Máu đỏ trên sao xanh

02/03/2014 09:00 GMT+7

* 55 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3.3.1959 -3.3.2014) Ở nhiều bản làng xa xôi hẻo lánh nhất biên giới, người ta hay gặp các tổ - đội công tác biên phòng đóng trong những căn nhà nhỏ với vài người ở, trấn giữ đầu bản cuối đường, mà người dân hay gọi là 'quân hàm xanh cắm bản'.

* 55 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng (3.3.1959 -3.3.2014)

Ở nhiều bản làng xa xôi hẻo lánh nhất biên giới, người ta hay gặp các tổ - đội công tác biên phòng  đóng trong những căn nhà nhỏ với vài người ở, trấn giữ đầu bản cuối đường, mà người dân hay gọi là 'quân hàm xanh cắm bản'.

>> Hải quân, bộ đội biên phòng cứu ngư dân
>> Lữ đoàn 679 Hải quân ra quân huấn luyện năm 2014

 Tuần tra dọc đường biên
Tuần tra dọc đường biên

Lặng lẽ bên suối Na Cô Sa

Tổ công tác Huổi Thủng 3 của Đồn biên phòng (BP) Nậm Nhừ (xã Nậm Nhừ, Nậm Pồ, Điện Biên) nằm trên đỉnh dốc cạnh đường đất nối từ Na Cô Sa vào Nà Khoa. Nếu không được thiếu úy Đỗ Anh Dũng giật tay áo, gào lên thì tôi không tưởng tượng nổi đó là doanh trại: Nhà 3 gian vách gỗ mái tôn lụp xụp; bếp, nhà ăn chỉ duy nhất mái rạ, xung quanh quây vải bạt không ngăn nổi gió bụi; tường rào dây thép gai mỏng mảnh...

Thứ để phân biệt doanh trại với nhà dân là lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột tre và dòng chữ bạc phếch. Thượng tá Lê Tiến Long, Đồn trưởng BP Nậm Nhừ, cười hiền: “Ghi đội cho oai, thực ra chỉ là tổ công tác!” và lắc đầu: “Tỉnh hỗ trợ ít tiền mua tôn. Còn lại anh em tự làm suốt 3 năm nay, mới tàm tạm thế này!”.

Vơ vội tấm giẻ lau bàn ghế bám mấy tầng bụi đỏ, Thượng úy Đỗ Duy Trinh ngượng nghịu: “Đồn trưởng phân công miệng thôi. Không phải tổ trưởng đâu?”, xong mới tỉ mẩn kể: Được giao phụ trách địa bàn 5 thôn bản với trên 2.000 nhân khẩu đồng bào Mông, nên công việc của vài anh em rất vất vả. Nắng, còn thay nhau chở xe máy xuống bản. Trời đổ tí mưa, đến đi bộ có thâm niên còn ngã oành oạch, về phải vật nhau ra dán cao khắp người.

Bộ đội được rèn luyện, chuyện khắc phục thời tiết - địa hình rồi cũng quen. Nhưng nơi ăn chốn ở, liên quan đến kinh tế thì có muốn cải thiện cũng khó. Ở Huổi Thủng, anh em toàn phải dùng nước suối Na Cô San, chảy qua cả trăm mét dây ống to bằng ngón tay người lớn, chảy ri rỉ đến sốt cả ruột. Con suối tên đẹp là thế, nhưng chảy qua bao xã bản, ruộng nương, nước xanh lét trở thành đục ngầu, đến trâu bò uống cũng ngã bệnh. Thiếu úy Mừ A Dế bảo: “Xin tiền xây cái bể lọc nước, mãi không có!” và an ủi: “Mình hơn con trâu con bò là để nước lắng lại, đun sôi mới uống. Không sao đâu!”. Không điện lưới, anh em góp tiền mua máy phát điện nước, đặt dưới suối. Rì rầm chạy, đến tối kích thêm ắc quy, cũng đùng đục sáng mấy bóng vàng vàng gọi là điện và sạc được cục pin điện thoại, gọi cho có tiếng người…

 Vận động nhân dân ngay bên bếp lửa - Ảnh: Mai Thanh Hải
Vận động nhân dân ngay bên bếp lửa - Ảnh: Mai Thanh Hải

Thượng úy Trinh tâm sự thêm: Tiếng là lính rừng, đóng quân ở rừng nhưng đến củi đốt cũng không có do rừng bị chặt hạ từ lâu, mua gas hoặc dầu thì tiền chuyên chở quá tiền sản phẩm; tiếng là gần dân, nhưng rau cỏ thực phẩm đắt gần gấp đôi ngoài chợ, lính ta tằn tiện, rút cục cũng chỉ cá khô - bột canh là món ăn truyền thống...

Khó khăn thì khắc phục, vậy nên cứ chiều chiều là mấy cái bóng áo ngắn tay BP lại lụi hụi trồng rau, nuôi gà hoặc dò dẫm rủ nhau ra suối thả lưới, lừa đám cá con mới lớn, làm... bữa tươi.

