Cụ thể là khăn mặt, cuộn giấy vệ sinh, thậm chí cả chai rượu mini nằm nguyên vẹn trong... bồn cầu. Điều này đã khiến nhiều bạn đọc mới nghe cứ tưởng chuyện đùa.
tin liên quan
Nhiều máy bay phải 'nằm sân' vì.... tắc nhà vệ sinh“Kệ nó, có người dọn mà”
Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) liên tục ghi nhận nhiều trường hợp hệ thống nhà vệ sinh của máy bay không thể sử dụng. Sau khi kiểm tra, thông tắc đường ống, nguyên nhân được xác định là do các "vật ngoại lai" như khăn, tã, bỉm, thậm chí cả chai rượu mini… ở trong bồn vệ sinh.
Một kỹ sư bảo dưỡng của VAECO cho biết: "Sự cố này xảy ra không chỉ đơn giản là gây tắc hệ thống vệ sinh trong chuyến bay mà còn khiến máy bay buộc phải dừng khai thác để bảo dưỡng, tiến hành sửa chữa, làm sạch. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng khai thác máy bay của hãng hàng không, gây thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là trong mùa cao điểm hiện nay".
Rất nhiều bạn đọc (BĐ) muốn “nhảy dựng” lên khi biết nguyên nhân máy bay phải “nằm sân”. BĐ Le Hai (An Giang) viết: Đọc bài mới thấy đau lòng. Đáng buồn là do ý thức của một số người. BĐ Giang Hùng (Bình Dương) bức xúc không kém: Chỉ mấy người vô ý thức mà làm hại cả dây chuyền, gây thiệt hại, tốn kém quá nhiều. Nên phạt tiền thật nặng, cấm đi máy bay 3 năm, gửi thông báo về cơ quan, địa phương, bắt buộc phải đi học những lớp về ứng xử tối thiểu cần có... BĐ Nguyễn Văn Túc (Đắk Lắk) cho rằng những việc làm thiếu ý thức của một số người làm ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng hàng không và có thể đó là một trong những nguyên nhân của sự chậm chuyến, hủy chuyến vì thiếu máy bay trong thời gian qua.
Thử tìm nguyên nhân của câu chuyện trên, BĐ Ba Pha (Bà Rịa-Vũng Tàu) kể: Tôi biết có một người rất lạ: Ở nhà anh ta làm rất đúng, nhưng ra đường toàn làm ngược lại. Ví dụ như cái nhà vệ sinh ở nhà, anh rất kỹ lưỡng, chăm sóc rất sạch sẽ, nhưng ra đường anh lại cực kỳ bừa bãi. Hỏi sao lạ thế, anh đáp “kệ nó, có người dọn mà”. Tiếp câu chuyện này, BĐ Toàn Em (Tiền Giang) cho rằng cái tư tưởng “kệ nó, có người dọn mà, có phải nhà mình đâu...” thật đáng lên án. Đúng là “cạn lời”.
Tăng cường giáo dục và phạt nặng
Đề cập đến việc giáo dục từ nhà trường, BĐ Vũ Trọng Giác (TP.HCM) cho rằng phải dạy giáo dục công dân cho học sinh từ mẫu giáo đến hết lớp 9, đề tài phải rộng và thực tế. Nếu chúng ta không dạy thì có lạ gì khi lên máy bay có người muốn mở cửa sổ cho thoáng, có người vào toilet thay băng vệ sinh rồi nhét vào bồn cầu cho tiện…
Đồng tình với ý kiến trên, nhưng BĐ Tran Thông Minh nhấn mạnh hơn đến vai trò của gia đình: ở gia đình thì bố mẹ phải dạy cho con: từ cách đi bộ trên đường, cách sử dụng thang máy, đi xe máy, sử dụng nhà vệ sinh, đi xe, đi tàu, đi máy bay... Những kỹ năng này là những điều tối thiểu phải biết đối với bất kỳ trẻ nào.
Nhiều BĐ khác đề nghị phải xử phạt (tiền) thật nặng, ngoài ra còn phạt lao động công ích (như dọn nhà vệ sinh...), phạt roi, cấm đi máy bay 3 năm... Có như vậy mới đủ sức răn đe.
“Phải phạt thật nặng thì mới mong giảm được. Khi ý thức kém thì đồng tiền (phạt nặng) sẽ làm họ tỉnh ra. Phải phạt nặng hơn nữa, không thì có ngày đi máy bay mà tưởng tàu chợ luôn”.
Lê Nhạt (Đồng Nai)
“Đừng xem cái toilet là chuyện nhỏ. Người ta đánh giá trình độ người khác qua đó đấy. Hãy luôn là một người có ăn học, có văn hóa, bất kể là chỗ nào, việc nào... Đừng tự cho mình cái quyền làm bừa bãi, làm bậy, vì nghĩ rằng đã có người phải dọn dẹp”.
Canh Hoai (Bà Rịa-Vũng Tàu)
|
Bình luận (0)