Mạnh dạn cách ly F0 nhẹ và F1 tại nhà

07/11/2021 06:06 GMT+7

Trước xu hướng gia tăng các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương mạnh dạn áp dụng việc cách ly điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà, cách ly F1 tại nhà.

Đó là một trong các đề nghị mà Bộ Y tế vừa đưa ra khi điều chỉnh một số biện pháp cơ bản liên quan công tác phòng chống dịch bệnh để thích ứng an toàn với trạng thái bình thường mới theo tinh thần Nghị quyết 128 ngày 11.10 của Chính phủ.

Bản tin Covid-19 ngày 6.11: Cả nước thêm 7.491 ca nhiễm mới | F0 cộng đồng vẫn chưa thuyên giảm

Ngày 6.11, cả nước ghi nhận 7.480 ca mắc Covid-19 trong nước (giảm 7 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, TP. Trong số mắc mới có 3.108 ca trong cộng đồng. So với thời điểm cuối tháng 10, số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng tăng (các ngày 28 - 29.10 ghi nhận khoảng 2.000 - 2.300 ca trong cộng đồng). Theo thống kê của Bộ Y tế, cùng với ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, số người có yếu tố nguy cơ, người liên quan các ca F0, ổ dịch được truy vết cũng tăng.

Bộ Y tế nhận định khu vực miền Nam tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát. Tuy vậy, trong tuần qua ghi nhận xu hướng tăng ca mắc trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, TP do các tỉnh, TP đã cơ bản dừng việc giãn cách xã hội, người dân di chuyển từ địa phương này qua địa phương khác tăng cao. Trong khi đó, mầm bệnh vẫn còn lưu hành trong cộng đồng nên tiếp tục phát sinh các ổ dịch mới. Khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây nguyên, số mắc mới trong cộng đồng tuần qua ghi nhận cũng tăng tại nhiều địa phương, chủ yếu do số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các tỉnh thuộc khu vực phía nam.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch với mục tiêu không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

Đáng lưu ý, trước xu hướng gia tăng các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các địa phương mạnh dạn áp dụng việc cách ly điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà, cách ly F1 tại nhà. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức cho học sinh đi học trở lại theo lộ trình phù hợp đối với các khu vực đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Cán bộ y tế TP.Bạc Liêu đến hộ dân lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát dịch bệnh Covid-19

Trần Thanh Phong

Miền Tây dồn sức điều trị F0

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, An Giang ghi nhận 8.020 ca mắc Covid-19; trong đó riêng ngày 5.11 ghi nhận đến 491 ca, cao kỷ lục kể từ khi bùng phát dịch. Do tình dịch Covid-19 phức tạp nên chiều 5.11, Sở Y tế tỉnh An Giang quyết định nâng mức độ dịch Covid-19 toàn tỉnh từ cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao). Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang, cho biết tỉnh đã chuẩn bị khoảng 5.000 giường để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 và đang điều trị cho hơn 4.000 người. Trước tình trạng số F0 tăng nhanh, tỉnh đang khẩn trương xây dựng khu điều trị 1.000 giường và dự kiến đưa vào hoạt động tuần tới.

“Cùng với việc cho F0 không có triệu chứng điều trị tại nhà, tăng thêm số giường bệnh thu dung F0 có triệu chứng và các trang thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh Covid-19, An Giang cũng tiến hành xét nghiệm để tầm soát F0 đối với nhóm có nguy cơ cao như lái xe, giao hàng, buôn bán ở chợ…”, ông Hiền cho biết thêm.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân, An Giang cũng đã yêu cầu người dân không được ra đường từ 20 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Đặc biệt, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm 5K nơi công cộng. Chỉ trong 2 ngày 4 - 5.11, lực lượng chức năng tỉnh An Giang xử phạt 68 trường hợp vi phạm về không đeo khẩu trang nơi công cộng, ra ngoài không cần thiết..., nâng tổng số trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch tại An Giang lên 162.613 người, với tổng số tiền xử phạt hơn 10,4 tỉ đồng. An Giang cũng đã ra thông báo yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng, đường bộ, đường thủy nội địa nhằm đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 7.11. Riêng tại TP.Long Xuyên, các cửa hàng bán ăn uống chỉ được bán mang về.

Covid-19 sáng 7.11: 961.038 ca nhiễm, 839.101 ca khỏi | Lên kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 tuổi

Tại Bạc Liêu, sáng 6.11 trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 265 ca dương tính Covid-19, trong bối cảnh tiêm vắc xin mũi 1 đạt hơn 77%, tiêm đủ 2 mũi đạt hơn 20%. Hiện TX.Gia Rai được coi là “điểm nóng” lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng ở tỉnh Bạc Liêu với nhiều ổ dịch phát sinh.

Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đã tăng cường y bác sĩ đến Bạc Liêu hỗ trợ. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… cũng đã hỗ trợ cho tỉnh nhiều trang thiết bị y tế để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bạc Liêu còn đề nghị Quân khu 9 chi viện thêm y bác sĩ về trợ giúp; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị y tế giúp tỉnh phòng chống dịch bệnh kịp thời. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định tăng số lượng giường bệnh điều trị Covid-19.

