Cuối tháng 3, trong phòng xử án của TAND TP.HCM chật kín người dưới hàng ghế dự khán. Họ là cán bộ hưu trí, nhân viên văn phòng, cho đến nông dân, người bán vé số, làm thuê mướn phải kệ nệ đồ đạc từ tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An... lên TP.HCM để tham dự phiên xét xử.
Có gần 161 người tại tòa đều là bị hại trong vụ án Nguyễn Thế Kiên (39 tuổi, ngụ Bắc Giang) cùng 5 đồng phạm thành lập công ty để huy động vốn đa cấp, chiếm đoạt hơn 102 tỉ đồng.
Huy động đầu tư đa cấp để lừa đảo cả trăm tỉ đồng
Vào giữa tháng 5.2016, Nguyễn Thế Kiên cùng 5 đồng phạm bàn bạc lập Công ty Hoàng Long. Phía công ty của Kiên không liên quan, không tham gia hợp tác đầu tư, xây dựng các dự án với các công ty khác, nhưng để tạo lòng tin, Kiên và đồng phạm đã dùng thủ đoạn tổ chức hội thảo và đưa thông tin lên website với nội dung Công ty Hoàng Long đang hợp tác đầu tư, xây dựng các dự án trên, hứa hẹn nếu khách hàng góp vốn vào công ty sẽ được trả gốc và lãi cao.
Các bị cáo trong vụ huy động vốn với hình thức đa cấp, lừa 161 bị hại. Trong hình, các bị cáo tại phiên toà ngày 30.3 |
SONG mAI |
Nếu khách góp vốn vào các dự án sẽ được trả lãi trong vòng 90 ngày, với số tiền nhận được gấp 2,5% nhân với số tiền góp. Ngoài ra, Kiên dùng thủ đoạn trích thưởng nếu có ai giới thiệu người khác góp tiền sẽ được hưởng hoa hồng, với các mức thưởng từ 10 – 30%.
Thời gian đầu, Kiên trả gốc và lãi đầy đủ cho các bị hại để tạo lòng tin, sau đó các bị hại không nhận được tiền và không liên hệ được với các bị cáo.
Đánh vào tâm lý của các bị hại, từ ngày 1.6.2016 đến 11.2016, Kiên cùng đồng phạm đã lừa 161 người bị hại, chiếm đoạt tổng số tiền 102 tỉ đồng. Sau khi bị phát hiện, Kiên trả lại cho 161 bị hại 44 tỉ đồng, 23,6 tỉ đồng dùng chi trả chi phí quảng cáo, hội thảo, trả lương nhân viên và sử dụng cá nhân.
Tiền mất, gia đình tan nát
Đây là lần thứ 2 phiên tòa được mở ra xét xử, sau một lần hoãn. Trước bục khai báo, bị cáo Kiên khai với HĐXX rằng, chỉ muốn kinh doanh đa cấp để kiếm tiền trả nợ. “Bị cáo quá khó khăn, mắc nợ, nên khi thấy đa cấp được nhiều người làm ngoài thị trường nên đã đi học rồi bàn bạc các bị cáo khác làm theo”, Kiên khai.
Phía dưới, các bị hại bắt đầu bàn tán. “Chỉ vì khó khăn, mắc nợ mà đi lừa đảo. Tôi thì bị vợ giận, ông anh ngồi kế bên tôi thì bị vợ ly thân, gia đình tan nát”, một người đàn ông trung niên nói. Ông cũng cho biết, bản thân đã mất hơn 300 triệu đồng. Đến bây giờ, vợ ông vẫn chưa hết giận, mâu thuẫn ngày càng trầm trọng vì chuyện ông tự ý mang tiền đi đầu tư đa cấp.
Bà N.T.K.O (nhân viên văn phòng) kể, bà đầu tư 177 triệu đồng, nhận được chỉ mới 15 triệu đồng tiền lời, còn lại 162 triệu đồng bà mất trắng.
Nhưng đáng buồn hơn, không chỉ mất tiền, bà O. còn mất cả tình chị em. Em trai bà O. đã bỏ ra 10.000 USD, rồi bán nhà thêm được 2,4 tỉ đồng để tham gia. Ban đầu, em trai bà nhận lãi hơn 466 triệu đồng nên rủ bà tham gia cùng. “Tôi lấy tiền dành dụm tham gia. Đến khi phát hiện mình bị lừa, hai chị em tôi cũng giận nhau, đến giờ ở tòa cũng không nhìn mặt”, bà O. nói.