Quân hàm xanh cắm bản

Tổ công tác BP Tả Ló San nằm giữa bản Tả Ló San (xã Sen Thượng, Mường Nhé, Điện Biên), cũng lụp xụp như 14 ngôi nhà của người Hà Nhì suốt 16 năm qua thiếu thốn, nghèo đói. 16 năm ở xa xôi, đi lại vất vả, thiếu đất canh tác, khát nước tưới tiêu - sinh hoạt, giáo dục y tế yếu kém và nhất là chế độ chính sách dành cho các hộ giãn dân lên biên giới bị cắt giảm, một số hộ dân đã trốn về nơi ở cũ. Số còn lại nấn ná chưa về, cũng chỉ vì: “Cán bộ BP nhà ở dưới xuôi mà còn lên đây ở với ta, sao bỏ chúng nó được?”.

Câu nói thật hơn cả thật này khiến anh em tổ công tác cảm động lắm. Đời binh nghiệp, lại là lính BP phải gắn bó với “vùng đất đỉnh trời” để canh giữ 5 cột mốc, là một nhẽ. Đằng này cả chục năm kề vai, quen thuộc từng gót chân của người dân trong bản, từng giọng nói con trẻ ngây ngô, gắn bó...

Có dạo, trung tá Hoàng Minh Hồng, Chính trị viên Đồn BP Sen Thượng, liên tục phóng xe máy rẽ mây ngược lên Tả Ló San. Mãi sau mới biết, anh Hồng lên cùng với anh em trong tổ công tác tìm cách tháo gỡ khó khăn cho bản và kiến nghị cấp trên, xin giúp đỡ mọi mặt cho bản. Dĩ nhiên, mọi sự hỗ trợ chính sách, giúp đỡ vật chất từ trên cũng lại dồn lên đôi vai của những người lính “cắm bản”. Chiến sĩ Giàng A Khánh thú thật: “Phải dậy thật sớm quét đường đi trong bản”, khiến đại úy Đỗ Xuân Dũng, Chính trị viên phó giải thích: “Cả bản có mỗi đảng viên trẻ Lỳ Phu Cà, sinh năm 1992 làm cán bộ, nên bộ đội phải giúp Cà làm mẫu mọi việc cho dân bản làm theo, kể từ việc quét nhà!”.

Để Tổ quốc không bị bất ngờ

Đại tá Lưu Đức Hùng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang, trẻ và thư sinh đến mức nhiều người thấy anh mặc quân phục, cứ bảo... đeo nhầm quân hàm. Thế nhưng đi cơ sở với đại tá Hùng mới thấy đến đâu cũng có người dân nhìn còn già hơn anh đến chào, mời rượu. Hỏi ra mới biết: Từ đầu những năm 80, khi mới tò te thiếu úy, anh Hùng đã ở các tổ công tác.

Năm 1984, khi chiến tranh biên giới phía bắc vẫn còn nóng bỏng ở Hà Giang, anh Hùng được phân công làm Tổ trưởng Tổ công tác BP Phín Ủng thuộc Đồn BP Nghĩa Thuận (Quản Bạ) ngay sát đường biên. “Ban ngày ăn ở tập trung, đêm xuống là ngủ nhờ nhà dân vì lính Trung Quốc mò sang tập kích!”, đại tá Hùng kể và nhớ lại: Khi thì mẩn đỏ khắp người vì rệp cắn, khi thì người nồng nặc mùi khói vì ngủ trên... gác bếp sấy ngô của đồng bào Mông.

Với thượng tá Trần Đức Khải - Đồn trưởng Đồn BP Mường Khương (Lào Cai), những năm công tác tại các tổ công tác của các Đồn BP dọc biên giới Mường Khương, đã giúp anh có rất nhiều kinh nghiệm vận động quần chúng, nắm tình hình và quản lý địa bàn. “Đặc thù của BĐBP là vừa làm nhiệm vụ quân đội, vừa thực hiện nghiệp vụ công an và nhất là gắn chặt với dân”, thượng tá Khải khẳng định vậy và cho rằng: “Tổ công tác là đồn BP thu nhỏ. Cần có chính sách hỗ trợ cho anh em yên tâm!”.  

Khi nói đến “giáo viên cắm bản”, người ta đều dành sự cảm thông chia sẻ bởi sự cống hiến hy sinh của những người trẻ. Với những cán bộ chiến sĩ “BP cắm bản”, sự cống hiến hy sinh dằng dặc này có khi còn phải trả bằng máu và những dòng máu đó, bao năm nay làm tròn nghĩa vụ của những người lính mang quân hàm xanh: Để Tổ quốc không bị bất ngờ!... 

"Tổ công tác lập ra nhằm đáp ứng yêu cầu BP tại những nơi xa đồn. Ở những nơi không có sóng điện thoại, được trang bị máy thông tin vô tuyến. Các tổ không có trong tổ chức biên chế BP. Chức danh đội - trạm trưởng có quyết định của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và có chế độ, nhưng tổ trưởng tổ công tác chỉ theo sự phân công của đồn trưởng BP, nên không có thêm chế độ. Các tổ viên là cán bộ ở các đội nghiệp vụ được phân công làm nhiệm vụ chuyên môn như: Vận động quần chúng, trinh sát, ma túy... Các Đồn BP địa bàn hẹp, có điều kiện cơ động bảo vệ biên giới thì không thành lập tổ công tác".

Đại tá Lưu Đức Hùng
(Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang)

Mai Thanh Hải

>> Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân
>> Anh ở biên cương - Kỳ 2: Đau đáu Sì Lờ Lầu
>> Anh ở biên cương - Kỳ 1: Tranh tre nứa lá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.