Mật ngọt chết ruồi

03/05/2022 05:45 GMT+7

TAND TP.HCM vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Thế Kiên (39 tuổi, ngụ Bắc Giang) cùng 5 đồng phạm thành lập công ty để huy động vốn đa cấp của 161 bị hại, chiếm đoạt hơn 102 tỉ đồng.

Khách hàng góp vốn vào các dự án sẽ được trả lãi cao trong vòng 90 ngày. Nếu ai giới thiệu người khác góp tiền sẽ được hưởng hoa hồng, với các mức thưởng từ 10 - 30%. Chiêu thức đầu tư được hưởng lợi cao và nhanh chóng là “mật ngọt” khiến nhiều bị hại sập bẫy. Không cần bắt ép, đe dọa mà trong vụ án này các bị cáo đã đánh vào lòng tham, tâm lý “ngồi mát ăn bát vàng”, khiến các bị hại không còn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng việc ngồi không mà nhận lãi cao là một điều phi lý.

Các bị cáo trong vụ huy động vốn với hình thức đa cấp, lừa 161 bị hại tại phiên tòa ngày 30.3

SONG MAI

Điều đáng nói, trong vụ án này, hơn 161 bị hại gồm đủ thành phần, từ trí thức cho đến người bán vé số, làm thuê làm mướn. Những người có điều kiện thì bị lừa từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Người bán vé số, làm thuê thì bị lừa vài chục triệu đồng. Để có số tiền này, nhiều người phải đi vay ngân hàng, thế chấp nhà để đầu tư.

Tại phiên tòa này, tôi chú ý đến trường hợp bà N.T.B (70 tuổi). Bà phải từ Tiền Giang lên TP.HCM dự tòa, chờ tiền bồi thường để trả nợ. Bà B. bán vé số, chẳng biết đa cấp là gì và tin vào món lợi từ việc đầu tư thông qua người quen giới thiệu. Bà đi vay ngân hàng 50 triệu đồng, vay nóng thêm 10 triệu đồng, nhận lãi được 1,5 triệu đồng thì biết mình bị lừa. Đến giờ, bà vẫn phải bán vé số, làm thuê để kiếm tiền trả nợ.

Khi đưa ra phán quyết cho các bị cáo, HĐXX cũng đã cảnh báo rằng “không có loại hình kinh doanh nào có thể lời nhiều và nhanh đến thế”. Thật vậy, hình thức huy động vốn đa cấp hứa hẹn trả lãi suất cao để lừa đảo chiếm đoạt tiền thường xuyên được cơ quan chức năng cảnh báo; nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử nhưng đến nay nhiều người vẫn sập bẫy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.