Theo BGR, loại mắt sinh học vẫn trong quá trình thử nghiệm là thiết bị kết hợp giữa công nghệ hiện đại với thiết kế của "mẹ thiên nhiên". Thiết bị gồm một võng mạc nhân tạo dạng nửa cầu và loạt cảm biến có khả năng ghi và chuyển tiếp hình ảnh trực tiếp. Quá trình đưa các thông tin ghi nhận được này tới não người để xử lý vô cùng phức tạp.
Y học hiện đại đang có những thành tựu kỳ diệu khi con người có thể thay thế các bộ phận trên cơ thể bằng sản phẩm nhân tạo để phục hồi chức năng, thậm chí là cứu sống khỏi bàn tay tử thần. Tuy nhiên mắt lại vô cùng đặc biệt vì cách mà bộ phận này liên kết, “giao tiếp” với não khiến việc thiết kế, sản xuất và ứng dụng sản phẩm nhân tạo trở nên khó khăn, không đơn thuần chỉ lắp vào là dùng được như một số thành phần khác trên cơ thể.
Thách thức lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu là tập hợp công nghệ vào một không gian dạng cầu để có thể làm mô cấy. Dù đã phát triển được bản thử trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học vẫn chưa kiểm chứng thực tế được trên sinh vật sống.
Việc thử nghiệm mắt sinh học sẽ được thực hiện trên cả động vật lẫn con người. Các nhà khoa học cũng nhận định những bước tiến đạt được tới thời điểm này chỉ là khởi đầu cho khả năng thực thi trong tương lai, có thể vài năm nữa.
Còn hiện tại, khả năng xử lý hình ảnh của mắt sinh học vẫn chưa thực sự tốt. Sản phẩm cho ra ảnh với độ phân giải thấp, có thể nhận biết được chữ cái nhưng để phân biệt được hình ảnh phức tạp hơn đòi hỏi tỷ trọng cảm biến cao hơn nhiều (tức nhiều cảm biến hơn trong một không gian cầu). Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các nhà khoa học tin rằng mật độ cảm biến và độ phân giải của mắt sinh học sẽ có thể đánh bại mắt người.
Ngoài việc phục hồi khả năng nhìn cho người mất thị lực, mắt sinh học cũng được ứng dụng vào lĩnh vực robot, nhưng tương lai đó sẽ còn xa.
Bình luận (0)