Bà B. một bị hại trong vụ án Nguyễn Thế Kiên và đồng phạm thành lập công ty, huy động vốn đa cấp lừa đảo |
SONG MAI |
Cạnh đó, bà N.T.B (70 tuổi, ngụ Tiền Giang) trên tay vẫn ôm túi đồ, bên trong có vài bộ quần áo, giấy tờ vay ngân hàng. Để tham dự phiên toà, bà B. phải đón xe khách từ quê lên TP.HCM từ sớm.
Bà B. kể, bà nghe lời người thân để đầu tư dự án của Kiên. "Đi vay ngân hàng 50 triệu đồng, vay nóng thêm 10 triệu đồng. Chỉ mới lấy tiền lời được 1,5 triệu đồng thì biết mình bị lừa. Đến giờ, tôi vẫn phải bán vé số, làm thuê để kiếm tiền đóng lãi cho khoản nợ. Mình cũng muốn đầu tư cho có tiền, đỡ cực, nhưng giờ gia đình xào xáo, nợ thì trả chưa xong", bà B. thở dài.
Trình bày trước HĐXX, các bị hại đều cho rằng họ tin lời chào mời đầu tư dự án, tin vào việc đầu tư sẽ sinh lời to từ Kiên. Chỉ vì ham lợi lớn, người nhiều thì mất vài tỉ bạc, người ít thì vài chục triệu đồng. Thậm chí có người bán nhà, vay nợ ngân hàng, vay nóng để đầu tư vào dự án còn chưa kịp lấy tiền lời.
Theo HĐXX, không có hình thức nào kinh doanh lời nhanh và nhiều như vậy. Nếu các bị hại cảnh giác, kiểm tra và đề phòng, đừng vì cái lợi trước mắt sẽ phát hiện hành vi gian dối của bị cáo.
Sẽ chờ tiền bồi thường mòn mỏi…
Sau một ngày xét xử, đã có thêm người đến toà cho biết là bị hại của các bị cáo trong vụ án này. Đã có gần 50 hồ sơ của bị hại nộp bổ sung, HĐXX quyết định hoãn phiên toà, trả hồ sơ cho Viện KSND cùng cấp để điều tra bổ sung.
Vụ án kéo dài từ năm 2019 đến nay, nhiều bị hại đến giờ đã không còn nhớ rõ số tiền họ đã bỏ ra đầu tư để yêu cầu bồi thường. Tại phần xét hỏi, các bị hại chỉ xác nhận lại số tiền đã bỏ ra đầu tư dự án dựa theo hồ sơ vụ án.
Lần này toà trả hồ sơ, kéo dài thêm thời gian giải quyết vụ án. Không riêng gì bà B. đã hơn 70 tuổi, mà các bị hại khác đều ngao ngán, không biết có còn đủ sức để đeo đuổi vụ án này để lấy lại được tiền bồi thường. Mà nguyên nhân cũng từ sự ham lợi, cả tin vào món lời không có thật từ đầu tư đa cấp.
Theo luật sư (LS) Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), hành vi thành lập công ty để huy động vốn đa cấp của Kiên và đồng phạm, là hành vi dùng thủ đoạn mạo nhận, gây nhầm lẫn để huy động vốn đầu tư vào các dự án mà họ không hợp tác, đầu tư. Sau đó, hứa hẹn nếu góp vốn vào công ty sẽ được trả gốc và lãi cao tạo lòng tin và chiếm đoạt tiền của các bị hại. Phương thức huy động vốn bằng thủ đoạn này pháp luật nghiêm cấm.
Về vấn đề bồi thường, LS Tuấn cho biết, theo quy định của pháp luật, số tiền các bị cáo chiếm đoạt phải được hoàn trả lại cho các bị hại. CQĐT sẽ điều tra, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Toà án sẽ tuyên trả lại cho các bị hại.
“Ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật, bị hại có quyền nộp đơn cho cơ quan thi hành án yêu cầu bán phát mãi tài sản của các bị cáo để hoàn trả cho các bị hại. Trường hợp, bị cáo không có tài sản, phải đợi các bị cáo chấp hành hình phạt tù xong, đi làm có thu nhập mới buộc thi hành án. Hoặc nếu các bị cáo đang chấp hành hình phạt tù nhưng có tài sản được phát sinh do được thừa kế... thì có thể cơ quan thi hành án sẽ truy thu để thi hành án”, LS Tuấn thông tin.
Bình luận (0)