Mâm cơm chiều cuối năm: 'Mùi tết đậm đặc' trước khoảnh khắc giao thừa

31/01/2022 18:30 GMT+7

Hai chị em tôi xách giỏ đi chợ sáng 29 tết. Bên cạnh hoa, trái cây, chị mua một bó mùi già. Đến chiều, mẹ nấu xôi, luộc gà, một bên bếp thì nồi nước mùi già sôi sùng sục. Hương tết quyện bay khắp không gian.

Trong sáng 29 tết, ai cũng hối hả mua hàng để mau về với gia đình trong bữa cơm chiều cuối năm

BẢO VY

Tết Nhâm Dần 2022 là một cái tết đặc biệt với những người con tha hương như chúng tôi. Trước tết, mẹ đã gọi điện dặn đi dặn lại rằng, nhất định không được mua quần áo, bánh trái gì về biếu. Trải qua một năm lao đao vì dịch bệnh ở những "vùng đỏ quạch" nơi xứ người, chúng tôi đã bình an, lành lặn trở về quê với cha mẹ, anh chị em ruột thịt. Đó là những món quà tết lớn lao nhất.

Chợ tết ngày cuối năm nhộn nhịp, huyên náo, ai cũng hối hả và vội vã. Tiết trời lạnh 12 độ C và mưa phùn lất phất bay. Người bán đào, quất líu ríu đứng ra mời khách. Chợ chỉ bán đến trưa, dù đắt dù rẻ ai cũng muốn bán cho hết hàng rồi dọn dẹp để trở về nhà nấu nướng và cúng kiếng. Cái không khí ấy, nhịp điệu ấy sẽ chẳng thể nào bắt gặp được ở bất kỳ ngày nào trong năm.

Những sắc màu rực rỡ trong phiên chợ cuối năm

BẢO VY

Mua gì thì mua, chẳng ai quên một bó mùi già

BẢO VY

Chúng tôi nấu xôi, gói chả nem (chả giò), luộc gà, nấu canh măng miến và làm một số món ăn nhẹ khác cho bữa cơm tất niên. Dù siêu thị có mở cửa trừ ngày mùng 1 tết đi chăng nữa thì trong nhà bao năm vẫn tự làm tất cả các món ấy. Bố lo luộc nồi bánh chưng để cúng gia tiên và biếu họ hàng.

Mẹ "chỉ đạo" nấu món gì trước, sắp mâm trái cây ra sao. Anh trai trồng những chậu cây hoa cúc mới mua, cắm cho cành đào, cây quất thật đẹp. Hai chị em tôi tíu tít nấu nướng. Các cháu chạy nhảy, múa hát trong nhà. Cái lạnh buốt da ở bên ngoài chẳng ăn thua gì.

Bánh chưng đã sẵn sàng

BẢO VY

Hoa đào đã hé những bông hoa đầu tiên

BẢO VY

Khi nồi nước mùi già của mẹ sôi sùng sục, mùi hương lan tỏa khắp không gian. Mùi của tết đậm đà, đầy mê hoặc như thế. Mẹ nói dù bận bịu thế nào thì nấu xong mâm cơm tất niên cũng phải tắm nước lá mùi già để xua đi những muộn phiền, không may của năm cũ, chờ đón giao thừa, bắt đầu một năm mới với những hy vọng mới.

Vì sao mâm cơm chiều cuối năm, trước giao thừa trở thành thời khắc ai cũng mong chờ và được diễn ra với đầy đủ những thủ tục truyền thống như thế? Mâm cơm ấy có những gì đặc biệt, có mùi hương gì "đậm đặc", để trở thành mâm cơm khác biệt nhất trong những ngày còn lại của năm?

Tôi nghĩ rằng, đó chính là sự gắn kết gia đình. Là tình yêu thương dành cho mảnh đất của mình đã được nuôi dưỡng để khôn lớn. Là sự bao dung để xóa bỏ đi những lỗi lầm, những tổn thương. Là để người ta nhìn lại những vướng mắc, khó khăn của năm cũ và nhìn về năm mới với những niềm tin mới. Những điều ấy khiến Tết Nguyên đán luôn vững bền trong truyền thống của người Việt, không thể thay thế.

Mâm cơm chiều 29 tết với đầy đủ mùi hương của món ăn và cả tình yêu thương

BẢO VY

Mâm cơm chiều cuối năm của chúng tôi cũng bao gồm những món như bao cái tết khác, ở trong ngôi nhà này, ở miền quê này, nơi tôi sinh ra, đi học, trở thành một người biết ước vọng. Nhưng chúng tôi đang ở cùng nhau trong những khoảnh khắc không bao giờ giống nhau.

Năm nay tôi thấy chân mẹ đau nhiều hơn, bước đi đã chậm hơn, thấy các cháu đã khôn lớn hơn. Năm nay chúng tôi thấy mình cũng đã trưởng thành hơn, sau hơn một năm dài, rất dài, đi qua những thử thách khắc nghiệt của dịch bệnh.

Với mâm cơm chiều trước khoảnh khắc giao thừa, chúng tôi rưng rưng hiểu rằng, những khoảng thời gian mình còn được ở bên cha mẹ ngắn lại. Mùi bánh chưng xanh thơm ngát. Mùi nhang trầm bâng khuâng. Mùi yêu thương về quanh đây. Những "mùi tết đậm đặc" này rồi sẽ theo chúng tôi tới suốt cuộc đời...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.