phụ trách pháp luật thuộc Văn phòng Thủ tướng Malaysia, cho biết chính phủ nước này đã xem Muhammad Fuad Abdullah Kiram là phần tử khủng bố theo luật chống rửa tiền và khủng bố của đất nước, theo tường thuật của Bloomberg ngày 12.4.
Ông Khairul cho hay nhân vật nói trên là một trong tám thành viên của nhóm tự xưng là những người thừa kế của hoàng tộc Vương quốc Hồi giáo Sulu (Hồi quốc Sulu) trước đây. Những người này hiện là công dân của Philippines.
Họ là bên nguyên trong một vụ kiện thách thức chính phủ Malaysia, xoay quanh một thỏa thuận đất đai thời thuộc địa liên quan đến bang Sabah của nước này. Một tòa trọng tài của Pháp hồi tháng 2.2022 đã yêu cầu Kuala Lumpur trả số tiền tương đương 14,2 tỉ USD cho nhóm trên để giải quyết tranh chấp. Song sau đó, tòa phúc thẩm ở Paris đã cho tạm dừng việc thực thi phán quyết, sau khi nhận thấy rằng việc này có thể xâm phạm chủ quyền Malaysia.
Ông Khairul cho biết cách tiếp cận giờ đây “chủ động tấn công” chống lại yêu sách của những người thừa kế Sulu. Cách tiếp cận trước đây của Kuala Lumpur là “chữa cháy”, theo vị quan chức.
Ông cũng tiết lộ Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Saifuddin Nasution bin Ismail cũng sẽ có chuyến công tác tại bốn quốc gia - Pháp, Tây Ban Nha, Luxembourg và Hà Lan - liên quan đến vụ kiện trọng tài.
Hồi quốc Sulu tồn tại từ năm 1405 đến năm 1915. Nhà nước này từng cai trị quần đảo Sulu, một phần đảo Mindanao và đảo Palawan thuộc Philippines ngày nay, cũng như một phần khu vực ngày nay là bang Sabah của Malaysia, hai tỉnh Bắc và Đông Kalimantan của Indonesia nằm trên đảo Borneo.
Năm 1878, sultan Jamal Al Alam của Hồi quốc Sulu đã ký kết thỏa thuận cho phép một công ty thương mại của Anh khai thác tài nguyên bên trong lãnh thổ do vương quốc này kiểm soát, bao gồm cả khu vực ngày nay là bang Sabah, một vùng đất giàu dầu mỏ nằm ở mũi phía bắc của đảo Borneo.
Malaysia đã tiếp quản thỏa thuận này sau khi giành độc lập từ Anh và hàng năm trả một khoản tiền rất nhỏ cho hậu duệ hoàng tộc Hồi quốc Sulu thông qua chính phủ Philippines. Song việc chi trả đã dừng lại vào năm 2013, khi Malaysia cho rằng không ai khác có quyền đối với Sabah, một phần lãnh thổ của nước này, từ đó dẫn đến vụ kiện.
Bình luận (0)