Giống như bao bà mẹ trẻ khác có con đầu lòng, tôi hồi hộp lắm và tham gia rất nhiều nhóm bà mẹ bỉm sữa online, đọc đủ thứ sách đông tây kim cổ để khẳng định mình là kẻ "bất khả chiến bại" - chẳng lẽ lớn (già) từng này rồi không chăm nổi một đứa con.
Tôi theo anh sang Đức vào tháng 8.2015, lúc đó đã 28 tuần thai. Tôi bắt đầu một cuộc sống mới ở một nơi xa lạ.
Ông sếp 2 tháng tuổi
Nghe chẳng lạ khi thấy các bà mẹ ca thán. Hết về chồng như “chán lắm các chị ạ, từ ngày sinh con xong, ông ấy toàn đi làm, về ăn rồi lên giường đi ngủ. Bế con chắc được vài phút, nó khóc thì đưa lại cho mẹ” rồi đến chuyện mẹ chồng-nàng dâu như “em chẳng thích mẹ chồng chăm con, toàn cho nó ăn giờ giấc linh tinh, con em ngủ chẳng theo bữa như ở với em”. Thậm chí còn trách móc chính mẹ đẻ của mình khi đưa cho bà đủ thứ giấy tờ hay chỉ cách chăm con mà các mẹ nghĩ "đó là cách tốt nhất " và "chỉ mẹ bé mới làm được".
Tôi tham gia các hội bỉm sữa, hàng ngày chỉ lẳng lặng nghe các mẹ kêu ca. Bụng bảo dạ, mong rằng mình không rơi vào vòng luẩn quẩn đó.
Sau mấy tuần đầu sinh con, tôi cảm nhận đúng như thế, chẳng ai chăm con tốt bằng tôi, chẳng ai hiểu con bằng tôi. Hoặc ít ra là tôi tự nghĩ thế.
Thế là chỉ cần nghe tiếng con khóc, tôi đã cuống cuồng chạy ngay để phục vụ mong muốn của thằng bé chưa đầy 2 tháng tuổi đã trở thành sếp mới của tôi. Chỉ cần khóc, mọi thứ chàng cần đều được phục vụ từ chân lên đầu.
Kết quả là tôi thiếu ăn, thiếu ngủ, và xì-trét.
Được chồng động viên “con mình 6 tuần tuổi rồi, hôm nay chúng ta để con ở nhà bà nội đi rồi hai đứa đi sauna và nghỉ ngơi tí. Em cần được nghỉ ngơi”. Tôi quay sang “mẹ anh đã bế cháu ngày nào đâu mà biết trông nó. Hay thôi, mình đi một tiếng rồi về”, “tuỳ em, miễn em "đừng nhăn nhó" là được”.
Thế là tôi quyết định đưa con cho bà nội. Bụng bảo dạ: “kệ, cứ để bà trông và không nhắn tin gì cả”.
Nhưng “nói một đằng, làm một nẻo, cứ 15 phút lại nhắn tin: “Bà ơi, cháu thế nào?”.
Đến tận khi bà nhắn lại “nó ngủ lâu rồi” tôi mới thở phào nhẹ nhõm và thực sự không nghĩ đến con đã ăn chưa, ngủ chưa, đi ị chưa...
Thay vì đi một tiếng, hai vợ chồng đi một lèo đến năm tiếng mới về.
Chồng quay sang bảo: “Em thấy chưa. Bà có ba người con và hai người cháu rồi. Chẳng lẽ không biết chăm cậu quí tử của em”.
Khi “quí tử” sang tháng thứ 3, tôi bắt đầu phải đi học buổi tối từ 6 giờ đến 9 giờ. Đúng thời điểm gay go nhất trong ngày là tắm cho con, cho con ăn và ngủ. Nghĩ bụng “khà khà, tưởng chăm con mà dễ à. Mệt lắm đấy. Xem lão ấy có làm được không?”.
“Ngả mũ” vì quý ông chăm con
Tuần đầu tiên, cứ đến giờ ra chơi là tôi lại chạy vội về xem con đã ngủ chưa, có làm sao không. Dần dần, tôi không quay về giữa giờ nữa và tập trung vào việc học hơn.
