Mảnh gỗ nằm trong vùng má của bé gái suốt một tháng

Vân Phương
Vân Phương
23/05/2021 13:01 GMT+7

Bé gái 6 tuổi ở tỉnh Sóc Trăng, sơ ý té va đập vào cầu khỉ khiến vùng má sưng lớn gây biến dạng mặt và khó khăn khi há miệng, điều trị nhiều nơi suốt một tháng nhưng không khỏi.

Sau đó, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khám, bác sĩ nghi ngờ bé có dị vật trong má phải sau chấn thương.
Ngày 22.5, bác sĩ Đinh Thị Như Thảo, Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: Sau khi tiếp nhận, bé được chụp X-quang và siêu âm khẩn. Trên phim X-quang không phát hiện dị vật, như vậy dị vật không phải kim loại như đinh, kẽm... mà là dị vật phi kim loại như gỗ hoặc nhựa. Kết quả siêu âm cho thấy má phải bị viêm mô tế bào, có một dị vật kích thước dài 10 mm, cách bề mặt da 15 mm, gần sát bề mặt cành ngang xương hàm dưới.

Hình ảnh mảnh gỗ được lấy ra

BVCC

Sau khi hội chẩn và đánh giá tình trạng bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu nhận thấy dị vật tồn tại đã lâu gây viêm cấu trúc tại chỗ và dính chặt vào khối mô vùng má. Vị trí nằm gần sát xương hàm, gần cấu trúc mạch máu và thần kinh quan trọng nên quyết định không thể gây tê lấy dị vật mà phải gây mê để mổ hở đường ngoài mặt nhằm dễ xác định và gắp dị vật ra.
Sau 30 phút tiến hành phẫu thuật, dị vật đã được tìm thấy và lấy ra an toàn. Đó là một mảnh gỗ màu đen sậm, có nhiều cạnh nhọn, kích thước 8 x 10 x 12 mm.
Sau khi lấy dị vật, các bác sĩ tiến hành đặt ống dẫn lưu mủ và cho kháng sinh điều trị nhiễm trùng. Hiện tại, vết mổ ổn, bệnh nhân khỏe, đặc biệt là thẩm mỹ vùng hàm mặt đạt yêu cầu.

Phát hiện và xử lý dị vật trong má

Theo bác sĩ Thảo, dị vật trong vùng mặt là cấp cứu thường gặp ở trẻ em do chấn thương té ngã làm dị vật mắc lại trong vùng gò má. Dị vật trong má để lâu có thể di chuyển sâu hơn vào các khoang tế bào gây loét, viêm mô tế bào, hoại tử mô, rò nước bọt, liệt mặt và gây sẹo co kéo, thậm chí gây há miệng hạn chế.
Dấu hiệu nhận biết có dị vật trong má có thể dựa vào một số yếu tố như: Trẻ có tiền sử chấn thương vùng mặt, vết thương nhiễm trùng kéo dài dai dẵng, không đáp ứng điều trị kháng sinh, mật độ khối sưng chắc, da phủ đỏ, có thể có lỗ dò, ấn chảy mủ… là triệu chứng hay gặp của dị vật trong má
Xử lý như thế nào nếu nghi ngờ có dị vật: Về phía gia đình, nếu nghi ngờ trẻ có dị vật má sau chấn thương thì nên xác định vị trí té và tư thế té. Nếu dị vật ở nông, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để rửa vết thương và lấy dị vật càng sớm càng tốt.
Nếu dị vật ở sâu, dị vật xuyên thấu xương, dị vật nhiều mãnh vụn... cần đưa bé đến ngay bệnh viện tuyến trên để xử trí kịp thời, hạn chế để lâu dị vật di chuyển sâu hơn và gây nhiều biến chứng viêm nhiễm và hoại tử mô xung quanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.