Mẹ bỉm sữa làm bánh trung thu bằng… len

19/08/2021 12:00 GMT+7

Sắp tới Tết Trung thu mà phải giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, Nguyễn Thu Thảo (29 tuổi, sống tại khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) đã nghĩ ra ý tưởng làm bánh trung thu bằng len.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh những chiếc bánh trung thu bằng len. Chủ nhân chiếc bánh này là chị Thu Thảo, một bà mẹ bỉm sữa tại Hà Nội.
Thông qua những chiếc bánh trung thu bằng… len, Thảo muốn lan tỏa không khí đoàn viên đến tất cả mọi người. “Mong Tết Trung thu, chúng ta không còn giãn cách, chúng ta lại được đoàn viên. Để được đoàn viên, chúng ta phải cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”, chị nói.

Chị Thu Thảo và con gái

Chị Thảo cho hay Hà Nội đang giãn cách xã hội, cô thèm vị ngon của bánh, thèm được về nhà mẹ đẻ chỉ cách 2 km nhưng không được về. Công việc của chị Thảo là thiết kế thú bông bằng len. Chị đã tìm kiếm thử trên mạng xem có ai thiết kế bánh trung thu bằng len chưa. Câu trả lời là chưa. Vì thế, cô nghĩ rằng tại sao không làm thử một chiếc bánh trung thu bằng nguyên liệu ấy.
Chị Thảo đã tốn khoảng một tuần để thử nghiệm và làm ra mẫu bánh trung thu đầu tiên. Chị bắt đầu lên mạng tìm kiếm các mẫu bánh thật từ các cửa hàng, các khuôn bánh, thậm chí còn xem nhóm ‘Yêu bếp’ để biết thành phẩm của mọi người. Chị chọn màu bánh đậu xanh, trà xanh, khoai môn, đậu đỏ, mỗi bánh một màu cho đa dạng. Sau đó mới đến kiểu dáng và hoa văn bề mặt. Chị Thảo đã làm đi làm lại nhiều lần để làm sao đạt kích thước gần nhất với bánh trung thu thật.
“Về hoa văn, ban đầu mình nghĩ không quá khó để làm vì hiện tại có nhiều mẫu móc hoa 3D như hoa hồng, hoa cúc. Nhưng bắt tay vào làm, mình vật vã tính toán số lượng cánh hoa, số cánh, kích thước, vị trí… để khi đặt lên khuôn bánh nó phải hài hòa và thật nhất có thể. Khi đã biết móc, mình tự sáng tạo kiểu hoa mới có độ dày và có gân bên trong, giống bánh trung thu thật nhất có thể”, chị Thảo chia sẻ.
Khi làm được chiếc bánh trung thu ưng ý, chị Thảo bắt tay thiết kế chart móc để chỉ cho các cô em khác làm bánh nhanh hơn, chỉ mất khoảng 5 - 6 tiếng để làm xong một bánh.
Chiếc bánh trung thu bằng len của chị Thảo đã nhận được ‘cơn mưa’ lời khen trên mạng xã hội. Chị tâm sự: “Mình bất ngờ khi mẫu bánh được quan tâm. Có nhiều người liên hệ đặt mua. Tuy nhiên đang thời điểm giãn cách xã hội, sản phẩm không thuộc danh sách vận chuyển nên mình đã từ chối”.
Chị Thảo làm quen với len từ hồi học THCS. Lúc học đại học, chị đã móc một mẫu váy cho cháu gái. Vì móc theo nên số đo không phù hợp, sản phẩm hoàn thiện nhỏ quá nên cháu mặc không vừa. Chị thấy buồn cười nhưng vẫn vui.
Năm 2018, sau khi sinh bé thứ 2, chị Thảo mới quay lại với len và kim. Tình cờ chị biết đến Amigurumi - môn nghệ thuật về đan móc len của Nhật Bản. Ban đầu, chị chỉ muốn tìm hiểu để đan áo, thú bông cho con gái sắp sinh nên tham gia các hội đan móc, học trên mạng và mua thêm sách móc thú của tác giả nước ngoài. Con gái lớn chia sẻ: “Con thích chơi thú bông do mẹ làm”. Thấy vui, chị tìm tòi thêm và quyết định tự thiết kế nhiều mẫu thú bông bằng len khác.
Theo chị Thảo, bước khó nhất để móc len là tạo dáng sản phẩm. Để làm một sản phẩm có kiểu dáng mong muốn, người thiết kế phải thử đi thử lại nhiều lần.
“Mình nghĩ móc len đòi hỏi người chơi tính kiên trì. Tùy vào sản phẩm mà kĩ thuật và lượng thời gian sử dụng khác nhưng đó là chuỗi hành động lặp đi lặp lại, dễ gây nản khi gặp kĩ thuật khó. Nếu không kiền trì, bạn có rất nhiều sản phẩm dang dở mà không biết bao giờ mới làm xong”, chị Thảo nói.
Chị Thảo cho hay chị yêu thích đan móc vì có thể sáng tạo rất nhiều sản phẩm đẹp mắt mang tính cá nhân. Móc len giúp bà mẹ bỉm sữa sự kiên trì, tỉ mỉ, bình tĩnh được thỏa sức sáng tạo những thú mình thích. Mỗi khi hoàn thành một sản phẩm (bánh trung thu), chị thấy như vừa đạt được một thành tựu nho nhỏ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.