Mùa thu năm Đinh Sửu, một cô gái tuổi vừa tròn 18, lặng lẽ theo chồng lên xe hoa vào Sài Gòn. Bỏ lại phía sau miền đất đẻ, bóng mẹ già lặng lẽ nhìn theo, bỏ lại cả thanh xuân phía trước còn dang dở. Xóm Đạo đón cô sau hơn 100 cây số đường dài, khi mà bóng hoàng hôn dần tàn.
Mẹ, trong chiếc áo cưới trắng tinh khôi, trong tay chồng đi vào cổng nhà thờ Hợp An. Là lần đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn kể từ ngày gặp ba, với vẻ đẹp trong sáng của người con gái quê, thì người Sài Gòn, dù đang tấp nập đến mấy cũng ghé mắt vài giây để cảm nhận rõ hơn về nó. Còn trong mắt mẹ, đấy là giấc mơ được ngắm nhìn thành phố của những vì sao, nhiều đến nỗi chẳng thể nào đếm xuể. Không ai biết mẹ nghĩ gì. Có lẽ, lúc đó trái tim của người con gái đó rộn ràng và lo lắng hơn bao giờ hết. Liệu Sài Gòn có phải là nơi khởi đầu cho những điều tốt đẹp? Hay là một giấc mơ mà mẹ chẳng thể nắm giữ?
Ra đồng từ sáng sớm, đến chiều tối lại về nhà thổi cơm, bập bùng bên bếp lửa. Giờ đây, nằm trên võng đu đưa, tay vắt lên trán, đôi mắt suy tư nhìn về 20 năm trước, mẹ kể lại những kỷ niệm một thời. Ngày đầu làm dâu, mẹ đi chợ, đồ ăn lúc ấy tuy mắc hơn ở quê, nhưng con người Sài Gòn không ngại ngần mà giảm giá cho khách. Người Sài Gòn không tính toán không so đo, không tham lam không ích kỷ, không mua gian bán lận. Cũng do đó mà lần đầu gặp ngỡ là quen từ thuở nào, mẹ tôi lúc ấy cũng tự tin hơn nhiều. Mẹ bảo người Sài Gòn sống hồn nhiên như bà con miền quê Nam bộ. Mẹ thường bắt gặp cảnh người dân ngồi ghế uống cà phê, sữa đậu nành, có người còn co chân kiểu “ngồi chống lũ” lên ghế như dân quê của tôi. Cái vẻ quê này không ảnh hưởng tới ai, người Sài Gòn là vậy, giàu có, nghèo có, nhưng họ vẫn đối xử với nhau như những người anh em ruột thịt. “Ừ thì, Sài Gòn mà, thương nhau mà sống”.
Sài Gòn năm ấy, phát triển lắm! Hay tại mẹ tôi ở quê nên không hiểu biết được nhiều. Lần đầu mẹ nấu cơm, không phải là nhóm lửa, ngồi đợi chắt nước cơm, thức uống mà bấy giờ đám trẻ con rất thích. Mà mẹ sử dụng nồi cơm điện, mẹ kể do mẹ không biết nấu nên cơm không chín, làm cả nhà phải ra ngoài ăn một bữa. Cả máy giặt cũng vậy, lúc còn ở quê mẹ chỉ giặt bằng tay, nay lên làm dâu Sài Gòn, mẹ gặp khó khăn rất nhiều, một phần ba đi công tác, một phần lạ lẫm với mọi thứ xung quanh. Nhưng có lẽ vì thương ba tôi, nên mẹ thương luôn cả Sài Gòn. Năm ấy, tình yêu với ba là hành trang duy nhất của mẹ tôi khi chân ướt chân ráo làm dâu xứ người. Điều tưởng chừng như không thể với mẹ tôi lúc bấy giờ, nhưng mẹ đã làm được, như cách con người Sài thành chịu thương chịu khó, chịu mọi cảnh cực khổ cơ hàn mà cố gắng kiên cường để mưu sinh giữa một Sài Gòn hoa lệ. Vì vậy mà mẹ càng yêu mảnh đất, con người ở đây hơn.
|
Rồi mẹ sinh con gái đầu lòng, là tôi bây giờ, niềm vui không đếm xuể. Năm tôi biết đi: tôi đi lạc. Sài Gòn, đầy các con hẻm. Dăm ba hẻm rộng bằng cả một con đường, có hẻm chật chội chỉ một chiếc xe máy đã hết đường đi. Tuy đã tồn tại hàng trăm năm nhưng vẫn để lại đâu đó một nét văn hóa Sài Gòn. Đối với người Sài Gòn, hẻm không đơn thuần là con đường trước nhà, mà đó còn là những góc nhỏ rất dễ thương đặc biệt là trong mắt một đứa trẻ như tôi lúc ấy. Tôi say mê đi theo những góc nhỏ đó, vô tư hồn nhiên mà đâu biết rằng tôi đã bị lạc. Lúc ấy mẹ kể lại: “May lúc đó có cô hàng xóm thấy con, ẵm con về lại với mẹ”. Chứ cả nhà cứ hoảng loạn tìm con. Một phen hú hồn cho tuổi thơ của tôi, nhưng tôi vẫn chẳng “chừa”, đến bây giờ tôi vẫn đi lạc đâu đó ở Sài Gòn đấy thôi! Những con hẻm Sài Gòn độc đáo, yên bình trái với vẻ ngoài xa hoa kiêu kỳ mà người ta vẫn thường thấy. Có bao giờ bạn thấy mệt mỏi khi mải mê cho những cuộc mưu sinh trần thế? Khi đó, hãy thử ghé vài con hẻm của Sài Gòn, sống chậm lại, ngắm nhìn nhiều hơn, để thấy một Sài Gòn đã bao mùa mưa nắng vẫn đón đưa, đợi chờ.
Làm dâu lâu ở Sài Gòn vào cái độ tuổi mãnh liệt nhất của đời người, bởi đó là tính cách con người dần thấm vào máu, thấm vào tim mẹ tôi. Tình yêu của mẹ thắp sáng cả bầu trời Sài Gòn năm ấy, không quan tâm đến chuyện mai này sẽ về đâu, chỉ cần có ba, tôi và Sài Gòn trong trái tim của mẹ.
|
Bình luận (0)