Sản lượng thấp, thu nhập kém nên người lớn bỏ nghề, người trẻ không muốn theo gây ra việc nhân công khan, thiếu. Không có người làm sẽ không có sản phẩm. Người làm không có tay nghề, không chuyên chú chất lượng sản phẩm sẽ kém, khó tiêu thụ. Nghề dệt thổ cẩm ở các làng nghề nói chung và ở làng Teng, Ba Tơ, Quảng Ngãi vì thế mà mai một.
Khó khăn trăm bề nhưng vì thích, vì đã quyết tâm bỏ mọi thứ đã học để về với làng, về làm lại nghề dệt thổ cẩm của cha ông xưa kia nên Y Hòa (nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Teng, Ba Tơ, Quảng Ngãi) phải tìm cách tồn tại.
Chia sẻ với phóng viên, Y Hòa nói: "5 năm sau ngày ra trường em quyết định bỏ cả nghề Y lẫn nghề mầm non - những nghề mà em đã rất dày công theo học, trong thời gian dài để về... làng Teng - nơi em sinh ra. Đây là cái nôi của nghề dệt người H're xứ Quảng. Lúc này người làng trụ lại với nghề không nhiều. Đầu ra sản phẩm bấp bênh, ổn định tài chính cuộc sống bằng nghề dệt thủ công là không khả thi. Thế nhưng em không nản. Em nghĩ khó đến mấy cũng làm được miễn sao kiên trì và thực tế".
"Thực tế ở chỗ sản phẩm thời trang dân tộc đẹp, đậm đà bản sắc nhưng không phù hợp với văn phòng, hội họp, vui chơi giải trí hiện đại. Nếu cứ theo lối cũ lặp lại các mẫu váy, áo, khăn, khố cổ... sẽ kén khách. Muốn tồn tại thì phải đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài thời trang em làm thêm cả khăn trải bàn, túi, ví... Cái gì xã hội cần thì làng nghề chúng em sẽ tìm cách làm...", Y Hòa nhận xét.
"Vừa làm vừa học nhưng không phải là học làm nghề dệt - thứ nghề mà đã ăn vào "máu" từng người dân, từng đôi bàn tay người H're ở làng Teng rồi mà là học cách giới thiệu sản phẩm, học cách bán sản phẩm, học cách đưa sản phẩm đến với những người yêu thích nó, cần nó...", cô chia sẻ.
"Thổ cẩm Việt Nam rất đẹp, thổ cẩm của người H're rất độc đáo. Khách nước ngoài rất thích. Em được nghe nhận xét như thế rất nhiều. Thế nhưng, em cũng nhận ra rằng để kết nối với thời trang quốc tế thì đừng… "thương" cái cũ nhiều quá. Đừng cứ "loanh quanh" với những mô típ cổ mà quên đi nhu cầu của cuộc sống thường ngày. Mình chỉ nên giữ những yếu tố bản thể để nhấn mạnh tính kế thừa, sự xuyên suốt của văn hóa quê hương, còn thì cải tiến để phù hợp với thẩm mỹ hiện tại", Y Hòa nói tiếp.
Đưa thổ cẩm vào cuộc sống hiện đại bằng cách làm ra những sản phẩm dùng được hằng ngày như váy áo sự kiện, dạo phố, đồng phục... Đó là cách để Y Hòa "tồn tại"
"Sự độc đáo của hoa văn, họa tiết thổ cẩm rất cần giữ - để vẻ đẹp của trang phục người H're ở Teng được giới thiệu đủ đầy. Đó như là lời giới thiệu về vùng Ba Tơ, đất Quảng. Còn lại thì nên cách tân, từ kiểu cách, phom dáng đến phối kết... Cách tân để tiện dụng cho người mặc, gần gũi hơn với số đông", cô giải thích.
Người H're làng Teng, Ba Tơ có cách dệt thổ cẩm khác biệt so với nhiều dân tộc. Họ dệt theo cách thức cổ truyền In-đo-nê-diêng - sử dụng bộ công cụ là những que, thanh, ống rời nhau làm bằng gỗ, tre, vừa dệt vừa cài hoa văn trực tiếp (thay vì thêu chỉ lên mặt vải). Kỹ thuật dệt cài hoa văn trực tiếp trên nền vải cho phép người dệt không phải tuân thủ theo các mẫu, loại, khuôn khổ định trước, có sẵn mà được thỏa sức sáng tạo theo thẩm mỹ, trí tưởng tượng và sở thích cá nhân.
Người H're quan niệm đỏ là tượng trưng cho thần linh, đen, trắng là tượng trưng cho đất, nước. Thế nên dễ thấy các gam màu này chủ đạo trên trang phục của họ
Ngắm một tấm vải thổ cẩm của người làng Teng là ngắm một bức họa của người nghệ nhân làng nghề. Ở đó có cuộc sống sinh hoạt sôi động, phong phú thường ngày của họ thông qua các họa tiết chim muông, thú rừng, hoa, lá, sông, suối... Ở đó cũng có những câu chuyện văn hóa sâu sắc thông qua các gam màu mà người H're làng Teng đan cài vào.
Dù làm theo cách của cha ông xưa thì Y Hòa vẫn học quy trình sản xuất của thời trang hiện đại để sản phẩm đạt thẩm mỹ, ví dụ như vẽ phác thảo trước khi sản xuất
Sáng tạo trong mẫu mã, chỉn chu trong sản xuất, chịu khó làm mới sản phẩm nên vải dệt, các món đồ của Y Hòa thường xuyên được UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi và nhiều đơn vị công, tư nhân đặt, lựa chọn làm quà tặng ngoại giao, mang đi nước ngoài giới thiệu về văn hóa, thời trang Việt Nam.
Cùng với sự nỗ lực của các nghệ nhân là sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, đơn vị giúp cho sản phẩm làng nghề "đi xa" hơn - vang danh ra thị trường quốc tế
Nhiều nhà thiết kế nổi tiếng như NTK Lý Quý Khánh, thương hiệu thời trang Chu La… cũng ấn tượng, tin tưởng, liên hệ đặt Y Hòa cung cấp thổ cẩm cho các bộ sưu tập trong các show diễn của họ ở nước ngoài. Từ chỗ sản phẩm của một làng nghề đang bị mai một, thổ cẩm làng Teng của Y Hòa đã vươn ra thế giới, xuất hiện trên các sàn diễn thời trang lớn một cách nhanh chóng và chinh phục khách hàng quốc tế.
Giá thành cao, kén người mặc, không tiện sử dụng... và cả vấn đề nhân công khan, thiếu, thu nhập bấp bênh đang là vấn đề chung lớn của các làng nghề thời trang Việt Nam. Đó thách thức những người làm thủ công - những người đam mê, theo đuổi các sản phẩm, cách thức sản xuất thời trang truyền thống xoay xở tìm kiếm các giải pháp tồn tại.
Đổi mới cái cũ bằng cách cách tân sản phẩm truyền thống, vừa hiện đại hóa kiểu dáng trang phục vừa gìn giữ họa tiết, hoa văn, mẫu mã cổ như cách mà Y Hòa đang làm là giải pháp thực tế, hữu dụng, đáng để các nghệ nhân, làng nghề thời trang khác tham khảo.
Ảnh: NVCC