Hôm qua, hãng tin Reuters bất ngờ trích lời một quan chức cấp cao quân đội Malaysia không nêu tên nói rằng radar quân sự của họ đã phát hiện chiếc Boeing 777-200 chở 239 hành khách mất tích từ rạng sáng 8.3 ở vùng biển phía tây. “Máy bay chuyển hướng sau khi qua khỏi vùng trời thành phố Kota Bahru và hạ độ cao rồi đi vào eo Malacca”, quan chức này cho biết. Tuy nhiên, cho đến hết đêm qua, thông tin trên chưa được khẳng định bởi người chỉ huy toàn bộ công tác điều tra và tìm kiếm, cứu hộ của Malaysia là Giám đốc Cục Hàng không dân dụng Azharuddin Abdul Rahman.
>> Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia mất tích
|
Trước đó, các thông tin được đưa ra bởi quan chức các cơ quan khác nhau cứ chỏi và phủ định nhau. Chẳng hạn ông Rahman ngày 10.3 công bố có 5 hành khách làm thủ tục nhưng không lên máy bay khiến hành lý của họ phải bị lấy khỏi máy bay trước khi cất cánh. Tuy nhiên, Chánh thanh tra cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar quyết liệt bác bỏ thông tin này tại cuộc họp báo chiều 11.3.
Cho đến hôm qua, dư luận có phần yên tâm sau khi giả thuyết máy bay bị khủng bố được loại trừ bởi Tổng giám đốc Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) Ronald Kenneth Noble. Ông Noble cho biết 2 hành khách dùng hộ chiếu bị mất cắp để lên chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines là công dân Iran, và không dính đến các nhóm khủng bố. Hai người này là Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 19 tuổi, sử dụng hộ chiếu bị mất của công dân Áo Christian Kozel, và Delavar Seyed Mohammad Reza, 29 tuổi, cầm hộ chiếu của công dân Ý Luigi Maraldi.
Trong khi đó, xung quanh tin quân đội Malaysia tìm được vị trí máy bay mất tích tại eo biển Malacca, trả lời PV Thanh Niên tối 11.3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ cơ quan hữu quan của Malaysia. Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nói thêm trước đây cũng có thông tin người dân Malaysia “tìm thấy xác máy bay rơi”, nhưng khi xác nhận lại với cơ quan hữu quan của Malaysia thì thông tin đó không có thật. “Cho đến thời điểm này, kế hoạch tìm kiếm máy bay mất tích vẫn không có gì thay đổi”, Thứ trưởng Tiêu cho biết.
Máy bay Mỹ tìm kiếm ở khu vực eo biển Malacca Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, trong ngày 11.3, đã có 23 máy bay, 31 tàu của Việt Nam và nước ngoài triển khai tìm kiếm máy bay đang mất tích. Trong đó số lượng phương tiện của Việt Nam là 8 tàu, 9 máy bay. Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), kiêm Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cho biết trong ngày 11.3, phía Malaysia có đề nghị Mỹ sử dụng máy bay trinh sát P3 vòng qua tìm kiếm khu vực eo biển Malacca. Trả lời phỏng vấn PV Thanh Niên vào chiều qua, phi công kỳ cựu Nguyễn Thành Trung đang có mặt tại Phú Quốc, khẳng định chiếc máy bay B772 đã rơi, nhưng vấn đề là tìm kiếm nó rơi ở đâu. Nếu máy bay rơi trên đất liền thì dễ tìm, còn rơi trên biển thì khó. Ông Trung nói khi toàn bộ chiếc máy bay bị nổ tung, các mảnh vỡ trôi nổi trên biển còn có thể tìm thấy; còn nếu chỉ bị nổ một phần rồi rơi xuống biển, các mảnh vỡ của phần bị nổ cũng bị chìm luôn thì rất khó tìm. Ông Trung phỏng đoán khả năng chiếc máy bay này đã bị nổ ở buồng lái và rơi xuống biển. Trong khi đó, ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghĩ đến khả năng hơn 90% máy bay bị không tặc và bằng cách nào đó đã cho nổ máy bay. P.Hậu - Lê Quân - Tiến Trình - M.Vọng |
Mở rộng tìm kiếm trên đất liền Hôm nay 12.3, ngoài mở rộng tìm kiếm cả ở phía tây, phía đông của đường bay trên biển, lực lượng của Việt Nam sẽ đẩy mạnh tìm kiếm trên đất liền theo đường bay dự kiến của chiếc máy bay mất tích. Phương án trên được trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thông tin với báo chí chiều qua 11.3, tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn Việt Nam. Theo trung tướng Võ Văn Tuấn, đường bay dự kiến của chiếc máy bay là các khu vực: từ Hòn Khoai ở mũi Cà Mau đến TP.HCM. Trên đường bay dự kiến đó sẽ qua các tỉnh thuộc Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và miền Nam Trung bộ, tương ứng với Quân khu 5, Quân khu 7 và Quân khu 9. Nhận định về khả năng tìm kiếm trên biển, trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết tại vùng biển Việt Nam đang đảm nhận có độ sâu từ 20 - 50 m. Ngoài các lực lượng tàu hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển, trong đó có tàu SAR 413 đồng thời là tàu chỉ huy hoạt động trên mặt nước thì thợ lặn của Quân đội nhân dân Việt Nam có khả năng lặn sâu đến 80 m, đã có thực nghiệm. Trong khi đó, tung tích máy bay đến tối qua vẫn biệt tăm, những phát hiện vật thể nghi vấn trên biển đã được xác định không liên quan đến máy bay mất tích. Về thông tin có máy bay đã liên lạc được lần cuối với máy bay MH370, trao đổi với Thanh Niên, ông Đoàn Hữu Gia, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát không lưu, cho biết máy bay MH370 đã thiết lập hiệp đồng chuyển giao với Trung tâm quản lý bay đường dài (ACC) TP.HCM. Nhưng cho đến thời điểm máy bay mất tích, ACC TP.HCM chưa thiết lập được bất kỳ liên lạc nào với máy bay mất tích của Malaysia. Phan Hậu - Lê Quân - Mai Hà |
Thục Minh (VP Singapore) - Tiến Trình
>> Chuyên gia Việt Nam phỏng đoán nguyên nhân máy bay mất tích
>> Thân nhân hành khách trên máy bay Malaysia mất tích từ chối nhận tiền hỗ trợ
>> Chùm ảnh: Theo tuần thám tìm kiếm máy bay mất tích
>> Interpol loại trừ khả năng máy bay Malaysia mất tích vì bị khủng bố
>> Nhà ngoại cảm' gọi điện báo 'máy bay Malaysia mất tích rơi trong rừng... U Minh
>> Cảnh sát Malaysia: Không có chuyện 5 hành khách không lên máy bay
>> Mỹ điều máy bay trinh sát tìm máy bay mất tích ở eo biển Malacca
>> Quân đội Malaysia đã xác định được vị trí máy bay rơi?
>> Trao vé máy bay cho độc giả tham gia khảo sát cải tiến Thanh Niên Online
Bình luận