Đi chống dịch về nhưng nhà bị phong tỏa, thầy giáo mắc võng ngủ ngoài đường

17/08/2021 14:44 GMT+7

Tham gia chống dịch hơn một tháng nay, bỗng một hôm sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về thì khu vực nhà bị phong tỏa. Không thể vào nhà, thầy giáo mắc võng ngủ ngoài đường để tiếp tục tham gia đi chống dịch đến cùng.

Dịch bệnh căng thẳng và phức tạp, mới đây lại cướp đi sinh mạng người dì ruột của mình, thầy giáo Vũ Thanh Tùng, hiện là Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Cách Mạng Tháng 8 (Q. Tân Bình, TP.HCM), càng thêm quyết tâm để tham gia hỗ trợ cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm trở lại bình thường, để những câu chuyện đau thương vì dịch bệnh sẽ không còn tái diễn nữa. Và hình ảnh thầy giáo mắc võng ngủ ngoài đường để đi chống dịch đã gây cảm động cho nhiều người.

2 cha con cùng đi chống dịch

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, anh Tùng cho biết trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì ngay từ năm 2020 anh đã có suy nghĩ là cần phải làm gì đó để giúp mọi người hiểu biết đầy đủ hơn về dịch, từ đó có cách phòng chống đúng và hiệu quả.

Anh Tùng vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân ở khu cách ly, phong toả

“Tuy nhiên vào thời điểm đó, tôi cũng không biết phải tham gia ở đâu và làm như thế nào? Với vai trò và vị trí của một giáo viên Tổng phụ trách Đội, tôi đã tuyên truyền và giáo dục các em về thông điệp 5K, về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp cũng như giới thiệu cho các em thấy sự hy sinh cao cả và thầm lặng của các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, những người lính biên phòng đang căng mình nơi biên giới và đưa cả những ca khúc tuyên truyền phòng chống Covid-19 hay Vũ điệu rửa tay vào những giờ ra chơi, giờ sinh hoạt”, anh Tùng kể.
Đến khi dịch bệnh bùng phát trở lại lần này, khi mà mùa hè bắt buộc phải đến sớm, lại càng thôi thúc anh Tùng tham gia vào công cuộc hỗ trợ phòng chống dịch.
“Nhưng vào lúc này thì sức khỏe của tôi lại có vấn đề, nên tôi không thể đăng ký tham gia và phải tự ở nhà hơn 12 ngày để điều trị khỏi bệnh. Cho đến đầu tháng 7, địa phương cần lực lượng hỗ trợ nhập dữ liệu cho công tác lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn phường 12, Q.Tân Bình thì 2 cha con tôi (con trai Vũ Thanh Minh, 14 tuổi) đã tham gia với nhiều vai trò khác nhau trên địa bàn quận Tân Bình. Từ việc nhập dữ liệu tại Trung tâm y tế Q.Tân Bình đến công tác điều phối lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, việc lấy mẫu xét nghiệm trong khu cách ly đến công tác hỗ trợ tiêm phòng tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và có đêm phải nghỉ lại tại Trung tâm y tế quận…”, anh Tùng kể.

Hỗ trợ các điểm lấy mẫu xét nghiệm

Không những thế, thầy giáo Tổng phụ trách Đội còn dùng xe đạp chở thêm loa phát thanh để tuyên truyền công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn. Và để công tác hỗ trợ được hoạt động liên tục, ngoài tham gia đội tình nguyện viên của Quận đoàn Tân Bình, anh Tùng còn tìm đến đội hình tình nguyện viên của Quận đoàn Phú Nhuận và tham gia công tác trực chốt tại khu cách ly.
Tại đây, thầy giáo Tổng phụ trách Đội nhận những nhiệm vụ như đảm bảo an ninh trật tự và an toàn ở khu cách ly, trao phát lương thực - thực phẩm cho người dân trong khu vực cách ly, thu dọn rác sinh hoạt cho người dân…
Anh Tùng cũng cùng chính quyền địa phương trao tặng quà đến các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ neo đơn hoặc người khuyết tật tại phường 7, Q. Phú Nhuận; tuyên truyền vận động người dân tiêm vắc xin và hỗ trợ công tác tiêm vắc xin tại phường 8, Q. Phú Nhuận… Và hiện nay, qua sự kết nối của bạn bè, anh đang hỗ trợ công tác nhập dữ liệu tiêm vắc xin tại phường 22, Q.Bình Thạnh.

