Mặn xâm nhập đe dọa lúa hè thu

Mạnh Cường
Mạnh Cường
23/05/2019 07:38 GMT+7

Nước sông nhiễm mặn xâm nhập đồng ruộng, khiến hàng trăm héc ta đất lúa của người dân Quảng Nam chưa thể canh tác vụ mới (hè thu) và đối diện nguy cơ bỏ hoang.

Nhiễm mặn kỷ lục

Nước nhiễm mặn cá tự nhiên trên sông còn chết chứ huống gì cây lúa. Vừa rồi, gia đình tôi cùng nhiều hộ khác trong thôn gieo sạ xuống nhưng chỉ một thời gian lúa không chịu được, chết hết. Giờ chỉ biết phụ thuộc vào trời, chờ có mưa thì mới sạ lại được thôi
Ông Trương Công Mỹ, người trồng lúa ở thôn Mỹ Cang (xã Tam Thăng)
Từ sau Tết Nguyên đán, tại Quảng Nam rất ít mưa cộng với nắng nóng kéo dài, nước biển xâm nhập các con sông… đã gây nhiễm mặn nặng. Những năm trước đây, mặn cũng chỉ xâm nhập với nồng độ thấp thì năm nay tại sông Bàn Thạch (TP.Tam Kỳ) nồng độ mà các cơ quan chức năng đo được lên đến 5%0, cao nhất từ trước đến nay. Tình trạng này không chỉ khiến người nuôi cá lồng bè lao đao (Thanh Niên đã phản ánh), mà nông dân canh tác lúa cũng chịu ảnh hưởng rất lớn khi phụ thuộc nguồn nước tưới từ các con sông.
Ông Ung Nho Thư (61 tuổi, ở xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết gia đình làm 2 sào lúa đã nhiều năm, nhưng chưa bao giờ thấy nước mặn xâm nhập mạnh và sớm như năm nay. Những năm trước, vào thời điểm này, gia đình ông đã có thể làm đất để canh tác vụ hè thu, riêng năm nay thì chưa thể xuống giống. “Muốn sản xuất lúa hè thu thì phải chờ mưa xuống để giảm bớt mặn. Nắng nóng còn kéo dài như thế này, sẽ không làm gì được và nhiều chân ruộng có nguy cơ bỏ hoang”, ông Thư nói.
Lâu nay, để phòng diện tích lúa bị nhiễm mặn, chính quyền TP.Tam Kỳ thường cho đắp đập ngăn mặn ở đầu nguồn dẫn nước vào đồng ruộng. Tuy nhiên, năm nay mặn xâm nhập quá sớm, trước cả khi địa phương đắp đập nên rất nhiều diện tích đã bị mặn xâm nhập, chưa thể khắc phục được. “Nước nhiễm mặn cá tự nhiên trên sông còn chết chứ huống gì cây lúa. Vừa rồi, gia đình tôi cùng nhiều hộ khác trong thôn gieo sạ xuống nhưng chỉ một thời gian lúa không chịu được, chết hết. Giờ chỉ biết phụ thuộc vào trời, chờ có mưa thì mới sạ lại được thôi”, ông Trương Công Mỹ, 55 tuổi, một người trồng lúa ở thôn Mỹ Cang (xã Tam Thăng), lo lắng.
Mặn xâm nhập đe dọa lúa hè thu
Đập ngăn mặn vừa được đắp xong

Nguy cơ bỏ hoang đất lúa

Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, mặn xâm nhập ảnh hưởng đến hơn 500 ha đất lúa của người dân các xã vùng đông gồm Tam Thăng, Tam Phú, An Phú. Ông Bùi Ngọc Huy, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, cho biết năm nay mặn xâm nhập sớm hơn, có một lượng nước mặn đã vào bên trong đồng ruộng. Hiện các địa phương đang thống kê, báo cáo cụ thể diện tích bị nhiễm mặn. Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cũng họp gấp với các tổ thủy lợi, để cùng các trạm bơm sử dụng máy đo để theo dõi, nếu nước nhiễm mặn sẽ không bơm tưới.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Châu Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, cho biết nước sông Bàn Thạch bị xâm nhập mặn thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất của bà con nông dân, vì diện tích lúa canh tác phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông Bàn Thạch. Hiện nay toàn bộ diện tích lúa của người dân trên địa bàn chưa thể xuống giống vì nước ruộng bị nhiễm mặm ở mức 2%0. “Giờ chỉ phụ thuộc vào mưa và hồ Phú Ninh xả nước thì mới hy vọng đẩy nước mặn xuống, chứ hiện tại không có biện pháp nào khác. Việc xây đập ngăn mặn cũng chỉ giải quyết được cánh đồng Chiêm Đồng thôi, còn diện tích ở khu vực khác thì không được. Sắp tới độ mặn không hạ thì gần 300 ha lúa của người dân trên địa bàn có nguy cơ bỏ hoang”, ông Phong nhận định.
Đáng chú ý, có một “yếu tố kỹ thuật” góp phần khiến mặn xâm nhập sớm vào đồng ruộng vùng đông Tam Kỳ, đó là do công trình đập ngăn mặn được… đắp trễ. Hiện tại, đập ngăn mặn ở địa phận thôn Trà Cang (xã Tam Phú) đã hoàn thành, nhưng theo phản ánh của một số địa phương, công trình này “chậm” (do thiếu vốn) khoảng 1 tuần so với thời điểm mặn xâm nhập.

Quảng Nam, Đà Nẵng kiến nghị phát điện luân phiên

Ngày 22.5, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết trước tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn vào sâu trong các con sông, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng gửi công văn kiến nghị Bộ TN-MT về một số biện pháp khắc phục. Theo đó, 2 địa phương đề nghị Bộ TN-MT can thiệp với chủ đầu tư, đơn vị quản lý các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn điều tiết xả nước luân phiên để phát điện nhằm đảm bảo yêu cầu hoạt động kinh doanh, đáp ứng việc sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng.
Tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo các hồ chứa thủy lợi có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ưu tiên giải quyết và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực.
Hữu Trà
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.