Máy bay Mỹ trở lại nơi từng chứng kiến trận đánh lớn trong Thế chiến 2

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
26/06/2024 15:35 GMT+7

Máy bay vận tải của quân đội Mỹ vừa hạ cánh xuống sân bay ở đảo Peleliu thuộc Palau, nơi từng diễn ra trận đánh khốc liệt trong Thế chiến 2.

Trang Business Insider ngày 26.6 đưa tin máy bay vận tải quân sự C-130 đã hạ cánh xuống sân bay ở đảo Peleliu hôm 22.6. Đây là nơi từng diễn ra trận đánh Peleliu khốc liệt năm 1944, khi 1.800 quân nhân Mỹ thiệt mạng và hơn 8.000 người bị thương, còn lực lượng Nhật Bản tổn thất hơn 10.000 người.

Thủy quân Lục chiến Mỹ cho biết đây là chiến dịch đổ bộ có tỷ lệ thương vong cao nhất Thế chiến 2, khi 50.000 binh sĩ tìm cách chiếm đảo trước sự phòng thủ của Nhật Bản.

Biệt đội Công binh Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Palau đã nỗ lực khôi phục sân bay kể từ trận chiến đó. Sau 80 năm, đây là lần đầu tiên một loại máy bay cánh cố định của quân đội Mỹ hạ cánh xuống đường băng trên đảo Peleliu. Giới quan sát cho rằng sự kiện này như một dấu hiệu cho thấy Washington muốn mở rộng hiện diện quân sự tại khu vực.

"Việc máy bay C-130 hạ cánh trên đường băng này sau nhiều năm đã mở ra hy vọng bắt đầu một chương mới trong tương lai thịnh vượng của đảo Peleliu", Thống đốc Peleliu Emais Roberts phát biểu.

Máy bay Mỹ trở lại nơi từng chứng kiến trận đánh lớn trong Thế chiến 2- Ảnh 1.

Máy bay vận tải C-130 của Mỹ hạ cánh xuống sân bay tại đảo Peleliu ngày 22.6

THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ

Peleliu là hòn đảo thuộc Cộng hòa Palau. Mỹ đang vận động để có thể độc quyền tiếp cận hòn đảo này, khi nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng trong chính sách hiện nay của Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn các thỏa thuận và công bố gói hỗ trợ 7,1 tỉ USD cho Palau, Liên bang Micronesia và Quần đảo Marshall. Điều này cho phép Mỹ tiếp cận các vùng lãnh thổ đất liền, trên biển và trên không. Công dân Palau cũng được làm việc, học tập, gia nhập quân đội Mỹ theo các chương trình của Washington.

Giới chức Mỹ thời gian qua đã tìm cách khôi phục những sân bay từng hoạt động trong quá khứ. Năm ngoái, Mỹ đã khảo sát đảo Tinian (Quần đảo Bắc Mariana), một phần lãnh thổ thuộc Mỹ, khi một sân bay ở đảo này được sử dụng nhiều trong Thế chiến 2.

Bất ngờ Hawaii là lãnh thổ Mỹ mà NATO không thể bảo vệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.