Mặn nồng cá bống kho tiêu

08/12/2020 20:36 GMT+7

Mỗi lần về thăm nhà, được nửa đường đi là tôi đã bần thần nghĩ tới bữa cơm quê với món cá bống kho tiêu thơm nức mũi.

Tôi lớn lên bên bờ sông Trà (Quảng Ngãi), nhờ con cá, cọng rau, hũ mắm quê nhà mẹ chăm cho. Giờ sống trên phố dư ăn dư mặc, những bữa tiệc cầu kỳ không xóa nổi trong tôi những món quê thuần túy. Mẹ giờ già yếu rồi, hay ngồi tựa cửa nhìn ra ngõ nhưng vẫn nhớ tính nết ăn uống của thằng con. “Kiếm cá bống kho tiêu cho anh mày. Nó ghiền món này từ hồi nhỏ”, mẹ nói với em gái.
Tự nhiên nhớ bà chị sinh con thời bao cấp thiếu thốn mọi bề. Vậy mà cá bống kho tiêu đã giúp chị ăn một cách ngon lành những bữa củ lang, củ mì “ghé cơm”. Khi chùm dứa treo góc hiên nhà đã héo, chị bồng con ra ngõ đứng chơi. Ai cũng khen chị trắng da dài tóc. Và chị nói một câu... nổi tiếng: “Có cá bống kho tiêu, tui không sợ đẻ”.
“A lô! Dạ. Ship tới nhà em một ký cá bống rột rẹt nghen. Làm ơn nhanh nhanh, ông anh Sài Gòn mới về”, em gái điện thoại. Nó nói bây giờ cái gì cũng “ship” hết anh, tiện lắm. Tôi không ngạc nhiên chuyện ship, chỉ ngạc nhiên về cái tên cá lạ quá. Xưa giờ tôi chỉ biết vài loại cá bống quen thuộc như cá bống trắng, cá bống đen, cá bống cát, cá bống trứng. Chưa nghe cá bống “rột rẹt” bao giờ nên thắc mắc.
Em tròn mắt nhìn tôi, giải thích cá bống rột rẹt là cá bống còn sống, quẫy rột rẹt trong thau. Vậy kho mới ngon. Cá chết xuội lơ như cờ không gió thì có kho kỹ cỡ nào cái ngon cũng giảm.
Nồi cá bống kho tiêu quả là một... tác phẩm nghệ thuật. Chiều đó em sai vặt tôi đủ thứ nhưng tôi vui vì được làm “đồng tác giả”. Em xát muối vào cá để xả nhớt, đánh vảy từng con cá rồi rửa sạch. Theo “chỉ đạo” của em, tôi lột hành, tỏi, củ riềng, băm thật nhỏ rồi lui cui chuẩn bị hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu, đường. Tôi ướp những thứ này vào mớ cá bống đã ráo nước.
Có một thứ đứng ngoài gia vị, không tham gia vào việc ướp cá nhưng rất cần thiết. Đó là... thời gian. Phải “ném” vào đó ít nhất một giờ thì gia vị mới thẩm thấu vào từng ngóc ngách của con cá. Tôi chầm chậm trộn đều gia vị, lẩm nhẩm đọc từng thứ một với ý nghĩ là phải “ăn cắp” công thức này để về phố biểu diễn kho cá bống cho vợ lác mắt chơi.
Em bắc nồi lên bếp. Trong nồi có một ít nước và đường cát. Em giải thích hai thứ này là để tạo màu nền cho nồi cá. Lửa nhỏ liu riu chút xíu thì đường tan, ngả sang màu vàng sẫm, thứ màu vàng dịu, tạo cảm xúc cho đôi mắt. Em tắt bếp để trút cá vào nồi. Nói là trút chứ thật ra là nhẹ nhàng gạt từng nhúm cá, thậm chí dùng đũa xếp cá, không để con nào phải cong queo.
Như muốn tạo điều kiện để tôi lập công, em để phần tôi công đoạn rưới dầu ăn vô nồi. Tưởng rưới dầu dễ lắm. Té ra không phải. Em dặn phải rưới dầu theo đường tròn cách đều từ mép nồi vào giữa. Rưới vậy dầu mới loang khắp nồi. Chứ trút dầu một chỗ rồi dùng đũa xáo thì không nên, vì khi nấu, nhiều con cá sẽ bị gãy.
Nhỏ lửa. Mặt nồi sủi bọt li ti. Mùi thơm quẩn quanh gian bếp báo hiệu cá đã chín. Tiết trời cuối năm lành lạnh, thật dễ chịu đối với tôi - một “thằng già” về từ thành phố 32 độ C. Nồi cá bống “cố tri” đã tặng tôi vị mặn ngọt cay nồng quen thuộc. Bữa cơm quê điểm thêm chút rau muống luộc chấm với nước mắm nhĩ dằm ớt. Tâm hồn ăn uống của tôi hân hoan lắm. Khi đứng dậy rời mâm, tôi thỏa mãn xoa bụng nói với mẹ và em gái như một kẻ... sống để mà ăn: “Ui chà! Đã quá bống ơi! Về vậy mới về”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.