Điều kỳ lạ đến với tôi, thay vì mất ngủ thường xuyên và đầu óc lúc nào cũng ong ong nghĩ đến bỉm sữa thì giờ cứ đặt lưng xuống là ngủ và não hoạt động đến nhiều phạm vi khác ngoài bỉm sữa.
Giờ bé nhà tôi đã gần 10 tháng. Xin được liệt kệ vài tình huống chăm con độc đáo của bố:
1. Vợ đi tập về lúc 7.30 tối thấy nhà cửa im lìm, chồng đang nằm khèo xem ti vi, con chẳng thấy đâu. Tôi hỏi anh:
- Anh ơi, con ngủ lâu chưa ?
- Anh cũng chẳng biết.
- Hả, thế con uống sữa chưa ?
- Anh thay quần áo ngủ cho con, đặt xuống giường và đưa cho bình sữa. Từ đấy không quay lại phòng con nữa.
Tôi chạy vội sang phòng nó, thằng bé đang ngủ rất mãn nguyện, mông chổng lên trời và bình sữa lăn lóc bên cạnh giường đã hết không còn một giọt.
2. Bố thản nhiên đặt con vào giữa giường (giường của bố mẹ chứ không phải cũi của bé) rồi đi ra bếp pha trà. Tôi nhìn thấy hoảng loạn:
- Sao anh lại để con thế kia, nó ngã thì sao ?
- Ơ, em không biết à. Nó học được bài học rồi. Chỉ dám mon men ra thành giường rồi quay lại thôi. Mà chẳng may có ngã thì nó càng nhớ. Lần sau sẽ không làm nữa.
Con tôi nghiện ăn trái đào dẹt giống Thổ, chẳng biết được bố dạy cho thế nào mà ăn hết cùi, tự nhằn hạt và đưa ra trước mặt bố như khoe chiến lợi phẩm. Rồi những trò chơi của hai bố con mà ban đầu tôi nhìn đã phát hoảng.
Có lẽ nên học tập các ông bố. Họ suy nghĩ và hành động đơn giản.
Thế nên nhà tôi giờ có thói quen "tự trị". Bố trông là việc của bố, tôi miễn tham gia. Nghĩ cho cùng, tôi sinh con lần đầu, kinh nghiệm cũng chỉ ngang chồng, nếu không cho chồng cơ hội "làm bố" thì sao bố biết cách chơi và chăm con.
"Tự trị" không chỉ áp dụng trong khuôn khổ nhà tôi, mà còn cho cả hai bên nội ngoại.
Nhớ lần về nhà bà nội, bà thấy cháu ngồi nghịch và nhai báo liền nói: “cháu không được ăn báo thế kia, bố mắng bà bây giờ”.
Chồng tôi trả lời: “bà ơi, đây là nhà của bà. Luật do bà đưa ra. Bọn con đã gửi cháu nên không can thiệp”.
Rồi quay sang nói nhỏ với tôi: “kể cả mình có nói với bà thế này thế kia, khi đi là bà quên hết, bà vẫn làm theo cách của bà. Thế nên em lo cũng chẳng ích gì”.
Mỗi người có cách nuôi dạy con khác nhau, cũng giống như một đứa bé có thể tương thích với nhiều cách giáo dục. Một ngày bà trông cháu, hay một ngày chồng chăm con không thể ảnh hưởng đến "chu trình" của bạn.
Người bạn thân của tôi có hai cháu bé. Một lên 12 và một lên 6 từng nói: "đừng nhìn vào hành động, hãy nhìn vào kết quả".
Kết quả của tôi là dù ai chăm con tôi, con tôi cũng rất dễ hoà đồng và không bám mẹ nhằng nhẵng, bé rất vui vẻ. Còn bản thân tôi cũng có những khoảng thời gian riêng để đọc sách hay gặp gỡ bạn bè.
Điều tuyệt hơn đó là, vì bé thường xuyên được bố chăm, nên bố hiểu bé hơn và cũng đồng cảm với mẹ bé hơn. Có nhiều đêm chẳng may con dậy khi bị ốm hay mọc răng, chồng tôi lại sẵn sàng bật dậy để tôi ngủ ngon. Điều này không xảy ra khi bé nhà tôi mới chào đời, nhưng tôi đã thay đổi để chồng có cơ hội "làm bố".
Bình luận (0)