TP.HCM: Thêm 2.716 ca Covid-19 xuất viện, tổng cộng 75.589 bệnh nhân hồi phục

Sẽ tham gia chống dịch đến khi nào thành phố được bình yên trở lại

Khi người viết thắc mắc về việc mắc võng ngủ ngoài đường, thầy giáo Tổng phụ trách Đội kể: “Vào một ngày đầu tháng 8, cũng như mọi ngày trước đó, sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch của một ngày, tôi trở về nhà thì khu vực nhà mình bị phong tỏa. Điều này, cũng đồng nghĩa với việc mình bị bít lối vào nhà. Thế là chiếc võng lại trở nên thần thánh và cứu cánh tôi nghỉ lại qua đêm tại nơi công tác trong suốt những ngày còn lại. Cho đến những ngày gần đây, khi công tác tiêm phòng cho người dân trên địa bàn đã hoàn tất và cũng không muốn gây trở ngại cho cơ quan, đơn vị tại địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh (dù có được ngỏ ý trợ giúp), tôi đã chọn phương án tự cách ly sau một ngày tham gia công tác chống dịch với chiếc võng của mình tại các công viên ven bờ sông Sài Gòn hoặc tạm dưới mái hiên của nhà ai đó nếu gặp trời mưa, nhưng may mấy đêm nay chưa đêm nào gặp mưa quá lâu. Hiện nay, thì do mỗi ngày được phân công một điểm hỗ trợ khác nhau nên mình tùy cơ ứng biến thôi”.

Không thể vào nhà, và mỗi ngày hỗ trợ một điểm khác nhau nên anh Tùng chọn cách mắc võng ngủ để tiện hơn cho việc di chuyển đi hỗ trợ chống dịch

Với anh Tùng thì trước đây vỗn dĩ chiếc võng đã như vật bất ly thân và đã đồng hành cùng anh trên nhiều hoạt động.
“Mọi người cũng biết chiếc võng là một phương tiện, công cụ không thể thiếu của người Việt trong công tác khai hoang mở cõi hay hành quân đánh giặc của cha ông ta. Và ngày nay, là những hoạt động dã ngoại khác… Đối với tôi cũng vậy, chiếc võng cũng luôn bên mình trong những lần cắm trại dã ngoại của tuổi trẻ hay những lần lang thang khắp miền Tổ quốc theo bước chân khám phá và trong cả những buổi trưa hè nghỉ lại tại nơi công tác tiêm chủng. Và khi ở nhà, có những lúc tiết trời oi bức, tôi cũng thường mắc võng ở ngoài sân hay mái hiên của nhà hàng xóm để ngủ”, anh Tùng kể.

Anh Tùng đã hỗ trợ chống dịch ở nhiều nhiệm vụ khác nhau

Anh Tùng và con trai trong những ngày đầu hỗ trợ nhập liệu

Thực tế, anh Tùng vẫn có thể vào nhà để sống cùng với gia đình trong khu cách ly, nhưng tại sao anh không làm điều đó? Bởi vì, anh nghĩ khi mình vẫn còn đang khoẻ mạnh và có thể góp sức cho công cuộc phòng chống dịch thì anh không muốn bỏ phí một ngày nào.
“Ngoài việc đi hỗ trợ chống dịch, tôi cũng rất muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ cho nhiều gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Nên tranh thủ những lúc nghỉ trưa hoặc sau giờ công tác, tôi đã vận động và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho hoàn cảnh khó khăn đang còn bám trụ lại tại thành phố. Đó là những gia đình của trọ xóm ve chai với những đứa trẻ là học sinh của tôi ở phường 12, Q.Tân Bình, là những đồng nghiệp, những người bạn trong khu vực cách ly còn thiếu thực phẩm...Và trong đợt dịch này, tôi cũng vừa mất đi người dì ruột thịt, nên tôi thấy mình cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để chung tay đẩy lùi Covid-19, để những điều đau thương vì dịch bệnh không còn tái diễn nữa”, anh Tùng tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.