Lập chốt kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các cửa ngõ ra vào TP.Phan Thiết

Quế Hà

Vùng đông nam bộ trong tầm kiểm soát

Sau khi Đồng Nai thực hiện “bình thường mới” (9.10), các hoạt động sản xuất được phép mở cửa trở lại cũng là lúc số ca F0 trong cộng đồng tăng cao. Chủ yếu lây nhiễm từ các doanh nghiệp ra ngoài (công nhân được đi làm về hằng ngày), dẫn đến số ca trong khu cách ly, khu phong tỏa cũng tăng theo. Theo số liệu của Sở Y tế Đồng Nai, từ 9.10 đến nay, mỗi ngày Đồng Nai ghi nhận hàng trăm ca F0. Đặc biệt trong 1 tuần gần đây, F0 luôn nằm mức hơn 900 ca và ngày 5.11 đã bước sang con số 1.084.

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết trên địa bàn đã phủ vắc xin Covid-19 mũi 1 hết cho người dân trên 18 tuổi, hiện mũi 2 đã đạt tỷ lệ hơn 73%. “Những ngày qua, F0 tuy vẫn cao nhưng số ca có triệu chứng nặng phải nhập viện và tử vong rất thấp nên không đáng ngại”, bác sĩ Vũ cho hay. Về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, từ ngày 5.11, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà; đồng thời cũng ban hành kế hoạch thí điểm cho học sinh trở lại trường từ 22.11 (chi tiết xem trên thanhnien.vn).

Trong khi đó, chiều 6.11, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết các ca Covid-19 ghi nhận trên địa bàn (đã ghi nhận trên 237.000 ca Covid-19, trong đó trên 90% đã được điều trị khỏi) trong những ngày qua tăng nhẹ trở lại, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Theo ông Chương, có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do người dân không thực hiện đúng các biện pháp phòng dịch 5K; các điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, quán ăn, các chợ truyền thống, siêu thị… mở cửa trở lại; việc khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh… Tuy nhiên, ông Chương nhận định do đã được tiêm vắc xin nên tốc độ lây lan của Covid-19 trên địa bàn diễn ra chậm và tăng nhẹ.

Ngoài ra, ông Chương cho biết Bình Dương tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát dịch đang thực hiện như xét nghiệm định kỳ, mở rộng thêm các trạm y tế lưu động trong và ngoài khu công nghiệp, cho F0 tự cách ly điều trị tại nhà và đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở y tế, kiểm soát và giảm thiểu tử vong.

Còn tại Bình Thuận, hiện cấp độ dịch hiện nay có TP.Phan Thiết và H.Hàm Thuận Bắc xếp vùng đỏ. Theo đó, TP.Phan Thiết dừng mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán (trừ một số lĩnh vực thiết yếu), cấm tụ tập đông người…

Phía bắc tăng cường kiểm soát

Ngày 6.11, TP.Hà Nội chỉ ghi nhận 93 ca mắc mới, với 54 ca cộng đồng, giảm nhiệt hơn so với 2 ngày liền kề trước đó. Dù số ca trong hơn 1 tuần qua tăng nhanh, song UBND TP.Hà Nội ra thông báo cho biết vẫn duy trì mức 2 về dịch Covid-19 ở nguy cơ trung bình - màu vàng.

Trong khi đó, trước tình trạng nhiều địa phương “chuyển màu” vùng dịch, Quảng Ninh lập chốt kiểm soát ra vào TP.Hạ Long. Nhận định tình hình diễn biến dịch với F0 sẽ còn tăng cao, Quảng Ninh đã huy động 500 nhân viên y tế tham gia công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Theo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, trong ngày 6.11, toàn tỉnh ghi nhận thêm 71 ca mắc Covid-19; trong đó phần lớn là các F1 trong khu vực đã cách ly, phong tỏa. Tính từ 14.10 tới nay, Phú Thọ đã ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh. Trong đó, riêng TP.Việt Trì có hơn 500 ca tại 21 xã, phường.

Tại Hải Dương, khi có 4 học sinh Trường THPT Kim Thành (H.Kim Thành) từ F1 thành F0, nâng số ca F0 là học sinh lên 5 em, các học sinh của trường này là F1 mang theo máy tính, điện thoại, sách vở và đồ dùng học tập học trực tuyến tại khu cách ly tập trung. UBND tỉnh Hải Dương cũng đã yêu cầu thực hiện xét nghiệm, cách ly đối với người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa bàn dịch cấp độ 4.

Thống kê trẻ em từ 3 tuổi trở lên để tiêm vắc xin Covid-19

Lập kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 tuổi

Theo Bộ Y tế, đến ngày 6.11, cả nước đã tiêm 88,4 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó hơn 800.000 liều đã tiêm cho trẻ từ 16 - 17 tuổi. Để có cơ sở cho việc phân bổ vắc xin trong những tháng cuối năm và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022, lãnh đạo Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương căn cứ tình hình, kết quả triển khai tiêm chủng của địa phương và hướng dẫn về việc tiêm kết hợp vắc xin, nhằm khẩn trương đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho trẻ em và cho người từ 18 tuổi trở lên. Rà soát, thống kê số lượng trên địa bàn theo các nhóm từ 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho những nhóm tuổi này. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3 (mũi tăng cường), mũi 4 (mũi củng cố) cho người đã tiêm đủ liều vắc xin, báo cáo về Bộ Y tế.

Theo ý kiến của một số chuyên gia về tiêm chủng của Bộ Y tế, hiện VN chưa phê duyệt vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Với trẻ lớn từ 12 tuổi, sử dụng vắc xin Pfizer và Moderna, có chỉ định tiêm như với người lớn.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.