Đêm chung kết Miss Grand Vietnam 2023 đã khép lại với chiến thắng đầy thuyết phục của Lê Hoàng Phương. 4 vị trí á hậu lần lượt thuộc về Bùi Khánh Linh (Bắc Giang), Trương Quý Minh Nhàn (Thừa Thiên - Huế), Lê Thị Hồng Hạnh (Thái Bình) và Đặng Hoàng Tâm Như (Thừa Thiên - Huế).
Trước khi đăng quang Miss Grand Vietnam 2023, Lê Hoàng Phương từng gây tiếc nuối khi dừng chân tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2019 (top 10) và năm 2022 (top 5). Ngoài nhan sắc rực rỡ, tân hoa hậu còn để lại ấn tượng bởi màn thuyết trình, trả lời ứng xử sâu sắc.
Nhận thức về sự khác biệt...
Trong phần thi thuyết trình về hòa bình ở top 10, Lê Hoàng Phương nói: “Xin phép cho tôi hỏi 1 câu: Mâu thuẫn chiến tranh bắt nguồn từ đâu?. Trong cuộc sống vốn dĩ chúng ta đều có xuất phát điểm, những câu chuyện và môi trường phát triển khác nhau. Vì thế hình thành sự khác biệt về quan điểm, tư duy và góc nhìn là điều tất yếu. Và xung đột được hình thành chính từ sự khác biệt ở trong gia đình, môi trường đang học hoặc cộng đồng mà chúng ta đang xây dựng... Và với tôi hòa bình là tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu và cảm thông”.
Hoàng Phương nói tiếp: “Phải tôn trọng sự khác biệt thì chúng ta mới có đủ sự kiên nhẫn để nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan… Đằng sau nỗi buồn, sự bất mãn có thể là những câu chuyện và thậm chí là nỗi đau. Và chỉ có yêu thương thì chúng ta mới có đủ dung lượng trái tim để thấu hiểu và tha thứ những lỗi lầm của người khác. Đối với tôi tôn trọng sự khác biệt, tích cực thấu hiểu và yêu thương chính là chìa khóa của trái tim hòa bình trong mỗi chúng ta và toàn nhân loại”.
Vỗ tay không ngừng sau phần trả lời của Lê Hoàng Phương, anh Nguyễn Hồ Anh Tuấn (31 tuổi) ngụ tại 43 Hoàng Hoa Thám, P.7, Q.Bình Thạnh, TP,HCM, cho biết: “Mình thấy đây là một phần thuyết trình hay và đầy cảm xúc. Ở Phương toát lên khí chất của người từng trải, có kiến thức và chia sẻ bằng trái tim. Khái niệm hòa bình đôi khi chỉ cần được hiểu là sự chung sống hòa nhã giữa những mối quan hệ trong đời sống. Mỗi người đều tôn trọng, bảo vệ, không bao giờ lên án, chê trách người khác khi họ suy nghĩ và hành động không giống mình. Phương xứng đáng là hoa hậu”.
Đồng quan điểm với anh Tuấn, Lữ Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), cho biết yêu thích phần thuyết trình của Hoàng Phương vì toát lên vẻ tự nhiên, nói bằng sự cảm nhận cá nhân với vấn đề của đời sống chứ không sách vở, thuộc lòng. Theo Tuấn Anh, từ khóa “tôn trọng sự khác biệt” trong phần thuyết trình của tân hoa hậu được sinh viên này áp dụng rất nhiều trong đời sống.
Trẻ em là tấm gương phản chiếu của cha mẹ
Ở phần ứng xử trong top 5 để chọn ra hoa hậu, Lê Hoàng Phương trả lời câu hỏi với nội dung: “Theo bạn một đứa trẻ trong quá trình hoàn thiện bản thân để lớn lên khi sống trong gia đình của mình, đứa trẻ ấy cần những điều gì?”.
Hoàng Phương tự tin trả lời: “Đối với mình, trẻ em là tấm gương phản chiếu của cha mẹ và hành vi cư xử của phụ huynh sẽ được thể hiện bởi những thế hệ nối tiếp. Nhưng có thực trạng đáng buồn rằng hiện nay vài bậc cha mẹ không tiếc những bình luận tiêu cực đến các đối tượng bằng tuổi con của mình. Và đây là vấn đề mà người lớn chúng ta cần phải nhìn nhận. Sẽ như thế nào nếu con của chúng ta cũng bị đối xử như vậy và tệ hơn là chúng cũng học cách làm tổn thương người khác… Điều để đứa trẻ phát triển tốt nhất chính là người lớn hãy xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, thấu hiểu, kỷ luật và đạo đức”.
Đồng cảm với câu trả lời của tân hoa hậu, Lâm Thế Duy, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết sau khi nghe Hoàng Phương ứng xử thì biết chắc cô gái này sẽ đăng quang. Theo Duy phần thể hiện này đúng trọng tâm, đưa ra được thực trạng và hướng giải quyết.
Tỏ ra phấn khích khi Hoàng Phương ứng xử, Nguyễn Ngọc Thanh Trúc, ngụ tại 159 Phan Văn Trị, P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “Một số thí sinh khác khi nhận được câu hỏi thường diễn dãi trả lời dài dòng dẫn đến lạc đề, không đi sâu vào trọng tâm. Nhưng với Phương, mình thấy cô gái này nắm bắt vấn đề nhanh, trả lời ngắn gọn, xúc tích và có cảm xúc”.
Bình luận (0)