Một thời ký túc xá 135…

17/01/2020 14:00 GMT+7

Vào các thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, thi đậu đại học là vô cùng khó. Thời ấy, trường đại học ít và các trường tập trung ở các thành phố lớn, phía Nam tập trung ở TP.HCM.

Sinh viên tỉnh lẻ được báo đậu, xét hồ sơ cho đi học là vui bởi từ một anh “nhà quê” được lên sống “thành phố”, và thuộc diện ưu tiên để được vào ở các ký túc xá thuộc trường trong thời gian đi học. Tôi và những người bạn được ở trong ký túc xá 135, Trần Hưng Đạo thuộc Q.1 trong điều kiện như vậy.
Ký túc xá chúng tôi ở khá lớn với nhiều tầng, nhiều phòng. Khu A chiếm mặt tiền khá rộng và khu B thấp hơn,chạy dài theo con hẻm – cả người dân và sinh viên gọi bằng cái tên hẻm Ký túc.
Ban đầu lạ lẫm rồi thành quen với nhịp sống tập thể của những người xa lạ từ các vùng quê. Nơi đó, gom nhiều thế hệ sinh viên của nhiều trường trú ngụ: Tổng hợp, Sân khấu, Kinh tế…
Ký túc xá nhộn nhịp mỗi ngày, đặc biệt vào những lúc đầu ngày, đầu buổi và mỗi tối. Có chỗ ở là quý lắm rồi nhất là vào thời buổi khó khăn. Cả dãy, có phòng tắm dành cho tập thể, phía cuối, tranh thủ nhau, đợi và chờ. Buổi tắm, cũng là dịp gặp, hỏi nhau, trò chuyện, gội chung xà bông, giúp nhau chứ không lẽ để bạn tắm chay.
Cả khu, khu nào sảnh rộng như lầu 8 khu A, lầu 3 khu B, bố trí được cái ti vi, giao cho sinh viên uy tín chịu trách nhiệm “chăm lo”. Khi có phim hay, trận bóng đá được truyền hình, y rằng như đám hội.
Nhiều tầng, lầu cao nhưng chả ai nghĩ và biết tới cái thang máy. Cầu thang lên đến tầng 8 đi bộ ngày mấy bận là chuyện nhỏ, cũng chả nề hà gì. Ở tầng cao, xuống khi đi đâu, lỡ quên cái gì thì buộc đi lên lại, vừa mới lên, đang ở phòng có tin nhắn xuống… mệt chi, cũng phải đi. Chuyện thường ngày.
Sinh viên quý và mến yêu những người trong Ban quản lý ký túc như người nhà, thân thương gọi anh, chị, má tùy theo tuổi tác. Nhiều người nhớ và tôi nhớ nhất là má Bảy – người trực ký túc với trí nhớ và cái nhìn tinh tường. Cả hàng trăm con người thế mà má Bảy nhớ đến họ tên và số phòng. Có thông báo, tin nhắn thư từ, trong xô bồ qua lại, lên xuống, thoáng qua, gọi đầy đủ họ tên.

Nhưng, đối với chúng tôi – những người đã sống trong ký túc 135 - Trần Hưng Đạo này – vẫn nhớ về những kỷ niệm có vui, có buồn với bao nhiêu hình ảnh có thể chợt đến rồi đi – nhưng không thể nào quên trong tâm trí của mình

Ảnh: Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên

Cuộc sống sinh viên thời đó rất khó. Nhiều khi cả phòng cùng chung một nồi mì ăn liền mà cân theo ký với bịch mỡ heo, rau dạt ở chợ Cầu Muối bên hông ký túc. Rau muống loại rẻ có lẽ là nguồn tiêu thụ nhiều nhất của sinh viên với việc chế biến đỡ tốn kém như luộc, xào và có nước làm canh. Xà bông tắm ư, cả phòng dùng chung, sang thì Pamolive, Zet hoặc cùng cục đá trắng 72% dầu huyền thoại cho cả giặt quần áo, gội đầu. Không phải kể khổ nhiều nhưng nhắc cái thời như thế và đáng nhớ ấy lại gắn kết tình bạn trong lớp, chung phòng khá bền để mỗi khi có dịp gặp mặt, là nhiều chuyện thú vị.
Con hẻm ký túc là một cuộc sống đầy sắc thái của nhều người. Hẻm bánh mì, bún riêu,bún bò, vé số, bơm xe, bơm ga, xe ôm… phục vụ chủ yếu cho sinh viên. Nhớ mặt lấy tiền liền hoặc có thể cho thiếu, cho nợ khi có học bổng hoặc tiền nhà gửi lên. Quán cơm của cô Nghệ sĩ Phùng Há trong hẻm ký túc phục vụ miễn phí cơm thu hút nhiều sinh viên khi được mở.
Cung đường quen thuộc từ ký túc đến cơ sở 1 của trường Tổng hợp tại Nguyễn Văn Cừ, cơ sở 2 Đinh Tiên Hoàng, các thư viện… và đây đó đã trở thành dĩ vãng. Cái mặt tiền với những ô cửa sổ trên cao, những hàng dây với nhiều màu của quần áo được sinh viên phơi như mắc khung từng ô của “nghệ thuật sắp đặt”. Biết sao, với thời ấy, sáng tạo nghệ thuật sắp đặt bắt buộc đó là chuyện đương nhiên. Giờ mỗi lần trở lại, đi ngang qua con đường Trần Hưng Đạo quen thuộc, phố xá với chung cư, cao tầng vượt lên… trong cảnh quan khác lạ. Ký túc xá có những thay đổi nhưng vẫn hình hài như trước. Những sắc màu vàng trắng loang lổ xưa của thời “tôi ấy” được thay bằng sắc màu sáng, xanh tươi được sinh viên thời hôm nay làm đẹp lên rất nhiều.
Ở nơi đó – một thời ký túc gắn với một giai đoạn học tập của bao thế hệ sinh viên. Những sinh viên ngày ấy khi tốt nghiệp, rời xa đi để tìm việc làm. Nhiều người về quê, xa thật xa ít có những dịp trở lại. Có những bạn ở lại thành phố, làm việc và sinh sống lâu dài. Chắc hẳn, mỗi ai, đi qua đây khi có dịp, sẽ luôn nhớ về một thời ký túc đó. Nó khác với thời bây giờ trong từng thay đổi của nhịp sống… Nhưng, đối với chúng tôi – những người đã sống trong ký túc 135 - Trần Hưng Đạo này – vẫn nhớ về những kỷ niệm có vui, có buồn với bao nhiêu hình ảnh có thể chợt đến rồi đi – nhưng không thể nào quên trong tâm trí của mình. Tôi gọi đó là một thời đáng nhớ ở Sài Gòn này.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.