Máy bay ném bom chiến lược mới của Trung Quốc dễ bị phát hiện

10/11/2019 13:30 GMT+7

Máy bay ném bom chiến lược mới H-6N của Trung Quốc có thể mang theo tên lửa hành trình siêu thanh, máy bay không người lái, nhưng lại dễ bị radar phát hiện.

Chiếc H-6N lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong buổi duyệt binh nhân dịp quốc khánh hồi tháng rồi, tờ South China Morning Post dẫn lời nguồn tin từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiết lộ. “Đáng chú ý là phần dưới thân H-6N được thiết kế để mang theo tên lửa hành trình siêu thanh CJ-100 và mũi máy bay được trang bị ống tiếp nhiên liệu trên không”, theo nguồn tin.
CJ-100, còn được biết đến với tên gọi DF-100, là tên lửa hành trình tấn công mặt đất thế hệ thứ ba của PLA, có vận tốc siêu thanh tối đa Mach 4,5 (5.512 km/giờ). Tân Hoa xã từng đưa tin CJ-100 có “tầm bắn xa với độ chính xác cao”, nhưng không nêu cụ thể.
Ngoài ra, phần dưới thân của H-6N được nâng cấp để có thể mang theo máy bay do thám không người lái siêu thanh WZ-8. Chiếc WZ-8 được dùng để nhận diện nhanh chóng các mục tiêu từ xa trước khi tiến hành các đợt tấn công. Nhờ ống tiếp nhiên liệu trên không, H-6N có phạm vi hoạt động hơn 4.500 km, cao hơn so với phiên bản trước đó H-6K là 4.000 km.

Tên lửa CJ-100 hay DF-100 xuất hiện trong lễ duyệt binh mừng quốc khánh Trung Quốc ngày 1.10

AFP

“Mặc dù có nhiều cải tiến, nhưng H-6N vẫn không thể vượt qua phạm vi chuỗi đảo thứ nhất do nó không phải là máy bay ném bom tàng hình và dễ dàng bị hệ thống radar địch phát hiện”, nguồn tin tiết lộ. Chuỗi đảo thứ nhất là khu vực bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và quần đảo Philippines. Lâu nay, các nhà chiến lược của PLA lo ngại chiến lược chuỗi đảo thứ nhất của Mỹ có thể khiến Trung Quốc bị bao vây nếu xung đột xảy ra.
Nguồn tin từ PLA đồng thời thừa nhận: “So với các máy bay ném bom tân tiến của Mỹ như B-1B, B2, B-21 và máy bay ném bom siêu thanh Nga Tu-160, Trung Quốc còn phải mất rất nhiều năm mới bắt kịp. Hiện PLA chỉ sở hữu H-6N và H-6K, vốn là phiên bản nâng cấp dựa trên thiết kế của máy bay ném bom Tu-16 thời Liên Xô được chuyển giao cho Trung Quốc”. H-6K từng tham gia các cuộc tập trận “bao vây đảo” của PLA gần Đài Loan kể từ đầu năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.